Tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới: Phải có nhà tạm lánh cho phụ nữ bị bạo hành

Thứ sáu - 22/09/2017 14:00 80 0
Theo quy định mới, xã được công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới phải chú trọng đến vấn đề bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình.

Ngày 21.9, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức tập huấn hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ đánh giá, thẩm định kết quả đạt các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới năm 2017. Nội dung chính của buổi tập huấn là những vấn đề, lĩnh vực thuộc ngành LĐTB&XH phụ trách.

Ông Nguyễn Văn Quá- Phó Giám đốc Sở LĐTB &XH cho biết, tháng 12.2016, Bộ LĐTB &XH đã xây dựng bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Bộ tiêu chí này liên quan đến các lĩnh vực, vấn đề về hộ nghèo, lao động, việc làm và bình đẳng giới.

Tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới: Phải có nhà tạm lánh cho phụ nữ bị bạo hành
Ông Nguyễn Văn Quá- Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH.

Trên cơ sở đó, Sở LĐTB &XH đã cụ thể, chi tiết hóa những nội dung có liên quan để hướng dẫn cán bộ trong ngành ở cấp huyện, xã, thị trấn triển khai, đánh giá, thẩm định từng chỉ tiêu trong mỗi tiêu chí.

Theo tinh thần mới, xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới (kể từ năm 2017) tỷ lệ hộ nghèo không quá 1%, không bao gồm hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội.

Đối với vấn đề việc làm, tỷ lệ lao động trong độ tuổi và có khả năng tham gia lao động phải đạt 90% trở lên.

Vấn đề bình đẳng giới, tại mỗi xã xây dựng nông thôn mới, ít nhất phải có một nữ lãnh đạo và giữ chức vụ chủ chốt trong đảng hoặc chính quyền, ví dụ như bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch…

Xã nông thôn mới cũng không được để xảy ra trường hợp tảo hôn, cưỡng bức kết hôn.

Đáng lưu ý, quy định mới yêu cầu tại mỗi xã có ít nhất một nhà tạm lánh cho các nạn nhân bị bạo lực giới và bạo lực gia đình.

Tại hội nghị, có một số ý kiến cho rằng không nên tính phụ nữ ở nhà nội trợ vào trường hợp người thất nghiệp, vì phụ nữ làm nội trợ cũng góp phần xây dựng kinh tế gia đình.

Riêng chuyện xây nhà tạm lánh cho người bị bạo hành, vấn đề này còn mới mẻ, Trung ương cũng không quy định cụ thể xây như thế nào, ai quản lý. Đại biểu đề nghị, căn cứ vào thực tế của từng địa phương, nên chăng lấy văn phòng ấp (nhà văn hóa ấp) để làm nhà tạm lánh cho người bị bạo hành.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây