Hiện trạng và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc triển khai, quán triệt và tổ chức thức hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng

Thứ sáu - 01/11/2013 00:00 86 0
Chủ nhiệm đề tài: CN. Võ Hiền Phương Cơ quan chủ trì: Văn phòng Tỉnh ủy Tây Ninh Thời gian thực hiện: 2002 - 2004 Thời gian nghiệm thu: năm 2009 Kinh phí thực hiện: 95,53 triệu đồng Đánh giá xếp loại của Hội đồng nghiệm thu: Khá

 

MỤC TIÊU

Đánh giá đúng thực trạng việc học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nêu được những ưu điểm, nhược điểm, đặc biệt là chỉ ra được những yếu tố nào làm cản trở chỉ thị, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống và tìm ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục.

Đề ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc triển khai, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

Tiến hành Điều tra, khảo sát công tác triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên 9 huyện, thị thuộc tỉnh Tây Ninh.

Các giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả của việc triển khai, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng.

Tổ chức triển khai, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng thí điểm ở hai huyện Hòa Thành và Tân Biên.

Tập huấn cho đội ngũ cán bộ, báo cáo viên tiến hành thực hiện và từng bước rút kinh nghiệm bổ sung để hoàn thiện.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Qua tham khảo ý kiến của 1.073 đối tượng, trong đó có 128 đồng chí cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, 209 đồng chí cán bộ lãnh đạo cấp huyện - thị và tương đương, 228 đồng chí cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở, 173 đảng viên, 335 quần chúng ngoài Đảng cho thấy: có 23,11% ý kiến cho rằng chỉ được nghe phổ biến trong cuộc họp cấp ủy hay chi bộ; có 20,88% được nghe phổ biến chỉ thị, nghị quyết rồi thảo luận; có 40,73% được cấp ủy hoặc báo cáo viên giới thiệu rồi thảo luận quán triệt; 15,28% ý kiến về các hình thức khác.

+ Phương thức tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết của Đảng ra quần chúng nhân dân trên thực tế cũng chỉ tập trung vào 3 hình thức phổ biến: đọc cho dân nghe qua đài phát thanh địa phương 23,67% ý kiến; họp dân theo tổ dân phố hay thôn ấp rồi đọc tài liệu 38,58% ý kiến; họp dân mời báo cáo viên đến báo cáo 37,74% ý kiến.

+ Có sự đổi mới về hình thức và chất lượng: cách thức chỉ đạo tổ chức học tập được tập trung hơn, hình thức học tập cũng có nhiều điểm cải tiến cho phù hợp với tình hình phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới. Điều này đã thể hiện qua kết quả điều tra xã hội học, đảng viên và quần chúng cho thấy có 62,91% ý kiến đồng ý với nhận định trên (trong đó có 22,74% còn cho là đã có nhiều đổi mới). Sự đánh giá này giữa các nhóm cán bộ, đảng viên, quần chúng là tương đối giống nhau. Nhóm cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh tỷ lệ tương ứng là 62,5% và 27,27%; nhóm cán bộ cấp huyện, thị là 62,68% và 35,32%. Nhóm cán bộ cơ sở là 44,88% và 35,03%; nhóm đảng viên là 78,3% và 12,72%; nhóm quần chúng ngoài Đảng là 61,73% và 11,09%.

- Tổ chức học tập quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở các cấp, các ngành trong tỉnh là tương đối nghiêm túc: kết quả điều tra xã hội học cho thấy có 65,43% ý kiến đồng tình với nhận định này, trong đó nhóm cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh cao nhất (83,59%), tiếp đến là nhóm cán bộ lãnh đạo cấp huyện (81,34%), nhóm đảng viên không giữ chức vụ (67,05%), nhóm quần chúng ngoài Đảng (65,37%), chỉ có nhóm cán bộ cấp cơ sở là thấp (39,48%).

Sự nghiêm túc trong tổ chức chỉ đạo học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng thể hiện: các Đảng bộ trong tỉnh đã nghiêm túc chấp hành chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và sự hướng dẫn của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương về nội dung, kế hoạch, quy trình, đối tượng học tập. Mỗi lần học tập nghị quyết của đảng, các cấp uỷ đều xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết của đảng ở địa phương, ngành, cơ quan mình để nhanh chóng đưa nghị quyết của đảng đi vào cuộc sống. Qua đó đã dần dần hình thành được ý thức, nâng cao được tính tổ chức kỷ luật trong việc học tập quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của đảng trong toàn đảng bộ.

Tuy nhiên, việc cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết của Đảng thành kế hoạch (chương trình hành động) của cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở nhìn chung là tích cực, nghiêm túc, nhưng chất lượng chưa cao; đặc biệt là càng xuống cấp dưới thì chất lượng lại càng giảm (có 64,31% ý kiến nhất trí với nhận định trên, trong đó nhóm cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh 63,28%; cấp huyện thị 55,8%; cơ sở 68,84%; đảng viên 68,71%; quần chúng ngoài Đảng 60%). Nguyên nhân của những yếu kém nêu trên:

+ Về khách quan: việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật và các văn bản pháp quy của Nhà Nước để toàn dân thực hiện, của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp còn chậm trễ, có chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành phải 2 - 3 năm sau Quốc hội mới thể chế thành luật hay pháp lệnh. Còn từ luật hay pháp lệnh của Quốc hội đến nghị định của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của bộ hay liên bộ lại càng chậm hơn. Đó là chưa kể giữa luật, pháp lệnh của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của Bộ hay liên Bộ cũng có không ít trường hợp thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán, cũng có những ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.

+ Về chủ quan: các cấp ủy đảng chưa lường hết những tình huống khó khăn trong quá trình chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng nên thường bị động, lúng túng trước những vấn đề phát sinh trong thực tiễn; sự phối kết hợp giữa các ngành, các cấp trong tổ chức thực hiện còn thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

- Nhóm nghiên cứu đề xuất giải pháp khắc phục nhằm nâng cao hơn nữa việc tổ chức học tập triển khai, quán triệt và thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng: tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng quy trình và hình thức tổ chức học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp.

KẾT QUẢ ỨNG DỤNG

        Đề tài được UBND tỉnh công nhận kết quả nghiệm thu tại Quyết định số 1742/QĐ-UBND ngày 27/8/2009. Từ kết quả nghiên cứu Cơ quan chủ trì và Chủ nhiệm đề tài đã soạn thảo thành nội dung tài liệu tập huấn và tiến hành tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và cán bộ cơ sở trong tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả việc triển khai, tổ chức thực hiện các chỉ thị và nghị quyết của Đảng.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây