Phát triển hệ thống chợ đạt chuẩn nông thôn mới

Thứ năm - 25/06/2015 11:00 95 0
Chợ là điểm tập trung lưu thông hàng hoá, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân, chợ nông thôn có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Cho.jpg

Ảnh minh họa

Trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chợ nông thôn được quy định tại tiêu chí số 7. Theo hướng dẫn của Sở Công thương Tây Ninh, tùy theo điều kiện cụ thể của từng chợ có thể vận dụng sát với thực tế của địa phương, điều kiện chung để chợ đạt chuẩn phải đảm bảo các nội dung như:

  Diện tích đất chợ từ 2.000 - 3.000 m2; chỉ tiêu sử dụng đất tối thiểu cho một điểm kinh doanh tại chợ là 16m2; mỗi điểm kinh doanh có diện tích quy chuẩn tối thiểu 3m2/điểm; diện tích xây dựng nhà lồng chợ nhỏ hơn 40% diện tích đất chợ; các điểm kinh doanh tại chợ được bố trí theo khu vực và theo từng ngành hàng, nhóm hàng; bố trí khu vực mua bán ngoài trời lớn hơn 25% diện tích đất chợ; đường giao thông nội bộ trong chợ và bãi xe lớn hơn 25% diện tích đất chợ; bố trí diện tích sân vườn và trồng cây xanh tại chợ không nhỏ hơn 10% diện tích đất chợ; có đầy đủ các trang thiết bị về phòng cháy, chữa cháy; công tác vệ sinh môi trường như: xử lý rác thải, hệ thống cấp thoát nước, về sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo…có tổ chức quản lý, có nội quy chợ do UBND xã quy định và niêm yết công khai để điều hành hoạt động xử lý vi phạm, có sử dụng cân đối chứng, thiết bị đo lường để người tiêu dùng tự kiểm tra về số lượng, khối lượng hàng hóa; các hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại chợ không thuộc danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Nhận thức được vai trò, vị trí chợ nông thôn trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, UBND tỉnh, ngành chức năng và các địa phương đã quan tâm đến công tác đầu tư phát triển hạ tầng chợ nông thôn thông qua việc dành quỹ đất để đầu tư xây dựng chợ.

Theo báo cáo thống kê của Phòng quản lý thương mại Sở Công thương, từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng 9 chợ (xây mới 4 chợ, nâng cấp 5 chợ) với tổng vốn đầu tư 15,1 tỷ đồng, trong đó: ngân sách 12,5 tỷ đồng, doanh nghiệp đóng góp 500 triệu đồng, tiểu thương đóng góp 2,016 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 107 chợ, trong đó có 83 chợ nội địa, 15 chợ biên giới, 05 chợ cửa khẩu và 01 chợ trong khu kinh tế của khẩu. Sau gần 5 năm thực hiện Tiêu chí số 7 về chợ nông thôn, đến nay tỉnh đã có 30/80 xã đạt tiêu chí chợ, tăng 30 xã so với thời điểm của năm 2011.

Theo đánh giá của ngành chức năng, hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của nhân dân, giao thông tương đối thuận lợi giúp lưu thông, trao đổi hàng hóa ngày càng đạt hiệu quả.

Những chợ mới hình thành đạt Tiêu chí số 7 về chợ trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đều được quy hoạch khoa học, thuận tiện cho việc giao lưu trao đổi hàng hóa, kinh doanh buôn bán, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, với các dãy kiot, sạp hàng được xây dựng kiên cố, có mái che nắng, mưa phục vụ các hộ tư thương yên tâm kinh doanh buôn bán lâu dài, đảm bảo được vấn đề vệ sinh môi trường với đa dạng các mặt hàng từ vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng đến các mặt hàng nhu yếu phẩm. Đặc biệt là các sản phẩm nông sản do nông dân sản xuất ra, hạn chế được tình trạng tư thương ép giá, góp phần bình ổn mặt bằng giá cả chung trên địa bàn tỉnh.

Nhờ hệ thống các chợ nông thôn phát triển nhanh, rộng khắp đã giải quyết được việc làm cho một bộ phận không nhỏ lao động nông thôn. Góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển một số lao động nông nghiệp thuần túy sang bán nông, bán thương góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân. Đồng thời đóng góp một phần không nhỏ vào ngân sách địa phương.

Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chợ theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu của người dân nông thôn, tỉnh và các địa phương cần tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống chợ trên địa bàn, xem xét điều chỉnh hoặc xây mới quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh theo từng giai đoạn, phù hợp với quy hoạch phát triển thương mại của địa phương và các quy định khác có liên quan. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác phát triển hệ thống chợ trên địa bàn theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Tiếp tục quan tâm cân đối, bố trí vốn từ nguồn ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng chợ; đồng thời thực hiện việc hướng dẫn đối với hoạt động huy động vốn của chủ đầu tư xây dựng chợ, sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển chợ từ ngân sách Trung ương, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước.

Tạo chính sách để khuyến khích các hộ đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh và làm dịch vụ thương mại. Mở rộng quy mô kinh doanh buôn bán hàng hóa đa dạng, nhằm tạo ra một thị trường hàng hóa sôi động, phong phú. Vừa giải quyết được nhu cầu việc làm cho người lao động ở vùng nông thôn trong thời gian nhàn rỗi, vừa góp phần tăng nguồn thu vào ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Theo lộ trình đặt ra, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 40/80 xã có chợ đạt chuẩn chợ nông thôn mới.

Cát Tường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây