Điều tra đánh giá chất lượng nguồn nhân lực trong các cơ quan, sở, ngành tỉnh Tây Ninh

Thứ sáu - 01/11/2013 00:00 308 0
Chủ nhiệm đề tài: ThS. Võ Hoàng Khải Cơ quan chủ trì: Trường Chính Trị Tây Ninh Thời gian thực hiện: 2009 Kinh phí thực hiện: 78,78 triệu đồng (Hỗ trợ kinh phí thực hiện). Đánh giá xếp loại của Hội đồng nghiệm thu: Khá

 

 

MỤC TIÊU

Xác định thực trạng nguồn nhân lực tại các đơn vị hành chính công trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nhằm thu thập những thông tin cơ bản về các chỉ số liên quan đến năng lực, chất lượng và việc sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, lực lượng chính trong các công sở ở các sở, ngành tỉnh.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

-  Điều tra thực trạng nguồn nhân lực tại các đơn vị hành chính công trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

-  Điều tra động cơ, thái độ làm việc của cán bộ công chức trong cơ quan nhà nước, chất lượng công tác tuyển dụng, sử dụng, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ công chức hiện hành.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

-  Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực của các sở, ngành tỉnh Tây Ninh: về cơ cấu độ tuổi, giới tính và thâm niên công tác, trình độ chuyên môn và cơ cấu ngạch công chức (CC), đời sống CC, tinh thần thái độ, động cơ đối với công việc và các kiến thức khác (ngoại ngữ, tin học, lý luận chính trị), vấn đề liên quan đến CC từ bỏ công việc Nhà nước, cơ chế tuyển dụng và sử dụng CC; phản ứng của cán bộ CC đối với việc xử lý những hành vi và thái độ làm việc chưa tốt, không hoàn thành nhiệm vụ ở các công sở.

-  Theo số liệu thống kê điều tra tại Sở Nội vụ tỉnh năm 2008, đội ngũ cán bộ công chức hành chính của tỉnh có số lượng 1.536 người (sở ngành tỉnh là 816 người; các huyện, thị xã là 720 người)

+ Về cơ cấu tuổi, giới tính, thâm niên công tác: dưới 30 tuổi 17,2%; từ 30 - 40 tuổi 26,6%; từ 40 - 50 tuổi 34,7%; trên 50 tuổi 21,3%. Điều này cho thấy trong tương lai có thể dẫn đến sự hụt hẫng đội ngũ kế thừa sau này, vì độ tuổi từ 40 trở lên chiếm 56%, trong khi dưới 30 tuổi chỉ chiếm 17,2% ;

Thâm niên công tác, đa số có thâm niên cao, được thể hiện: từ 5 năm đến 15 năm là 32%; trên 15 năm chiếm 43,3%. Thâm niên cao có lợi thế về kinh nghiệm trong công việc nhưng cũng dể gây ra tình trạng bảo thủ, chậm thích nghi với điều kiện mới; cơ cấu giới: nam chiếm 60,1%; nữ chiếm 39,3%, công chức nam nhiều hơn nữ.

+ Về tình trạng chuyên môn và cơ cấu ngạch công chức: tỉ lệ cán bộ công chức có trình độ từ đại học trở lên chiếm 91,8% (chính quy 56,5%; tại chức 34,7%); sau đại học chiếm 7,3%; ngành nghề đào tạo đa dạng (ngành khoa hoc - kỹ thuật chiếm 27,6%; kinh tế 25,8%); công chức ngạch chuyên viên cao cấp và chuyên viên chính là 15,7%; chuyên viên chiếm 62,6%; cán sự, nhân viên 21,7%.

+ Về kiến thức khác: đa số đội ngũ có trình độ tin học văn phòng; trình độ ngoại ngữ chứng chỉ C trở lên 10,6% (còn lại B là 56,2%; A chiếm 33,2%); lý luận chính trị: đa số công chức đã qua các lớp đào tạo - bồi dưỡng về chính trị, nhưng hầu như chỉ dừng lại ở mức độ chuẩn hóa cán bộ công chức (sơ cấp chiếm 29,2% ; trung cấp 38,2%; cao cấp 32,6%); về quản lý Nhà nước có 67,6% đã qua lớp bồi dưỡng.

+ Về đời sống công chức: chủ yếu sống nhờ vào lương chiếm 78,1% (làm kinh tế phụ 20,9%; thu nhập khác 1,0%); về động cơ làm việc của công chức: chọn cơ quan Nhà nước để làm là phù hợp với chuyên môn đã được đào tạo và có việc làm ổn định chiếm 81% (9,6% do không có sự lựa chọn nào khác).

+ Vấn đề liên quan đến công chức từ bỏ công việc Nhà nước: có 12,5% sẵn sàng từ bỏ công việc hiện tại chuyển sang làm việc nơi khác có thu nhập cao hơn; cơ chế tuyển dụng và sử dụng: chỉ có 51,7% tuyển dụng qua thi tuyển (còn lại 49,3% là qua các nguồn khác nhau), điều này cho thấy có gần một nửa công chức trước đây chưa được kiểm soát đầu vào.

+ Về tinh thần và trách nhiệm với công việc: có 23,4% đứng trước những khó khăn trong công tác là quyết tâm theo đuổi đến cùng (còn lại chọn hướng giải quyết khác như xin ý kiến lãnh đạo). Tuy nhiên, nhận thức về vấn đề chấp hành nội quy làm việc của cán bộ công chức chưa cao, thể hiện qua việc (chỉ có 27,8% đi làm, đi họp đúng giờ).

- Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CC: Tăng cường bồi dưỡng kỹ năng cho các chức danh; tăng thêm lực lượng đào tạo chính quy; trẻ hóa đội ngũ cán bộ; có chế độ phụ cấp phù hợp ngoài lương để thu hút và kích thích tinh thần làm việc của cán bộ công chức.

+ Xây dựng quy chế đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện hiện đại phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cho Trường Chính trị chất lượng và quy mô về cơ sở vật chất.

+ Xây dựng quy định về chế độ, chính sách nhằm thu hút những người có trình độ cao và những người có trình độ chuyên môn giỏi về công tác trong các cơ quan hành chính trong tỉnh.

KẾT QUẢ ỨNG DỤNG

-  Cung cấp số liệu cho luận văn cao học “Quản lý đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công”, “phân tích nội dung đào tạo công chức”.

-  Các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã được đưa vào giảng dạy trong các lớp bồi dưỡng công chức hàng năm tại Trường Chính trị Tây Ninh, trong chuyên đề “Quản lý Nhà nước về công vụ, công chức”, cụ thể: năm 2010: 2 lớp; năm 2011: 2 lớp; năm 2012: 3 lớp và dự kiến năm 2013: 4 lớp.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây