Xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành: Diện mạo đổi thay sau khi hoàn thành 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới

Thứ hai - 27/02/2017 15:00 52 0
Long Thành Nam là xã điểm trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của huyện Hoà Thành năm 2016. Đến nay, Long Thành Nam đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí về XDNTM. Diện mạo của xã đã có nhiều đổi thay, đời sống người dân ngày một nâng cao, môi trường xanh sạch đẹp và tình hình an ninh trật tự ngày ổn định.

DSC05614.JPG

Nhiều tuyến đường được nạo vét, nâng cấp.

Chúng tôi đến thăm xã Long Thành Nam vào những ngày đầu năm mới 2017. Theo hướng dẫn của ông Lâm Tiến Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Long Thành Nam, chúng tôi đi rảo qua một vòng và thăm một số công trình, mô hình trọng điểm trên địa bàn xã. Nhìn diện mạo của Long Thành Nam có nhiều đổi thay hơn trước, hầu như tất cả các tuyến đường trục xã, ấp, nội đồng được nâng cấp, kiên cố nhựa hoặc bê tông hoá. Nhất là những tuyến đường trục ấp trước đây là đường đất đỏ, cỏ mọc tràn lan hai bên đường, đường 10 m nhưng dường như người dân chỉ lưu thông ở 2m giữa đường theo kiểu lối mòn…Nay được nâng cấp, mở rộng, nâng cấp theo đúng diện tích mặt đường nên rộng thênh thang, không lầy lội vào mùa mưa. Ông Trần Văn Khiêm người dân ở ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam vui vẻ cho biết "Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho người dân ở đây, các con đường đã được nâng cấp rải nhựa hoặc bê tông và đã được nhà nước cùng nhân dân kéo bóng thắp sáng, đảm bảo tốt an ninh trật tự cho địa phương. Chúng tôi mong muốn chương trình này sẽ lan rộng hơn nữa ở khắp các địa phương để cho người dân được hưởng lợi nhiều hơn".

Ông Huỳnh Công Luận – Bí thư Đảng uỷ, Trưởng Ban chỉ đạo XDNTM xã Long Thành Nam cho biết: Từ đầu năm 2016 đến nay phải nói rằng Long Thành Nam có rất nhiều chuyển biến trên lĩnh vực XDNTM. Đơn cử một vài nét như: Trên lĩnh vực giao thông, trước đây đường xá ổ voi, ổ gà rất nhiều trơn trợt, đặc biệt là ở khu vực Bến Kéo. Hiện nay, hầu như 100% tuyến đường được cứng hoá và nhựa hoá. Có 2 ấp, toàn bộ 100% tuyến đường này được gắn đèn đường và thắp sáng, các ấp còn lại đạt từ 70-80%. Về chợ chúng tôi cũng đã thực hiện xong nhà sắt, nền xi măng và hệ thống thoát nước phía sau chợ Long Yên, bà con hiện nay buôn bán rất ổn định và phấn khởi. Về trường học, trên địa bàn xã có Trường Tiểu học Lê Lai đạt chuẩn quốc gia năm 2012. Năm 2016, UBND huyện đã đầu tư nâng cấp xây dựng 4 trường còn lại để đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, Trường Mẫu giáo Long Thành Nam, Trường Tiểu học Bạch Đằng, Tiểu học Long Thành Nam, Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền được triển khai xây dựng đạt 80-90% khối lượng công trình. Về cơ sở vật chất văn hoá, Nhà Văn hóa ấp Long Yên và Nhà văn hoá ấp Long Bình xây mới và đưa vào sử dụng tháng 10 năm 2016. Đối với Nhà văn hóa ấp Bến Kéo và Nhà văn hóa liên ấp Giang Tân – Long Khương đã cải tạo, bổ sung các công trình phụ và trang thiết bị hoạt động đạt chuẩn Nhà văn hóa ấp. Riêng Trung tâm văn hoá, thể thao và học tập cộng đồng của xã đã được xây dựng và cơ bản hoàn tất, chờ nghiệm thu và bàn giao để đi vào hoạt động.

Đưa chúng tôi đến thăm Trung tâm Văn hoá thể thao và học tập cộng đồng được xây dựng trên một phần đất rộng lớn, có hàng rào vây quanh. Trong đó, có cả sân bóng đá, khuôn viên; hội trường rộng rãi với sức chứa vài trăm chỗ ngồi, có thiết kế sân khấu, phông màn, loa, bàn ghế hoàn toàn mới. Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Tiến Thành chia sẻ "Nhờ có chương trình XDNTM mới được vậy. Nếu không có lẽ còn lâu lắm, nhân dân Long Thành Nam mới được một hội trường khang trang như thế này để họp hành, sinh hoạt".

Tới thăm Trường tiểu học Long Thành Nam, thầy Trần Văn Khiêm – Hiệu trưởng chia sẻ: Trước đây, trường cũ xuống cấp, một số tuyến đường trước trường lầy lội vào mùa mưa và cứ mưa to là ngập làm cho giáo viên và học sinh đến lớp  khó khăn nhiều lắm. Nhiều học sinh trên địa bàn ấp xin chuyển qua trường khác để học. Sau khi triển khai XDNTM, trường được sữa chữa, xây thêm phòng học, phòng chức năng; các tuyến đường đến trường bây giờ khang trang hơn, giáo viên và học sinh rất vui mừng, vì có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin và các cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại hơn. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.

Ông Huỳnh Công Luận – Bí thư Đảng uỷ xã cho biết thêm: Ban chỉ đạo XDNTM xã Long Thành Nam cũng rất quan tâm đến phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, bằng nhiều hình thức, như: Phối hợp với ngành chức năng chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ về giống, vay vốn, đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho người dân địa phương tham gia làm công nhân tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài địa bàn. Bên cạnh đó phát triển các dự án chăn nuôi, như: Chăn nuôi bò, nuôi cá lóc, cá thác lác cườm, cá vồ đém trên sông Vàm Cỏ Đông; nhiều mô hình cây trồng được đầu tư phát triển về chiều rộng và chiều sâu, như: Mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa theo hướng VietGAP và cánh đồng lớn diện tích 200 ha với hơn 100 hộ tham gia; mô hình sản xuất lúa chất lượng cao 50 hộ 50 ha; mô hình sản xuất lúa giống, mô hình trồng mai vàng bán tết tại ấp Bến Kéo, duy trì làm nghề bánh tráng, mây tre đan... Ngoài ra một số mô hình trồng hành, dưa gang xen canh với lúa trên ruộng gò bước đầu đem lại hiệu quả. Từ đó, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2016, Chi cục Thống kê Hòa Thành phúc tra và công nhận kết quả điều tra thu nhập của xã là hơn 39 triệu đồng/người/năm đạt theo quy định đối với vùng Đông Nam Bộ.

Trong số các mô hình ấy, chúng tôi đã đến thăm mô hình làm bánh tráng mè hay còn gọi là bánh đa mè. Đây là mô hình đã và đang phát triển khá tốt tại xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Bà Đỗ Thị Kim Vân, 66 tuổi ấp Long Bình, xã Long Thành Nam cho biết: Bà đã làm nghề tráng bánh mè gần 30 năm, tráng bánh đa mè mang lại thu nhập ổn định và phù hợp với nhiều lứa tuổi lao động ở nông thôn. Hiện nay, có 5/6 người con của bà cũng theo nghề này. Trung bình mỗi thiên bánh (1.000 bánh) lời được khoảng 200.000 đồng sau khi trừ chi phí và công thuê lao động, nếu gia đình nào không phải thuê lao động hoặc thuê đông người làm làm nhiều bánh thì mức thu nhập cao hơn nhiều. Trung bình mỗi lao động/ngày làm được khoảng 1.000 bánh. "Làm nghề này rất phù hợp với lao động nhàn rỗi nông thôn, ngay cả người già. Nó không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự tỷ mỉ qua nhiều công đoạn, 11 giờ đêm đã phải dạy nạo dừa, vo gạo xay bột, ngâm mè…gần 2 tiếng đồng hồ sau mới lên lò tráng bánh, tráng liên tục đến 8-9 giờ là đem ra phơi rồi canh chừng mưa, bánh vừa khô phải lấy vào không để khô quá vận chuyển dễ vỡ…" bà Vân chia sẻ.

Ông Lâm Tiến Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Long Thành Nam cho biết: Trên địa bàn xã có khoảng hơn 50 hộ đang tráng bánh đa mè thủ công, hộ sản xuất nhiều nhất khoảng 10.000 bánh/ngày, hộ ít nhất cũng sản xuất 1.000 bánh/ngày. Bánh ở đây sau khi tráng, phơi xong đóng gói thì có các tiểu thương đến lấy cung cấp cho thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh, chủ yếu là Tp Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…Tuy nhiên, mô hình này phát triển đang ở quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, tự phát….Sắp tới chúng tôi sẽ vận động bà con thành lập Tổ hợp tác để hoạt động được quy mô, bài bản hơn, tạo thương hiệu cho bánh tráng mè Long Thành Nam nói riêng và tạo thu nhập ổn định cho bà con nhân dân trong xã.

Ở một số chỉ tiêu, tiêu chí khác Long Thành Nam cũng đã đạt và vượt so với quy định. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo chiếm dưới 1% số hộ, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 91%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt hơn 48%, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt gần 73% dân số... Đây là những con số biết nói, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Đảng uỷ, Chính quyền, đoàn thể và nhân dân Long Thành Nam. Ban Chỉ đạo XDNTM xã đang gấp rút hoàn thiện các tiêu chí để ngành chức năng kiểm tra đề nghị UBND tỉnh công nhận xã nông thôn mới. Khi được công nhận, đây sẽ là địa phương thứ ba của huyện Hoà Thành đạt chuẩn nông thôn mới sau Long Thành Trung và Long Thành Bắc.

Huy Liệu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây