Chỉnh lý và biên soạn lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930 – 2005)

Thứ sáu - 01/11/2013 00:00 299 0
Chủ nhiệm đề tài: CN. Lê Minh Trọng Cơ quan chủ trì: Ban Tuyên Giáo Tỉnh Ủy Tây Ninh Thời gian thực hiện: 2009 - 2010 Thời gian nghiệm thu: 2010 Kinh phí thực hiện là: 215,31 triệu đồng (hỗ trợ kinh phí) Đánh giá xếp loại của Hội đồng nghiệm thu: Khá

 

MỤC TIÊU

-     Bổ sung tư liệu 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, 20 năm (1975 - 1995) cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

-     Tổng kết thực tiễn 10 năm (1995 - 2005) những mặt làm được và chưa làm được của chặng đường thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

-     Đề ra những biện pháp, hướng đi thích hợp đúng với đường lối của Đảng, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa trên địa bàn tỉnh.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

-     Biên soạn nội dung các thời kỳ lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh.

-     Phỏng vấn các nhân chứng lịch sử để thu thập tư liệu.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Tập sách lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930 - 2005).

-     Quá trình thành lập Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, Đảng bộ lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng (1930 - 1945).

+ Đầu năm 1930, Đảng Cộng Sản Việt Nam thành lập, Tây Ninh là tỉnh tiếp giáp với các tỉnh có phong trào cộng sản hoạt động mạnh như Gia Định, Chợ Lớn, Thủ Dầu Một, ảnh hưởng của Đảng bắt đầu lan rộng đến Tây Ninh. Đồng chí Võ Văn Lợi từ Bà Điểm (Hóc Môn) lên Giồng Nần (Châu Thành), vừa sinh sống, vừa tuyên truyền giác ngộ quần chúng.

+ Những năm 1936 - 1939, mặt trận nhân dân Pháp với Đảng Cộng Sản Pháp làm nòng cốt giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử. Từ đây, cùng với cả nước, phong trào cách mạng ở Tây Ninh được nhen nhóm trở lại dưới dạng đấu tranh công khai.

+ Tháng 4/1945, các đảng viên ở xã Thanh Điền bắt đầu tổ chức cơ sở Việt Minh và dần dần phát triển sang các xã khác; chiều ngày 24/08/1945, lực lượng quần chúng đầu tiên từ vùng Bến Cầu tiến về xã Thanh Điền; sáng sớm ngày 25/08/1945, từ xã Thanh Điền các đồng chí đảng viên mang súng ngắn dẫn đầu đội ngũ rầm rập tiến vào sân vận động thị xã; sáng hôm sau, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp thị trấn.

-     Đảng bộ Tây Ninh lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai (1945 - 1954).

+ Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, từ tiếng súng đầu tiên ở Suối Sâu ngày 8/11/1954 đến kết thúc cuộc kháng chiến tháng 7/1954, chiến trường Tây Ninh là một trong những khó khăn nhất của “miền Đông gian lao mà anh dũng”; chúng áp dụng chính sách “tam ngang” (giết sạch, đốt sạch, phá sạch) và dùng đủ các loại vũ khí tối tân nhằm triệt phá vùng căn cứ kháng chiến. Để giành thắng lợi, Đảng bộ và Uỷ ban kháng chiến - Hành chính Tây Ninh đã chỉ đạo mặt trận và các đoàn thể vận động tổ chức chăm lo cuộc sống cho nhân dân;

+ Từng bước thống nhất các lực lượng vũ trang dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân: chủ lực, bộ đội địa phương và du kích lớn mạnh; tổ chức giáo dục lập trường quan điểm quần chúng và luôn giữ vững tinh thần cách mạng tiến công, vừa đánh địch tại địa phương, vừa bảo vệ căn cứ địa kháng chiến.

-     Thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975).

+ Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và quân dân Tây Ninh lại đứng trước những khó khăn gian khổ và ác liệt hơn; ở giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến (1954 - 1960) chính quyền Ngô Đình Diệm với những thủ đoạn thâm độc nhất ra sức đàn áp các lực lượng yêu nước, tiêu diệt ý chí độc lập thống nhất nước nhà. Với tinh thần Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương (01/1959) đã mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên bằng chiến thắng Tua Hai (01/1960).

+ Sau thất bại chiến lược “chiến tranh một phía”, đế quốc Mỹ thực hiện các chiến lược “chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hoá chiến tranh” ở miền Nam Việt Nam. Với sự lãnh đạo sáng suốt về đường lối của Đảng, Trung ương Cục, Quân uỷ, Tỉnh uỷ với nhiều nghị quyết đúng đắn. Nên quân dân Tây Ninh đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, bẻ gãy các chiến lược chiến tranh tàn bạo của Đế quốc Mỹ.

+ Trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến trường, Đảng bộ đánh giá đúng tương quan lực lượng giữa địch - ta tại tỉnh và từng khu vực, từng huyện để vận dụng được sức mạnh tổng hợp và thực hiện phương chăm đánh địch bằng hai chân, ba mũi, phối hợp chặt chẽ 3 thứ quân. Qua mỗi lần gặp khó khăn, Đảng bộ nghiêm túc rút kinh nghiệm, nghiêm khắc phê bình và tự phê bình, sửa chữa để vươn đến giành thắng lợi hoàn toàn bằng chính lực lượng của tỉnh, góp phần giải phóng Sài Gòn - Gia Định trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

- Khắc phục hậu quả chiến tranh, bước đầu ổn định đời sống của nhân dân, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc (1975 - 1979).

+ Sau thắng lợi 30/04/1975, Tỉnh uỷ Tây Ninh lãnh đạo việc tiếp quản toàn bộ địa bàn mới được giải phóng, thành lập các Uỷ ban quân quản từ tỉnh đến xã, đập tan những âm mưu tuyên truyền xuyên tạc phá hoại của địch.

+ Ngày 25/4/1976, cùng với cả nước, nhân dân Tây Ninh hăng hái làm tròn nghĩa vụ và quyền lợi công dân trong cuộc bầu cử Quốc hội, với số cử tri đi bầu chiếm 98,48%. Quốc hội khoá VI kỳ họp thứ nhất quyết định đặt tên nước là Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng.

+ Đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược do bè lũ Pôn-Pốt gây ra, bảo vệ biên giới Tây Nam: với âm mưu xâm lược chủ quyền và lãnh thổ của nhân dân ta, bè lũ Pôn Pốt được sự xúi giục của thế lực bên ngoài đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ở toàn tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc; rạng sáng ngày 25/4/1977, chúng dùng lực lượng tương đối lớn gồm Sư đoàn 3, 4, Trung đoàn 306 đặc nhiệm và quân địa phương vùng 20, 21, 23 đồng loạt tấn công một số khu vực thuộc hai huyện Bến Cầu và Tân Biên, chúng tiến hành tàn sát, đốt phá, cướp bóc một cách dã man. Tỉnh uỷ Tây Ninh xác định lập trường đấu tranh: nhân dân Campuchia, những người chân chính Campuchia là bạn, nơi nào, bộ phận nào, cá nhân nào, tổ chức nào có chủ trương khiêu khích xâm lấn thì đó là kẻ thù; ngày 07/01/1979 với tinh thần Quốc tế vô sản và theo yêu cầu của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, lực lượng vũ trang của ta phối hợp với lực lượng cách mạng Campuchia đánh đổ hoàn toàn chế độ diệt chủng Pôn-Pốt.

-     Ổn định tình hình sau chiến tranh biên giới, tiếp tục cải tạo và xây dựng Chủ nghĩa xã hội trên địa bàn tỉnh (năm 1979 - cuối năm 1985): thời kỳ này do bệnh chủ quan duy ý chí, nóng vội trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đã phạm một số sai lầm, khuyết điểm, nhất là trong vai trò hợp tác hoá nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp, xã hội chậm đổi mới, đã gây khó khăn và làm chậm sự phát triển.

-     Từ năm 1986 - 2005, thực hiện đường lối đổi mới của đảng, cơ chế quản lý từ tập trung quan liêu bao cấp chyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, quyền làm chủ của nhân dân được nâng lên.

-     Giải pháp của Đảng bộ trong việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc Xã hội chủ nghĩa trên địa bàn tỉnh:

+ Trong từng thời kỳ cách mạng, Đảng bộ luôn nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng địa phương; xây dựng và phát huy cao độ vai trò của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng;

+ Xây dựng lực lượng vũ trang làm nòng cốt chiến tranh nhân dân; phát huy vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh căn cứ địa kháng chiến vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng Đảng bộ vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng được xem là nhân tố quyết định mọi thắng lợi.

KẾT QUẢ ỨNG DỤNG

Kết quả đề tài được chuyển giao cho các cơ quan, đơn vị có liên quan phục vụ Đại hội Đảng; giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và thế hệ trẻ trong tỉnh.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây