Tây Ninh: Triển khai đồng bộ các hoạt động phòng ngừa đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội

Thứ năm - 27/07/2017 17:00 57 0
Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện tốt công tác về phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh, tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các ban, ngành đoàn thể và toàn xã hội trong việc triển khai đồng bộ các hoạt động phòng ngừa đấu tranh phòng, chống tệ xã hội.

phientoagiadinh.jpg

Quang cảnh phiên tòa giả định tuyên truyền phòng chống ma túy cho các em học sinh.

Các xã, phường, thị trấn tổ chức truyền thông, tuyên truyền bằng nhiều hình thức trực quan sinh động như băng rôn, pa nô, tờ rơi, khẩu hiệu, biểu ngữ, phát thanh, câu lạc bộ, hội thảo…đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của ma túy, mại dâm, mua bán người và công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội.

Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội từng bước xã hội hóa, thông qua hoạt động của các tổ chức đoàn thể địa phương như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, cán bộ hưu trí,…là những người có tâm huyết, trong đó có nhiều người có uy tín, có kiến thức và kinh nghiệm, nhiệt tình với công tác xã hội. Công tác truyền thông được mở rộng, lực lượng tuyên truyền được tăng cường; vận động phát hiện và đề xuất xử lý các vấn đề tệ nạn xã hội trên địa bàn, bảo vệ an ninh trật tự, các hoạt động cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi, xây dựng các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư phát triển khá mạnh trong thời gian gần đây góp phần kiềm chế tốc độ gia tăng điểm nóng và phát sinh tệ nạn xã hội.

Các cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ, thực hiện các biện pháp đồng bộ trong việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ hành nghề nhạy cảm; đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm hoạt động mại dâm và xử lý nghiêm minh các vụ việc, đường dây hoạt động mại dâm bị phát hiện đã góp phần kéo giảm hình thức mại dâm công khai trên địa bàn. Số lượng lớn đối tượng hoạt động mại dâm bị phát hiển và bị xử lý kịp thời góp phần răn đe các đối tượng khác. Hiện nay, theo số liệu tổ chức khảo sát, điều tra thống kê số cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn có 1.604 cơ sở (khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ cho thuê tháng, Karaoke, Massage, dịch vụ lưu trú khác…). Trong đó cơ sở lưu trú: 936 cơ sở; Karaoke: 195 cơ sở, Massage, tẩm quất: 25 cơ sở; Nhà hàng: 18; cafê giải khát: 258; vũ trường, bar: 10 cơ sở và các loại khác 162 cơ sở. Lũy kế đến ngày 30/6/2017, Đội kiểm tra liên ngành Văn hóa-Xã hội tỉnh do ngành Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì kiểm tra 04 đợt với 12 lượt cơ sở, lập biên bản kiểm tra 12 cơ sở; nhắc nhở tại chỗ 12 cơ sở. Trong đó, cơ sở dịch vụ lưu trú: 07 cơ sở, Massage: 02 cơ sở, Karaoke: 03 cơ sở. 6 tháng đầu năm 2017, Công an tỉnh triệt phá 24 vụ, 74 đối tượng. Thu giữ 6 điện thoại di động, 24 bao cao su, tiền mặt 8.567.000 và 4 xe mô tô. Xử lý hình sự 2 vụ, 2 đối tượng. Xử lý hành chính 72 đối tượng, 6 chủ cơ sở kinh doanh với tổng số tiền phạt là 185.950.000 đồng.

Ngoài ra, các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực phòng, chống mại dâm, đồng thời đẩy mạng công tác quản lý địa bàn, quản lý về hộ khẩu, đăng ký tạm trú, tạm vắng, đặc biệt là ở cơ sở. Kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ các hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm vui chơi giải trí phù hợp với nhu cầu thực tế của các tầng lớp dân cư, không cấp giấy phép hoạt động kinh doanh cho các nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn ở những vị trí không phù hợp như vùng nông thôn không có khách du lịch, không có khách vãng lai…Tổ chức cho tất các các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm đăng ký đầy đủ và ký cam kết không để cho các hoạt động mại dâm, ma túy và các tệ nạn xã hội khác xảy ra; xác định trách nhiệm của gia đình, tổ tự quản, ấp, khu phố; xã, phường, thị trấn thuộc chính quyền địa phương cơ quan quản lý để xảy ra các vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm, tệ nạn ma túy trên địa bàn hoặc lĩnh vực được phân công phụ trách phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vụ việc vi phạm tại cơ sở mình quản lý.

Công tác cai nghiện ma túy, trong 7 tháng đầu năm 2017 (tính đến ngày 9/7/2017), Cơ sở cai nghiện ma túy đã tiếp nhận và tổ chức cai nghiện ma túy cho 606 lượt học viên. Trong đó, cai nghiện tự nguyện 10, cai nghiện bắt buộc 550, người nghiện ma túy không nơi cư trú ổn đinh 46. Cùng với đó, Tổ công tác cai nghiện ma túy tổ chức, tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy, gia đình khai báo và đăng ký các hình thức cai nghiện, tham mưu UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. Kết quả, tổng số cai nghiện ma túy tại gia đình và công đồng là 38 người. Ngoài ra, trong 7 tháng đầu năm 2017, có 2 học viên chuyển sang quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú.

7 tháng đầu năm 2017, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự tiếp nhận 01 nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc.

Theo đánh giá của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, hiện nay tình hình mại dâm diễn biến hết sức phức tạp, nhiều hình thức mại dâm tinh vi luôn di chuyển biến động dẫn tới việc đánh giá, phân loại xã, phường, thị trấn lành mạnh theo địa giới hành chính gặp rất nhiều hạn chế. Số đối tượng đã từng bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi bán dâm, môi giới mại dâm, chứa mại dâm…khi về địa phương hoạt động tinh vi nhằm đối phó cơ quan chức năng.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ngành nghề nhạy cảm ngày càng nhiều và do tính chất phức tạp của tệ nạn mại dâm, hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi hơn với nhiều hình thức biến tướng mới, sử dụng công nghệ thông tin hiện đại nên khó phát hiện để đấu tranh, phòng, chống. Một số ít các cơ sở kinh doanh dịch vụ ngành nghề nhạy cảm có thái độ và hành vi bất hợp tác với cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm hành chính, chống đối trong quá trình kiểm tra, trốn tránh thi hành quyết định xử phạt hành chính.

Việc quy định và thực hiện các biện pháp phòng, chống mại dâm còn nặng nề xử lý người bán dâm, chủ chứa, môi giới, chưa chú trọng đấu tranh và thiếu chế tài xử lý nghiệm khắc đối với người mua dâm và các đối tượng lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm.

Năm 2016, nhiều Đội hoạt động tình nguyện xã hội cấp xã mới được kiện toàn nên kỹ năng tiếp cận, tư vấn, tuyên truyền, vận động, giáo dục gặp nhiều khó khăn. Đa số các xã, phường, thị trấn không có kinh phí hoạt động.

Kỳ thị phân biệt đối xử với phụ nữ mại dâm còn nặng nề là rào cản khi họ muốn thay đổi hành vi, lối sống, tái hòa nhập cộng đồng dẫn đến việc hỗ trợ việc làm cho người bán dâm còn gặp nhiều khó khăn.

Công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán còn nhiều hạn chế, trong 6 tháng chưa có nạn nhân được hỗ trợ. Công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng chưa thực hiện tốt. Bản thân người nghiện ma túy và gia đình không hợp tác. Các thành viên Tổ công tác cai nghiện ma túy khó tiếp cận để vận động, tư vấn cho các đối tượng này. Sự phân biệt, kỳ thị xã hội, cộng đồng vẫn còn nặng nề, khiến người nghiện "ngại" đăng ký tình trạng của mình dẫn đến công tác quản lý tại địa phương cũng gặp khó khăn.

Công tác cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Cơ sở đang quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, phần lớn sử dụng ma túy tổng hợp (ma túy đá) và đang trong thời gian chờ cơ quan Tòa án xem xét và trong thời gian cắt cơn, giải độc nên tư tưởng chưa ổn định, khó quản lý trong khi Cơ sở không được phép áp dụng bất cứ biện pháp cưỡng chế nào. Cơ sở hiện đang quản lý đa số học viên bị bệnh, có những bệnh dễ lây nhiễm như: viêm gan, lao, nhiễm HIV…khiếm khuyết về hành vi, nhân cách với số học viên này tuổi đời đa số còn trẻ, trình độ thấp, sử dụng ma túy tổng hợp (ngáo đá) nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Một số học viên có tiền án, tiền sự, nhiều lần cai nghiện tại Cơ sở nên có hành vi kích động, lôi kéo học viên khác trốn Cơ sở…

Thời gian tới, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ có môi trường dễ phát sịnh tệ nạn xã hội. Tăng cường và đa dạng hóa công tác tuyên truyền phòng ngừa, nâng cao nhận thức về quan điểm, trách nhiệm, hậu quả của tệ nạn mại dâm. Tổ chức khảo sát, điều tra thống kế các cơ sở kinh doanh dịch vụ ngành nghề nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh. Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống mại dâm, xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội. Phối hợp với ngành Công an tăng cường quản lý địa bàn, xử lý vi phạm không để tệ nạn mại dâm bùng phát gây bức xúc xã hội. Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Đội Công tác xã hội tình nguyện, công tác xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy, mại dâm.

MN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây