Hiệu quả bước đầu của đệm lót sinh học trong chăn nuôi

Thứ hai - 19/08/2013 00:00 109 0
Đệm lót sinh học có nhiều tiện ích vượt trội trong chăn nuôi như thân thiện với môi trường, giảm được công sức của người chăn nuôi, hạn chế được một số dịch bệnh, tăng chất lượng thịt…
Chuồng gà ứng dụng đệm lót sinh học của chị Huệ

Tuy có nhiều tiện ích vượt trội trong chăn nuôi như thân thiện với môi trường, giảm được công sức của người chăn nuôi, hạn chế được một số dịch bệnh, tăng chất lượng thịt… nhưng cho đến nay việc sử dụng đệm lót sinh học bằng men Balasa N01 vẫn chưa được nhiều người chăn nuôi trong tỉnh biết đến.

Ông Nguyễn Văn Quang- Trưởng Trạm Khuyến nông Thị xã cho biết, cách nay hơn 3 tháng, Trạm đã phối hợp cùng Hội Nông dân xã Bình Minh xây dựng 4 điểm nuôi gà thả vườn bằng đệm lót sinh học cho kết quả tốt tại 2 ấp Bình Trung và Đồng Cỏ Đỏ với số lượng nuôi 1.000 con. Theo ông Quang, kỹ thuật làm đệm lót sinh học bằng chế phẩm men Balasa N01 không quá phức tạp, chi phí lại không cao, phù hợp với người chăn nuôi nhỏ lẻ. Cụ thể là dùng 1kg men cùng với khoảng 5kg cám gạo hoặc bột bắp hoà với nước rồi đem ủ từ 2 đến 3 ngày. Sau đó rải lên lớp trấu hoặc mùn cưa để tạo thành lớp đệm thả vật nuôi. Tuỳ loại vật nuôi, số lượng nuôi mà rải trấu hoặc mùn cưa có độ dày mỏng khác nhau- từ 10 đến 50cm. Lớp đệm phải được bổ sung men khi lớp mặt không còn tơi hay lượng phân thải ra nhiều. Thời hạn sử dụng đệm sinh học tuỳ theo loại vật nuôi và cách bảo quản, nhưng thông thường có thể dùng kéo dài từ 6 tháng đến hơn một năm. Khi không sử dụng nữa thì lớp đệm này có thể dùng làm phân bón cho cây trồng.

Hộ bà Lê Thị Hồng Tuyến, ngụ ấp Bình Trung, xã Bình Minh, có nghề chăn nuôi heo, gà nhiều năm nay, nhưng chỉ qua 3 tháng thử nghiệm mô hình này, bà đã không ngừng khen “quá tốt”. Bà Tuyến cho biết, trước đây việc vệ sinh chuồng trại luôn phải thực hiện thường xuyên mỗi tuần 2 lần, tốn nhiều công sức. Tuy nhiên từ khoảng 3 tháng nay, được sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông Thị xã và Hội Nông dân xã, gia đình bà chuyển sang dùng đệm lót sinh học. Khi được chọn triển khai mô hình, gia đình bà Tuyến được hỗ trợ 250 con gà Lương Phượng để nuôi thả vườn, một ít chi phí chăn nuôi cải tạo chuồng trại. Gia đình bà chỉ chịu tiền mua men vi sinh với giá 75.000 đồng/kg. Theo bà, nguyên liệu để dùng làm đệm lót gồm trấu, mùn cưa là những thứ dễ tìm ở địa phương; men vi sinh có thể đặt mua từ Trạm Khuyến nông hoặc lên Trung tâm Khuyến nông tỉnh.

“Cái được lớn nhất trong việc sử dụng đệm lót sinh học chính là không gây mùi hôi thối như trước đây- kể cả khi chuồng trại được xây cất gần nhà ở. Mình cũng đỡ tốn công sức để dọn chuồng gà như trước đây. Mỗi tuần mình chỉ cần cải tạo sơ bề mặt đệm lót bằng men hay xới lên là có thể để nuôi tiếp. Từ khi làm mô hình, xung quanh đây có nhiều bà con đến tham quan, có người chuẩn bị làm theo”, bà Tuyến phấn khởi khoe. Sau hơn 2 tháng nuôi, gà đạt ngoài 2kg/con, bà Tuyến bán với giá 50.000 đồng/kg cho thu nhập khá.

Với gia đình ít người lại phải thường xuyên đi làm như gia đình chị Hồ Thị Huệ (ấp Bình Trung) thì chăn nuôi bằng đệm lót sinh học cũng là một giải pháp hiệu quả. Chị Huệ cho biết, hai vợ chồng cùng làm công nhân nên việc sử dụng đệm lót cũng đỡ được công chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, đồng thời gà lại ít dịch bệnh. “Cách làm này hay hơn cách nuôi trước đây rất nhiều. Mình còn tận dụng được phế phẩm để làm phân bón cho cây trồng sau khi đệm lót hết hạn sử dụng. Gia đình sẽ tiếp tục dùng đệm lót này trong thời gian tới và chúng tôi dự định sẽ tăng diện tích đệm lót lên để có thể nuôi được số lượng nhiều hơn”- chị Huệ cho biết.

Đệm lót sinh học không chỉ tốt trong chăn nuôi gia cầm mà còn phù hợp với chăn nuôi heo. Trong chăn nuôi heo, kinh phí đầu tư cho một đệm lót cao hơn khá nhiều so với nuôi gà, nhưng hiệu quả mang lại rất cao. Hộ bà Trần Thị Nguyên, ngụ ấp Xóm Mới 2, xã Trí Bình, Châu Thành là điểm thử nghiệm cho lớp chuyển giao kỹ thuật làm đệm lót sinh học. Bà được hỗ trợ làm một đệm lót cho 8m2 chuồng nuôi heo. Sau hai đợt nuôi, bà Nguyên cho rằng lợi ích từ mô hình này rất lớn vì đỡ tốn công, đỡ tốn nước, đỡ tốn thời gian. Bà Nguyên cho biết: “Nuôi heo mà không có mùi hôi thối thì còn gì hay bằng. Heo cũng ít bị bệnh về đường ruột, về móng như trước đây. Được nhất là mình có nhiều thời gian rảnh rỗi để làm việc khác vì không quá bận rộn lo dọn chuồng, cho heo ăn như trước kia nữa. Mình chỉ chú ý không cho đệm quá ướt hoặc quá khô mà thôi, việc này nông dân có thể làm tốt”. Theo bà Nguyên, heo xuất chuồng với cùng trọng lượng nhưng thời gian nuôi bằng đệm lót rút ngắn hơn, giảm được không ít chi phí. Bà Nguyên cho biết sắp tới gia đình bà sẽ tiếp tục làm thêm vài đệm lót nữa để tăng số lượng đàn heo.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây