Thành lập Công đoàn cơ sở, tổ chức hoạt động và phát triển Đoàn viên ở các Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Thứ sáu - 01/11/2013 00:00 126 0
Chủ nhiệm đề tài: CN. Nguyễn Văn Nhiếm Đồng chủ nhiệm: CN. Vương Văn Lai Cơ quan chủ trì: Liên đoàn Lao động tỉnh Tây Ninh Thời gian thực hiện: 2007 - 2009 Thời gian nghiệm thu: năm 2010 Kinh phí thực hiện: 308,88 triệu đồng Đánh giá xếp loại của Hội đồng nghiệm thu: Khá

 

 

MỤC TIÊU

-  Đánh giá đúng thực trạng tình hình công nhân, viên chức lao động (CNVCLĐ), tổ chức và hoạt động cũng như công tác phát triển đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ) trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

-  Phân tích những mặt mạnh, những mặt yếu kém, tồn tại và nguyên nhân, từ đó nêu lên tính tất yếu phải phát triển ĐVCĐ và thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) ở các doanh nghiệp FDI chưa thành lập được tổ chức công đoàn trên địa bàn tỉnh, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh giao phó.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

-  Khảo sát số lượng, quê quán, trình độ văn hóa, tay nghề, thu nhập, điều kiện sống, sự hiểu biết về tổ chức công đoàn của đội ngũ công nhân, lao động tại các doanh nghiệp FDI thuộc các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

-  Khảo sát hoạt động của Ban chấp hành công đoàn một số doanh nghiệp: sự hiểu biết về tổ chức công đoàn, chế độ chính sách cơ bản; nguyên tắc của tổ chức công đoàn; phương pháp hoạt động của Ban chấp hành công đoàn; phương pháp phối hợp hoạt động giữa Ban chấp hành công đoàn và người sử dụng lao động, phương pháp tổ chức hoạt động cho ĐVCĐ.

-  Nghiên cứu và đề xuất với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh một số chủ trương chính sách đối với tổ chức hoạt động công đoàn trong các doanh nghiệp FDI cũng như phát triển đoàn viên trong loại hình doanh nghiệp này.

-  Nghiên cứu xây dựng mô hình điểm hoạt động công đoàn trong doanh nghiệp FDI.

-  Đề xuất các nhóm giải pháp mang tính hệ thống, khả thi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp FDI; trong đó để phát triển đoàn viên và thành lập được CĐCS trong các doanh nghiệp FDI cần phải đi sâu xây dựng các nhóm giải pháp.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

-  Tổng số các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại thời điểm được khảo sát: 71; bao gồm các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp trong đó tổng số phiếu phát ra dành cho người sử dụng lao động: 71; tổng số phiếu thu về: 67. Tổng số phiếu phát ra dành cho cán bộ công đoàn: 71; tổng số phiếu thu về: 69; Tổng số phiếu phát ra dành cho người lao động: 2.950; tổng số phiếu thu về 2.701. Kết quả phân tích:

+ Đối với phiếu dành cho người sử dụng lao động:

Phiếu thăm dò tập trung vào 2 nội dung lớn là muốn nắm bắt suy nghĩ của người sử dụng lao động về tổ chức công đoàn cơ sở và người lao động ở các doanh nghiệp hiện nay. Hai nội dung này được thể hiện dưới dạng câu hỏi với trên 50 chỉ tiêu được nêu ra, cụ thể như sau:

+ Nhận thức về tổ chức công đoàn: 59 phiếu đồng ý và 8 phiếu không nêu ý kiến thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp của mình. Hoạt động công đoàn của doanh nghiệp trong thời gian qua ( rất tốt: 07, tốt: 48; chưa tốt: 12). Mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp với công đoàn cơ sở (rất tốt: 13, tốt: 49, chưa tốt: 05). Doanh nghiệp nên có cán bộ chuyên làm công tác công đoàn (rất cần: 14, cần: 25, không nêu ý kiến: 28).

+ Nhận thức về công nhân (CN): doanh nghiệp có mối quan hệ thân thiện với CN (rất tốt: 15, tốt: 44, chưa tốt: 02); chăm lo nhà ở của CN (thuê nhà trọ cho CN: 12; trả thêm tiền cho CN: 19, chưa: 33); việc áp dụng và thực hiện các quy định của pháp luật lao động đối với công nhân lao động (CNLĐ) (tất cả đều thực hiện tốt: 44, có thực hiện nhưng chưa đầy đủ: 21).

-  Những khó khăn cán bộ công đoàn thường gặp phải trong hoạt động công đoàn: chủ doanh nghiệp thường xem nhẹ vai trò của công đoàn, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho công đoàn hoạt động, không đối thoại với CĐCS, cán bộ CĐCS là bán chuyên trách nên còn phụ thuộc, chịu sự quản lý, chỉ đạo, điều hành từ chủ doanh nghiệp; CN chủ yếu quan tâm đến thu nhập, không có thời gian tham khảo văn bản về công đoàn; nghiệp vụ công đoàn yếu, chưa hiệu quả, chưa được hiểu biết nhiều về luật, chưa nắm rõ hết tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, không có thời gian hoạt động công đoàn và chưa được đoàn viên tin tưởng.

-  Năm 2009, có 70/92 CĐCS đã thành lập được xếp loại: 35 CĐCS đạt vững mạnh và vững mạnh xuất sắc, 17 CĐCS đạt khá, 16 CĐCS đạt trung bình, 02 đạt yếu kém; 22 CĐCS còn lại không xếp loại được.

-  Hoạt động công đoàn trong các doanh nghiệp FDI chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Cán bộ CĐCS không được thường xuyên tập huấn nghiệp vụ nên hoạt động công đoàn chưa tốt, chưa phải là đối tác ngang tầm của chủ doanh nghiệp.

-  Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn nhất của giai cấp công nhân (GCCN), là tổ chức duy nhất đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của GCCN, vì vậy cần phải quy định thành lập tổ chức trong các doanh nghiệp.

-  Trong tình hình hiện nay doanh nghiệp FDI ngày càng nhiều, số lượng công nhân lao động tăng lên một cách nhanh chóng thì việc xây dựng mô hình điểm hoạt động trong các doanh nghiệp là một đòi hỏi cấp bách và quan trọng. Hình thức và nội dung hoạt động công đoàn ở mô hình này: Đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNLĐ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, học tập trong CNLĐ; tổ chức phong trào thi đua CNLĐ; chăm lo đến CNLĐ; đổi mới tổ chức, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động và đội ngũ cán bộ công tác trong các doanh nghiệp; nêu lên vị trí, nhiệm vụ của chủ tịch, tổ trưởng công đoàn.

-  Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động công đoàn ở các doanh nghiệp FDI, chúng ta cần phải xây dựng một hệ thống giải pháp đồng bộ, với những nội dung phù hợp, đáp ứng được nguyện vọng của CNLĐ.

-  Giải pháp cụ thể: có kế hoạch khảo sát để xác định doanh nghiệp có bao nhiêu công nhân lao động thì có thể bố trí được cán bộ công đoàn chuyên trách, mở lớp đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ này; các chế độ phù hợp, thỏa đáng cho cán bộ công đoàn chuyên trách và bán chuyên trách trong các doanh nghiệp FDI; địa vị pháp lý của tổ chức này trong giải quyết tranh chấp lao động tập thể.

KẾT QUẢ ỨNG DỤNG

Đề tài được UBND tỉnh công nhận kết quả nghiệm thu tại Quyết định số 2274/QĐ-UBND ngày 04/11/2011. Kết quả đề tài được chuyển giao cho Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Tây Ninh triển khai ứng dụng trong chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp cùng chính quyền tổ chức triển khai thực hiện, có 76% doanh nghiệp FDI đã ký thỏa ước lao động tập thể; thành lập Văn phòng tư vấn pháp luật của LĐLĐ tỉnh và tổ tư vấn huyện, thị xã, công đoàn các khu công nghiệp để tư vấn một số thắc mắc về chế độ chính sách, tiền lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, thời gian làm việc, nghỉ ngơi; Thành lập mới 07 công đoàn cơ sở (CĐCS) doanh nghiệp FDI thuộc LĐLĐ các huyện và công đoàn các khu công nghiệp.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây