Tuyên truyền, giáo dục về tác hại của các loại ma túy cho thanh thiếu niên.( Ảnh minh họa)
Tháng hành động phòng, chống ma túy được triển khai từ ngày 01/6 đến ngày 30/6/2015. Các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng về hậu quả, tác hại, hiểm họa của ma túy đến với mọi tầng lớp nhân dân. Vì hiện ma tuý vẫn đang còn là một vấn đề nhức nhối của xã hội. Ma tuý không chỉ huỷ hoại sức khoẻ con người mà còn khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt, bần cùng. Ma tuý không chỉ là nguyên nhân của các mối bất hoà trong gia đình mà còn là nguyên nhân dẫn đến phạm tội và gây mất trật tự, an toàn xã hội. Những tác hại và hậu quả của ma tuý vẫn đang tác động và gây ảnh hưởng đến tất cả chúng ta từng ngày, từng giờ. Vì vậy việc "đẩy lùi ma tuý" và "giảm thiểu tác hại" của ma tuý không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước hay các tổ chức liên quan đến việc phòng chống ma tuý mà còn là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Do vậy, để việc tổ chức triển khai Tháng cao điểm phòng, chống ma túy năm 2015 đạt kết quả tốt, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh cần phối hợp với cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy; để giúp người nghiện ma túy và gia đình họ tự khai báo, đăng ký hình thức cai nghiện phù hợp; giúp đỡ, chăm sóc người bị nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì việc đẩy mạnh công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho những người mới nghiện ma túy là việc làm hết sức cần thiết, việc tổ chức các hoạt động tư vấn, dạy nghề, vay vốn tạo việc làm cho người sau cai nghiện tại các xã, phường, thị trấn để giúp họ có thu nhập ổn định, tái hòa nhập cộng đồng là những việc làm hết sức quan trọng trong thời buổi hiện nay.
Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh thì việc cai nghiện ma túy là công việc rất khó khăn nhưng với quyết tâm, nghị lực của bản thân người cai nghiện, sự giúp đỡ của gia đình, có sự chung tay hỗ trợ tích cực, thiết thực của cộng đồng thì người nghiện có thể phục hồi. Chính vì vậy, việc tuyên truyền Tháng hành động phòng, chống ma túy là việc làm hết sức quan trọng nhằm kêu gọi các tầng lớp nhân chung tay hưởng ứng loại trừ hiểm họa này.
Trên cơ sở đẩy mạnh công tác truyên truyền thì các ngành chức năng phối hợp với nhau để đẩy nhanh việc xây dựng, nhân rộng mô hình Đội công tác xã hội tình nguyện tại xã, phường, thị trấn. Đồng thời, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực đối với tình nguyện viên về công tác tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, tiếp cận, cảm hóa, hỗ trợ người nghiện ma túy cai nghiện, vay vốn, tạo việc làm tái hòa nhập cộng đồng. Phối hợp công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", coi đó là một trong các biện pháp cơ bản để kéo giảm số người sử dụng ma túy trái phép ở cơ sở.
Trong Tháng hành động phòng, chống ma tuý, các Trung tâm quản lý sau cai nghiện nên tổ chức các chương trình thi tìm hiểu pháp luật phòng chống ma túy, tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho cán bộ, học viên trong Trung tâm. Từng bước chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thành nơi cung cấp các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện thân thiện, hiệu quả.
Các cơ quan báo chí cần xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của tệ nạn nghiện ma túy, đặc biệt là nghiện ma túy tổng hợp, các chất tân dược gây nghiện, chủ trương đổi mới công tác cai nghiện ma túy và mở rộng mô hình điều trị thay thế bằng thuốc Methadone, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của xã hội về tệ nạn này. Phản ánh, biểu dương, nhân rộng mô hình, điển hình trong công tác cai nghiện phục hồi, quản lý sau cai nghiện, Đội công tác xã hội tình nguyện xã, phường, thị trấn giúp đỡ người cai nghiện, người sau cai, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, học nghề, vay vốn, tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng có hiệu quả.
Công tác tuyên truyền cần được tổ chức tập trung cho các đối tượng như những người có nguy cơ cao mắc nghiện cao, đặc biệt là thanh niên, học sinh, sinh viên, người nghiện và gia đình họ, người sau cai nghiện, người điều trị thay thế bằng Methadone. Đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền phù hợp với phong tục, tập quán ở từng địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người để có hiệu quả thiết thực. Cần huy động những người sau cai tham gia vào công tác tuyên truyền.
Kim Hà