Nghiên cứu nguyên nhân gây ra dông sét và đề xuất các giải pháp phòng tránh làm giảm nhẹ thiệt hại trong khu vực Tân Biên, Tân Châu, Bến Cầu tỉnh Tây Ninh

Thứ sáu - 01/11/2013 00:00 144 0
Chủ nhiệm đề tài: TS. Lê Ngọc Thanh Cơ quan chủ trì: Phân viện Địa lý TP.HCM (nay là Viện Địa lý Tài nguyên TP.HCM) Thời gian thực hiện: 2006 - 2008 Thời gian nghiệm thu: 2010 Kinh phí thực hiện: 572,404 triệu đồng Đánh giá xếp loại của Hội đồng nghiệm thu: Khá

 

MỤC TIÊU

-     Xác định các nguyên nhân xuất hiện dông sét có tính tập trung cao; phổ biến kiến thức và cung cấp tài liệu cho nhân dân nhằm nâng cao sự hiểu biết về dông sét, trên cơ sở đó hướng dẫn người dân các biện pháp tự phòng tránh.

-     Đề xuất các giải pháp phòng tránh có hiệu quả nhằm làm giảm nhẹ các thiệt hại do hiện tượng dông sét gây ra trong các khu vực nghiên cứu.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

-     Điều tra và lập cơ sở trong nhân dân ghi nhận xuất hiện dông sét.

-     Số hóa các bản đồ: 36 sơ đồ, bản đồ.

-     Thực hiện 6 chuyên đề gồm: Nghiên cứu địa vật lý - cấu trúc địa chất; Nghiên cứu đặc điểm đại chất trầm tích; Nghiên cứu đặc điểm khí hậu - khí tượng; Nghiên cứu diễn biến sử dụng đất qua các thời kỳ; Nghiên cứu đặc điểm địa hình - địa mạo; Nghiên cứu đặc điểm địa chất công trình - địa chất thủy văn.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

-     Dông sét là một hiện tượng ngẫu nhiên, tùy theo đặc điểm tự nhiên của nó có thể xảy ra trong khu vực này nhiều hơn so với khu vực khác.

-     Xác định được nguyên nhân tổng quát xuất hiện dông sét trong khu vực Tân Biên, Tân Châu, Bến Cầu: các dạng hình thế thời tiết ảnh hưởng đến Tây Ninh, và đặc điểm địa hình của Tây Ninh khu vực lân cận, tác động của biến động khí hậu trong 30 năm trở lại đây.

+ Các dạng hình thế thời tiết ảnh hưởng đến Tây Ninh: trong tháng 4, vào thời kỳ mưa chuyển mùa, áp thấp nóng Ấn Miến tiếp tục phát triển mạnh hơn sang phía đông, tạo nên rãnh thấp gió mùa theo hướng Tây - Đông vắt qua 25 ÷ 27 vĩ độ Bắc;

+ Cuối tháng 4 đầu tháng 5, áp thấp nóng phát triển nhanh sang phía đông, kết hợp với hình thành một xoáy thuận nhiệt đới với vịnh Bengal, gió Tây Nam có cường độ yếu bắt đầu xuất hiện trên miền Đông Nam Bộ. Hoạt động của gió mùa Tây Nam là nguyên nhân chủ yếu gây nên mưa trong những tháng đầu mùa mưa;

+ Trong mùa mưa ở khu vực Nam Bộ thường xảy ra những đợt ít mưa kéo dài từ 5 đến 10 ngày (khoảng tháng 6 đến tháng 8), sau các đợt này thường xuất hiện dông mạnh kèm theo mưa to.

+ Đặc điểm địa hình của Tây Ninh và khu vực lân cận: nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền núi cao nguyên Nam Trung Bộ và ĐBSCL, nên địa hình Tây Ninh nghiêng từ Đông Bắc xuống Tây Nam;

+ Vùng Bến Cầu trũng hơn hai huyện Tân Biên và Tân Châu, gió Tây Nam đến huyện Bến Cầu, qua đồng bằng Campuchia khô hạn, không khí nóng và gặp sự bốc hơi mạnh nên điều kiện thuận lợi cho việc hình thành mây dông;

+ Khi thời tiết chuyển mùa với trường gió lệch đông đến Đông Nam xuất hiện thì địa hình vùng Tân Biên, Tân Châu lại là nơi đón gió sớm hơn phần phía Tây, những khối mây tích vũ hình thành từ biển vào dẫn đến hệ quả là vào nửa cuối tháng 9 đến tháng 10, khu vực này có dông sét nhiều hơn các khu vực khác;

+ Lượng mưa nhiều dẫn đến khả năng xuất hiện dông sét nhiều; từ đó cho phép đưa ra dự báo thời gian xảy ra dông sét hàng năm trong khu vực nghiên cứu: thời gian thường có dông sét trong ngày là từ 15 giờ trở đi; hiện tượng dông sét xảy ra vào các tháng : IV, V, VI, IX, X;

+ Tân Biên xảy ra dông sét nhiều từ tháng 4 đến tháng 7 (trong mùa gió mùa Tây Nam); Tân Châu xảy ra dông sét nhiều từ tháng 5 tháng 8, và tháng 9 (cả trong mùa gió mùa Tây Nam và Đông Nam); Bến Cầu xảy ra dông sét nhiều từ tháng 5 đến tháng 7 (trong mùa gió mùa Tây Nam).

+ Tác động của biến động khí hậu trong 30 năm trở lại đây: nhiệt độ không khí và nhiệt độ mặt đất, tốc độ gió mạnh nhất, lượng bốc hơi, lượng năm đều có xu hướng tăng; số giờ nắng lại giảm.

-     Nguyên nhân đặc thù xuất hiện dông sét có tính chọn lọc trong khu vực Tân Biên, Tân Châu, Bến Cầu xuất phát từ các điều kiện tự nhiên đặc thù bao gồm: đặc điểm mật độ dông sét, địa hình, hiện trạng sử dụng đất, đất ngập nước, địa chất, địa chất thủy văn, điện trở suất và từ trường.

-     Đã xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ sét đánh cho khu vực Tân Biên, Tân Châu và Bến Cầu.

-     Đã đưa ra dự báo dông sét hàng năm trong khu vực nghiên cứu.

-     Đã đề xuất các giải pháp cụ thể để phòng tránh làm giảm nhẹ thiệt hại về người và của cải vật chất do dông sét gây ra trong khu vực nghiên cứu gồm giải pháp công trình (sử dụng các thiết bị chống sét như thu lôi, cắt lọc sét; công trình trú sét cho người lao động ngoài trời; hệ thống cảnh báo sớm dông sét) và phi công trình (các biện pháp giáo dục về phòng tránh sét; tăng cường phổ biến kiến thức phòng tránh qua truyền thông đại chúng).

KẾT QUẢ ỨNG DỤNG

Đề tài được UBND tỉnh công nhận kết quả nghiệm thu tại Quyết định số 853/QĐ-UBND ngày 19/4/2011. Kết quả nghiên cứu được chuyển giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Giao thông Vận tải; Sở Xây dựng; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thủy lợi) ứng dụng trong công tác quản lý của ngành và sử dụng kết quả nghiên cứu đề tài làm tài liệu tham khảo trong việc tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân về kiến thức phòng tránh dông sét, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai gây ra.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây