Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và Đảng viên trong tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2006 - 2010

Thứ sáu - 01/11/2013 00:00 132 0
Chủ nhiệm đề tài: CN. Dương Thị Thu Hiền Cơ quan chủ trì: Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tây Ninh Thời gian thực hiện: 2006 - 2007 Thời gian nghiệm thu: năm 2007 Kinh phí thực hiện: 311,066 triệu đồng Đánh giá xếp loại của Hội đồng nghiệm thu: Khá

 

 

MỤC TIÊU

Đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong toàn tỉnh. Phân tích những mặt mạnh, yếu và nguyên nhân.

Đề ra biện pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong toàn tỉnh Tây Ninh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội VIII Đảng bộ tỉnh Tây Ninh.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

-  Nghiên cứu, phân tích làm rõ những cơ sở lý luận và thực tiễn một cách khoa học về xây dựng tổ chức cơ sở đảng nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các loại hình tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên ở cơ sở trong toàn tỉnh đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu của cuộc vận động chỉnh đốn Đảng, xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới hiện nay.

-  Làm rõ tính cấp bách, cơ sở lý luận, phân tích thực trạng, tìm nguyên nhân và xác định phương hướng, đề xuất những giải pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên của tỉnh Tây Ninh.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

-  Tính đến 30/9/2006, toàn tỉnh có 599 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 434 chi bộ cơ sở và 165 đảng bộ cơ sở, với 2 đảng bộ bộ phận, 1.450 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở; với tổng số đảng viên là 20.561 đảng viên, chiếm tỉ lệ 1,91% so dân số trong tỉnh, trong đó đảng viên có tôn giáo là 1.430 người, chiếm 9,95% tổng số đảng viên toàn tỉnh, đảng viên là dân tộc ít người: 84 người, chiếm 0,41% tổng số đảng viên toàn tỉnh.

+ Kết quả khảo sát điều tra tình hình thực tế ở 596 tổ chức cơ sở đảng trong toàn tỉnh: hầu hết các tổ chức cơ sở đảng sau mỗi lần đại hội Đảng đều rà soát, bổ sung và xây dựng quy chế làm việc, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của tập thể cấp ủy và của từng cá nhân Bí thư, Phó Bí thư và ủy viên cấp ủy

+ Năm 2003 có 503/558 (90,41%) tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh, trong đó: số tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu: 184/503 (36,58%) và 1088/1.197 (90,89%) số chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở đạt trong sạch vững mạnh.

+ Năm 2004 có 493/563 (87,57%) tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh, trong đó: số tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu: 94/493 (19,06%) và 1.173/1.285 (91,28%) số chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở đạt trong sạch vững mạnh.

+ Năm 2005, có 522/577 (90,47%) tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh, trong đó số tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu: 146/522 (27,96%) và 1.269/1.365 (92,96%) số chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở đạt trong sạch vững mạnh. So với năm 2003, cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh tăng 0.32%.

+ Mặt yếu kém: một số cấp ủy tuy có xây dựng quy chế nhưng trong quá trình thực hiện không theo quy chế làm việc; lúng túng trong việc xác định nhiệm vụ chính trị, công tác giáo dục chính trị tư tưởng ở một số cấp ủy chưa thật sự đổi mới, nội dung còn chung chung, hiệu quả không cao, việc phê bình và tự phê bình còn yếu.

-  Chất lượng đội ngũ đảng viên tăng qua các năm: năm 2001(15.878 đảng viên); 2002 (16.929 đảng viên); 2003 (17.909 đảng viên); 2004 (18.939 đảng viên); 2005 (19.840 đảng viên); 2006 (20.561 đảng viên). Tăng bình quân mỗi năm là 5,02%.

+ Các cấp ủy tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng đảng viên gắn với việc xây dựng, củng cố, kiện toàn các tổ chức cơ sở đảng. Công tác kiểm tra, quản lý, phân công cụ thể cho từng đảng viên được thực hiện tốt.

+ Mặt hạn chế: Một bộ phận đảng viên còn thụ động, tinh thần đấu tranh xây dựng chưa cao, còn thờ ơ thiếu trách nhiệm, chưa gương mẫu trong nghiên cứu học tập để nâng cao trình độ năng lực. Năm 2005, khi đánh giá chất lượng đảng viên, có 352/5.542 đảng viên đủ tư cách nhưng có mặt hạn chế chiếm 6,35%, đảng viên vi phạm tư cách chiếm 0,9% (167/18.456 đảng viên).

-  Nguyên nhân mặt làm được: Đảng đề ra nghị quyết về đổi mới và chỉnh đốn Đảng; các cấp ủy Đảng cấp trên cơ sở đề ra hướng dẫn các tiêu chuẩn xây dựng chi, đảng bộ và cụ thể thành biểu điểm thi đua xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ chủ chốt đã xác định đúng vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình và của tổ chức đảng; Trung ương ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định đúng đắn.

-  Nguyên nhân của mặt yếu kém: một số cấp ủy các cấp chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác xây dựng đảng ở cơ sở, chưa chỉ đạo chặt chẽ việc đánh giá đúng chất lượng; một số cấp ủy chưa đổi mới cách thức chỉ đạo đối với cơ sở, hội họp nhiều, chất lượng hội nghị không cao, chưa phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng tổ chức cơ sở đảng; công tác kiểm tra, xử lý kỷ luật của một số tổ chức đảng chưa nghiêm, chưa có biện pháp xử lý kịp thời, kiên quyết.

-  Đề án đã làm rõ được mục tiêu và nhiệm vụ cần nghiên cứu, lý giải tính cấp bách phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các loại hình tổ chức cơ sở đảng trong tỉnh Tây Ninh trước nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

-  Đề án nêu lên một số giải pháp góp phần vào sự lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng của tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong toàn tỉnh, nhằm phấn đấu thực hiện hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh.

KẾT QUẢ ỨNG DỤNG

Đề tài được UBND tỉnh công nhận kết quả nghiệm thu tại Quyết định số 1747/QĐ-UBND ngày 24/8/2007. Kết quả đề án làm cơ sở cho Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong tỉnh Tây Ninh nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây