Điều tra, đánh giá hiện trạng, diễn biến tài nguyên động, thực vật vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát

Thứ sáu - 01/11/2013 00:00 294 0
Đồng chủ nhiệm đề tài: TS. Vũ Ngọc Long và KS. Lý Văn Trợ Cơ quan chủ trì: Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát Thời gian thực hiện: 2004 - 2006 Thời gian nghiệm thu: 2007 Kinh phí thực hiện: 458,26 triệu đồng Đánh giá xếp loại của Hội đồng nghiệm thu: Khá

 

MỤC TIÊU

-     Xây dựng danh lục các loài thực vật bậc cao và các loài thực vật bậc thấp có ý nghĩa khoa học và kinh tế hiện diện trong khu Vườn Quốc gia Lò Gò- Xa Mát (VQG) cùng với tình trạng phân bố của chúng.

-     Xác định được các quần thể động vật quan trọng tại VQG, mức độ phổ biến và tình trạng nguy cấp, nơi phân bố của chúng.

-     Đánh giá hiện trạng và diễn biến tài nguyên động, thực vật.

-     Lập bản đồ thảm thực vật.

-     Thu thập và bảo quản một số mẫu vật tiêu biểu cho các loài động vật: thú nhỏ, bò sát, cá, chim, côn trùng; thực vật bậc thấp, bậc cao và cây thuốc quan trọng tại VQG tạo cơ sở cần thiết cho các bước nghiên cứu quy hoạch và phát triển Vườn quốc gia sau này.

-     Đề xuất các biện pháp bảo tồn động, thực vật phù hợp.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

-     Điều tra, đánh giá hiện trạng tài nguyên thực vật bậc cao, thấp.

-     Nghiên cứu về tài nguyên động vật trên cạn và thủy sinh vật.

-     Nghiên cứu, mô tả các vùng sinh thái cảnh quan tiêu biểu, đánh giá tài nguyên về tiềm năng du lịch sinh thái.

-     Xác định vùng phân bố, tìm hiểu một số đặc điểm sinh học, sinh thái học của các đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp.

-     Phân vùng chức năng.

-     Nghiên cứu đánh giá tác động xã hội và môi trường vùng VQG.

-     Ứng dụng công nghệ xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để xây dựng ngân hàng dữ liệu và hoàn chỉnh các loại sơ đồ bản đồ tỷ lệ 1/25.000.

-     Xác định tác động, mối liên quan giữa khu bảo tồn nghiêm ngặt (vùng lõi) với khu hệ đệm, đề xuất mô hình thích hợp phát triển khu đệm theo hướng đáp ứng mục tiêu bảo tồn khu bảo vệ nghiêm ngặt và các khu bảo vệ chuyên biệt.

-     Phát thảo hoàn chỉnh một số đề án bảo vệ đa dạng sinh học (ĐDSH) phục vụ cho việc kêu gọi đầu tư trong nước và quốc tế.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

-     Đề tài đã tạo ra được bộ tiêu bản động vật, côn trùng và thực vật; Bản đồ hệ thống dữ liệu thông tin địa lý (GIS).

-     Vườn Quốc gia Lò Gò- Xa Mát có đặc tính ngập nước cục bộ là một khu vực chuyển tiếp giữa đồng bằng thềm bậc cao Đông Nam bộ và đồng bằng thấp trũng lưu vực sông Mê Kông; đất phù sa cổ chiếm phần lớn diện tích của Vườn có thành phần cơ giới đất cát pha đến đất thịt nhẹ, khả năng giữ nước kém.

-     Nguyên nhân không giữ được nước của đất rừng trong mùa khô mà sự bốc hơi nước quá chênh lệch giữa hai mùa, chỉ có những loài nào có cấu tạo thích nghi được trở nên tồn tại và phát triển (giải thích tại sao rừng Vườn Quốc Gia Lò Gò - Xa Mát cùng tồn tại kiểu rừng nhiệt đới gió mùa và kiểu rừng thưa rụng lá).

-     Hệ thực vật rừng VQG đã tổng kết được khoảng 700 loài với đại diện của 5 ngành thực vật, 60 bộ, 116 họ và 396 chi. Ngành Ngọc Lan (Magnoliophyta) là nơi tập trung của nhiều loài thực vật nhất (chiếm 97.1%/tổng số loài thực vật).

-     Dựa vào điều kiện tự nhiên: vị trí địa lý và khí hậu, thành phần cơ giới của đất, độ ẩm và tốc độ bay hơi nước, rừng Vườn Quốc Gia Lò Gò - Xa Mát đã tồn tại các kiểu thảm rừng khác nhau đan xen nhau theo thể khảm.

-     Có 6 kiểu rừng tiêu biểu cho VQG: kiểu rừng đất ngập nước theo mùa, kiểu rừng thưa thứ sinh, khô, nhiệt đới gió mùa, thưa rụng lá, rừng nguyên sinh. Ở các kiểu rừng này là nơi sinh sống của nhiều loài khác nhau, liên quan đến sự đa dạng sinh vật.

-     Tài nguyên cây thuốc của Vườn Quốc Gia Lò Gò - Xa Mát khá phong phú và đa dạng không chỉ về thành phần loài (179 loài) mà cả về công dụng. Một số loài cây thuốc sau đây rất được ưa chuộng và khai thác nhiều: đậu xương, sưng đừng, dây linh, dây nắp ấm, sám lộc, huyết rồng máu, hoàng đằng, lạc tiên, bồ húc, mướp khai.

-     Đã ghi nhận được 149 loài Chim thuộc 15 bộ và 40 họ (có 3 loài quí hiếm ghi trong sách đỏ Việt Nam: Gà lôi hông tía Laphura diardi, Gà đẫy Java Leptotilos javanicus, Hạc cổ trắng Ciconia episcopus).

-     Nhóm ếch nhái gồm 23 loài thuộc 2 bộ, 6 họ và 15 giống (bằng 13,2% loài ếch nhái so với cả nước).

-     Bò sát gồm 56 loài (15 họ và 40 giống) thuộc 2 bộ, trong đó có 18 loài bò sát quí hiếm.

-     Khu hệ cá VQG mang tính đặc trưng của vùng trung lưu và hạ lưu sông Mê Kông với 88 loài cá thuộc 26 họ, 10 bộ (77/88 loài cá có giá trị kinh tế , 5/88 loài cá có tên trong sách đỏ Việt Nam).

-     Ghi nhận được 29 loài thú của 7 bộ: bộ ăn sâu bọ, bộ dơi, bộ linh trưởng, bộ móng guốc chẵn, bộ ăn thịt, bộ gặm nhấm, bộ thỏ.

-     Hệ Côn trùng ghi nhận được 128 taxa côn trùng thuộc 9 bộ.

-     Những loài thú của Vườn Quốc Gia Lò Gò- Xa Mát đang bị đe dọa nghiêm trọng vì tác động của con người và môi trường phát triển ngày càng xấu; một số loài rất có giá trị nhưng lại bị xếp vào dạng nguy cấp: Vooc Chà vá chân đen, Vooc Bạc, Khỉ đuôi lợn, Culi nhỏ, Sóc bay đen trắng, Dơi chó tai ngắn; chăn thả gia súc trâu bò của người đồng bào Khmer vùng biên giới, nguy cơ cháy rừng thường ngày vào mùa khô, đánh bắt cá, bẫy gà rừng và thú nhỏ.

-     Giải pháp bảo tồn và phát triển của Vườn Quốc Gia Lò Gò - Xa Mát: can thiệp bằng lực bảo vệ rừng; xây dựng chương trình giáo dục môi trường phối hợp với trường học trên địa bàn VQG; tiếp tục khảo sát, triển khai việc nghiên cứu thêm các đối tượng mới làm đa dạng tài nguyên sinh học ở VQG.

KẾT QUẢ ỨNG DỤNG

-     Đề tài được UBND tỉnh công nhận kết quả nghiệm thu tại Quyết định số 2926/QĐ-UBND ngày 17/12/2007. Kết quả đề tài được ứng dụng trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch sinh thái VQG và Dự án đầu tư VQG giai đoạn 2011 - 2020; Một số đề án bảo tồn Đa dạng sinh học đối với: rừng thuần loại cây Sao dầu; các nhóm tài nguyên cây thuốc, các nhóm thú, chim và bò sát quý hiếm đang có nguy cơ bị đe dọa.

-     Cung cấp tư liệu cho cơ quan báo chí, các đơn vị nghiên cứu khoa học, các trường đại học.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây