Sưu tầm, nghiên cứu nghệ thuật truyền thống Đờn ca tài tử Nam Bộ ở Tây Ninh

Thứ sáu - 01/11/2013 00:00 349 0
Chủ nhiệm đề tài: CN. Lê Hồng Tăng Cơ quan chủ trì: Trung tâm Văn hóa Thông tin Tây Ninh Thời gian thực hiện: 2005 - 2009 Thời gian nghiệm thu: năm 2010 Kinh phí thực hiện: 197,64 triệu đồng Đánh giá xếp loại của Hội đồng nghiệm thu: Khá

 

MỤC TIÊU

-     Xác định quá trình hình thành và phát triển Đờn ca tài tử (ĐCTT) và những giá trị văn hóa của nó để có thêm những cứ liệu khoa học về lịch sử phát triển văn hóa xã hội ở Tây Ninh.

-     Đề xuất định hướng và những giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật ĐCTT, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa địa phương theo tinh thần Nghị quyết Trung ương V.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

-     Khái quát về Đờn ca tài tử Nam Bộ.

-     Khái quát lịch sử hình thành và phát triển Đờn ca tài tử Nam bộ ở Tây Ninh.

-     Đờn ca tài tử trong đời sống văn hóa của người dân Tây Ninh.

-     Định hướng quản lý và các giải pháp bảo tồn, phát huy Đờn ca tài tử ở Tây Ninh.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Nằm trong khu vực Đông Nam Bộ, Tây Ninh vừa có những đặc điểm chung của khu vực, lại vừa có những nét riêng của địa phương.

-     Về phong trào và cách tổ chức: Tây Ninh là tỉnh duy trì tốt nhất phong trào ĐCTT với hệ thống các CLB, Đội, nhóm ĐCTT đông đảo và hoạt động thường xuyên ở cơ sở; được các trung tâm văn hóa của huyện, thị, xã, phường tập hợp, quản lý và tạo mọi điều kiện để hoạt động. Tuy nhiên, Tây Ninh chưa có được những chính sách, chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân ĐCTT tiêu biểu như một vài tỉnh trong khu vực.

+ Trên địa bàn 9 huyện thị, các trung tâm văn hóa huyện, thị, xã, phường đều thành lập câu lạc bộ (CLB) ĐCTT hoặc ĐCTT- Cải lương; có khoảng 65 CLB sinh hoạt tại các Trung tâm Văn hóa và 40 đội, nhóm sinh hoạt ngoài nhân dân.

+ ĐCTT Tây Ninh tồn tại dưới 2 dạng: sinh hoạt ngẫu nhiên, sinh hoạt tự giác; và có thể tự hào vì đã có những nhạc sư, những nghệ nhân, nghệ sĩ đã làm nên diện mạo ĐCTT Nam Bộ.

+ Tây Ninh hiện có hơn 200 nghệ nhân có chuyên môn cao và hàng ngàn người chơi ĐCTT thường xuyên, tập trung ở các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu, Hòa Thành, Thị xã Tây Ninh.

-     Về bài bản: ĐCTT có 20 bài bản tổ (3 Nam, 6 Bắc, 7 Lễ, 4 Oán) và hàng trăm bài biến thể; khi mới hình thành, nhóm ĐCTT miền Đông và miền Tây có một số khác biệt trong bài bản, hòa đàn.

+ Tây Ninh có Tòa Thánh Cao Đài đã chọn nhạc lễ Nam Bộ và ĐCTT làm nguồn “âm nhạc tôn giáo” của Cao Đài; với biểu diễn nghiêm túc, chính xác, chuẩn mực trong dàn nhạc và bài bản tài tử, đã tạo nên một phong cách chơi đặc trưng ở Tây Ninh

-     ĐCTT trong đời sống văn hóa của người dân Tây Ninh: ĐCTT là loại hình nghệ thuật đặc trưng, món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nam Bộ trong đó có Tây Ninh, gắn liền qua các giai đoạn lịch sử và có vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (trong giai đoạn khắc phục hậu quả chiến tranh, hội nhập và phát triển).

-     Tuy nhiên về chất lượng (ca, đàn đúng phong cách tài tử không nhiều) nên cần phải tiếp tục kế thừa, bổ sung những cái mới, phong phú hơn, sinh động hơn.

-     Giải pháp của sự bảo tồn và phát huy phong trào ĐCTT Tây Ninh: vận động đổi mới trong phương thức hoạt động để thích nghi với văn hóa thời hội nhập và phát triển; khuyến khích phong tặng danh hiệu nghệ nhân, hoặc Kỷ niệm chương... vì sự nghiệp văn hóa quần chúng; tăng cường giáo dục âm nhạc truyền thống; đào tạo nâng cao chất lượng “truyền nghề” ĐCTT; đặc biệt Nhà nước còn định hướng, tạo ra môi trường pháp lý, trang bị cơ sở vật chất cho ĐCTT.

+ Tạo điều kiện, sân chơi cho hoạt động ĐCTT cơ sở, thuộc các bộ môn như: liên hoan ĐCTT - Cải lương, liên hoan Giọng hát hay - Tay đờn giỏi, liên hoan Nhạc lễ - Trò lễ, liên hoan các CLB - Đội nhóm ĐCTT; mở rộng đối tượng tham gia (khuyến khích lực lượng trẻ, tổ chức ở nhiều cấp); mời nhạc sư, nghệ sĩ ĐCTT nổi tiếng làm giám khảo để đánh giá, phân tích chất lượng, cung cấp thêm kiến thức cho các Đội.

+ Phổ biến các điệu thức căn bản của ĐCTT, giới thiệu các CLB, Đội, nhóm ĐCTT ở địa phương, giới thiệu những tay đàn giỏi, giọng ca độc đáo giao lưu nghệ nhân và bạn xem đài; phát huy tài năng cả về sáng tác lẫn biểu diễn.

+ Chế độ hỗ trợ đối với CLB.ĐCTT, đãi ngộ đối với nghệ nhân ĐCTT: thể hiện sự trân trọng đối với các nghệ nhân bằng cách phong tặng danh hiệu, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng”, hướng họ vào mục đích xã hội, trong đó việc “truyền nghề” cho thế hệ trẻ và tổ chức biểu diễn.

KẾT QUẢ ỨNG DỤNG

-     Đề tài được UBND tỉnh công nhận kết quả nghiệm thu tại Quyết định số 638/QĐ-UBND ngày 29/3/2010;

-     Ngành Văn hóa Thông tin sử dụng kết quả nghiên cứu để làm căn cứ đề xuất các giải pháp quản lý và phát triển đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đặc biệt là cung cấp tư liệu cho tủ sách địa chí của Thư viện Tây Ninh, Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam;

-     Chuyển giao kết quả cho ngành Du lịch đưa ĐCTT vào các chương trình du lịch văn hóa trong các tour du lịch ở Tây Ninh.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây