Nghiên cứu đặc điểm sinh học, kỹ thuật nhân giống ốc núi và thằn lằn núi tại núi Bà đen Tây Ninh

Thứ sáu - 01/11/2013 00:00 1.604 0
Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Hoàng Đức Đạt Cơ quan chủ trì: Viện Sinh học Nhiệt đới Tp. HCM Thời gian thực hiện: 2004 - 2006 Thời gian nghiệm thu: 2007 Kinh phí thực hiện: 293,255 triệu đồng Đánh giá xếp loại của Hội đồng nghiệm thu: Khá

 

 

MỤC TIÊU

Xác định đặc điểm sinh học và kỹ thuật nhân giống 2 loài Ốc núi và Thằn lằn núi; quy trình kỹ thuật nhân giống và các giải pháp bảo tồn 2 nhóm động vật này đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái, tăng giá trị cảnh quan núi Bà Đen nhằm phục vụ cho việc phát triển du lịch sinh thái.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

- Công tác thực địa.

- Phân tích đặc điểm hình thái, định loại 2 loài Ốc núi và Thằn lằn núi.

- Nghiên cứu dịch tể học của 2 loài Ốc núi, Thằn lằn núi.

- Giá trị dinh dưỡng của 2 loài Ốc núi, Thằn lằn núi.

- Thực nghiệm sinh sản nhân tạo và nhân giống 2 loài Ốc núi, Thằn lằn núi.

- Xây dựng quy trình kỹ thuật nhân giống 2 loài Ốc núi, Thằn lằn núi.

- Giải pháp bảo tồn và sử dụng hợp lý 2 loài động vật này tại Núi Bà Đen Tây Ninh.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

- Đặc điểm sinh học hai loài Ốc núi (ốc nhọn - Cyclophorus annamiticus Moellendorff, 1874 và ốc bằng-Cyclophorus annamiticus H. Cross, 1867) ở núi Bà đen đều thuộc giống Cyclophorus.

+ Hai loài ốc núi có hình thái ngoài khác nhau, nhưng có cấu tạo hệ cơ quan giống nhau. Chúng là những loài ốc phân tính, tuy nhiên không phân biệt được con đực, con cái bằng hình thái ngoài của vỏ ốc; sự phân biệt dựa vào sự có mặt của cơ quan giao cấu ở con đực.

+ Thức ăn chủ yếu của hai loài ốc này là các loại lá cây (ăn các loại lá cây đã mục, không ăn lá cây xanh tươi) và mùn bã hữu cơ có trong đất. Trong các loại lá thử cho ăn, ốc ưa thích nhất lá cây thuộc họ dâu tằm (Moraceae), họ chuối (Musaceae), họ ráy (Araceae), họ bụp (Malvaceae).

+ Sinh sản của ốc núi: chưa thu được nhiều dẫn liệu liên quan đến quá trình sinh sản của hai loài ốc này; chưa phát hiện được nơi đẻ trứng, ốc non mới nở. Tuy nhiên đã phát hiện được ốc nhọn non rất nhỏ khoảng 3 tháng tuổi (đối chiếu ốc non nuôi thí nghiệm) tại các vườn chuối vào cuối mùa mưa. Như vậy, Ốc nhọn đẻ trứng vào nửa đầu của mùa mưa; cũng đã bắt gặp ốc bằng con nhưng kích thước lớn hơn (trọng lượng khoảng 1g) vào đầu mùa khô. Như vậy, Ốc bằng đẻ trứng vào đầu và giữa mùa mưa.

+ Hai loài ốc núi sinh trưởng tương đối chậm. Trong nuôi thí nghiệm, ốc bằng con có trọng lượng trung bình ban đầu 1,01g/con sau 20 tháng nuôi đạt 8,6g/con; ốc nhọn từ khi mới nở có trọng lượng trung bình 0,018g/con, sau 19 tháng nuôi đạt 8,75g/con. Trọng lượng khai thác ốc nhọn trung bình 10,05 ± 0,33g/con; Trong lượng khai thác ốc bằng trung bình 9,96 ± 0,23g/con.

+ Hai loài ốc núi ở núi Bà Đen trưởng thành sinh dục vào năm thứ ba của đời sống; chúng giao phối trong mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10, tuy nhiên đẻ rộ từ nửa cuối tháng 6 đến tháng 7. Trứng ốc nhọn có dạng hình cầu, đường kính 4,5mm (mỗi ốc cái đẻ từ 6-14 trứng) vùi trong đất mùn, sau khoảng 01 tháng ốc con nở ra (trọng lượng bình quân 0,018g/con), ốc con sống trong lớp mặt của đất mùn, lá mục.

+ Loài Ốc bằng phân bố hẹp có thể là loài đặc hữu của núi Bà đen Tây Ninh. Nhân giống thành công loài Ốc nhọn, trong hai mùa sinh sản đã thu được 6.833 ốc con, trung bình trong một mùa sinh sản một ốc cái sinh sản được 15 ốc con.

+ Trong quá trình thí nghiệm nuôi 2 loài ốc núi cho thấy: loài ốc nhọn sinh sản rất tốt trong điều kiện nuôi thí nghiệm, có thể phát triển nuôi loài này nhằm giảm cường độ khai thác ốc ngoài tự nhiên, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên đa dạng sinh học của núi Bà đen.

- Thằn lằn núi ở núi Bà đen Tây Ninh là Gekko ulikovskii Darevsky und Orlov, 1994 thuộc họ Tắc kè (Gekkonidae), bộ có vảy (squamata), tên phổ thông: tắc kè hoa cân (tên địa phương: thằn lằn núi).

+ Thằn lằn núi là loài ăn tạp, có phổ thức ăn rộng gồm nhiều loài động vật và thực vật khác nhau; độ no của thằn lằn trong mùa khô lớn hơn mùa mưa, ở con cái lớn hơn con đực và con non; địch hại ngoài thiên nhiên của chúng là chồn, khỉ, chuột, rắn, kỳ đà, bìm bịp.

+ Mùa sinh sản của thằn lằn núi ngoài thiên nhiên kéo dài từ tháng 11 đến tháng 02 năm sau, mỗi lứa đẻ thường có hai trứng đính trên vách hay kẻ đá; thằn lằn núi không mang vi sinh vật gây bệnh cho người; tỷ lệ và cường độ nhiễm sán dây của chúng tương đối thấp.

+ Trong điều kiện nuôi thí nghiệm, thức ăn của thằn lằn gồm trái cây chín, côn trùng, cào cào non, sâu bọ; thằn lằn núi đẻ trứng chủ yếu đẻ trứng từ tháng 10 đến tháng 02 năm sau, số trứng mỗi lứa là 02, nở dao động từ 61 - 85 ngày, trứng được đẻ trong kẻ đá và ống tre.

+ Tỷ lệ đẻ của thằn lằn núi là 22.5% ở mùa đẻ 2004 - 2005 và 62.2% ở mùa đẻ 2005 - 2006, tỷ lệ trứng nở đạt 50% và 67.3% ở 2 mùa đẻ; con mới nở có trọng lượng 1,08g/con, dài 36,1mm.

- Các dẫn liệu sinh học, dịch tể học, thành phần chất dinh dưỡng của Ốc núi và Thằn Lằn núi. Quy trình sinh sản nhân tạo, nhân giống Ốc núi giống 3 tháng tuổi trở lên (cho 2 loài). Quy trình sinh sản nhân tạo, Thằn lằn núi giống 3 tháng tuổi trở lên.

KẾT QUẢ ỨNG DỤNG

Đề tài được UBND tỉnh công nhận kết quả nghiệm thu tại Quyết định số 412/QĐ-UBND ngày 06/6/2007. Kết quả nghiên cứu được chuyển giao đến Công ty Du lịch Tây Ninh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh làm tư liệu xây dựng quy hoạch phát triển ngành và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây