Xây dựng lực lượng Công an xã vững mạnh, đảm bảo thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về An ninh trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ sáu - 01/11/2013 00:00 120 0
Chủ nhiệm đề tài: CN. Dương Văn Chiến Cơ quan chủ trì: Công an Tây Ninh Thời gian thực hiện: 2003 – 2006 Thời gian nghiệm thu: năm 2006 Kinh phí thực hiện: 82,895 triệu đồng Đánh giá xếp loại của Hội đồng nghiệm thu: Khá

 

 

MỤC TIÊU

Nghiên cứu toàn diện lực lượng Công an xã trong tỉnh: chức năng nhiệm vụ của lực lượng Công an xã trong việc đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự, quản lý hành chánh về trật tự an toàn xã hội; xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Qua đó đưa ra các giải pháp nhằm củng cố xây dựng lực lượng, khắc phục những hạn chế yếu kém; bồi dưỡng, huấn luyện và trang bị phương tiện hoạt động; chế độ chính sách cho lực lượng Công an xã, để lực lượng này đảm bảo thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ và giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở trong tình hình mới.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

- Đánh giá thực trạng về biên chế, lực lượng Công an xã toàn tỉnh từ khi có Nghị định 40/NĐ-CP ngày 23/6/1999 của Chính phủ đến nay. Kết quả đạt được trong thực hiện công tác giữ gìn an ninh trật tự; quản lý hành chánh về trật tự an toàn xã hội; xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, từ khi có Nghị định 40/CP đến nay và những tồn tại, hạn chế.

- Đánh giá nguyên nhân đạt được, những hạn chế yếu kém về đội ngũ Công an xã, cũng như trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Đề tài tập trung nghiên cứu, giải quyết các nhiệm vụ lớn sau:

- Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của các cấp chính quyền, đối với lực lượng Công an xã.

- Tiếp tục củng cố và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ, trong đó tập trung củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng tuần tra nhân dân (TTND).

- Tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Công an cấp trên đối với lực lượng Công an xã. Tập trung đào tạo, nâng cao trình độ lý luận chính trị, pháp luật, nghiệp vụ chuyên môn, cho lực lượng Công an xã.

- Đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng lực lượng Công an xã trong thời gian tới.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

- Biên chế của Công an các xã, thị trấn trong tỉnh đã được kiện toàn theo mô hình thống nhất: mỗi xã có 01 Trưởng công an xã, 02 Phó công an xã, có từ 03 công an viên thường trực tại xã và mỗi ấp, khu phố bố trí 01 công an viên phụ trách.

- Về trang bị, phương tiện làm việc: hầu hết Công an xã, thị trấn trong tỉnh đều được bố trí từ 01 đến 02 phòng làm việc, nằm trong khuôn viên trụ sở UBND xã, thị trấn; được trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, phương tiện thông tin liên lạc, trang phục và các phương tiện khác.

- Lực lượng Công an xã đã phát huy được chức năng nhiệm vụ của mình, đóng vai trò quan trọng việc giữ gìn an ninh trật tự, quản lý hành chánh về trật tự an toàn xã hội và trong xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.

- Tuy nhiên lực lượng Công an xã cũng còn một số hạn chế, tồn tại như: công tác nắm tình hình chưa kịp thời; công tác quản lý hành chánh về trật tự an toàn xã hội còn sơ hở; việc xây dựng và củng cố phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ chưa đáp ứng yêu cầu công tác nghiệp vụ của ngành; trình độ, năng lực đội ngũ Công an xã còn hạn chế.

- Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là: cấp ủy, chính quyền và Công an cấp huyện một số nơi chưa quan tâm đầy đủ việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động Công an xã; lực lượng Công an xã (nhất là công an viên) số lượng không ổn định; nhiều công an viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thiếu tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất, đạo đức vi phạm kỷ luật; trang bị, phương tiện làm việc; chế độ, chính sách đối với Công an xã chưa đảm bảo.

- Giải pháp thực hiện là đào tạo nâng cao trình độ; củng cố tổ chức; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp; sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Công an cấp trên; nhằm xây dựng, củng cố lực lượng Công an xã ngày càng vững mạnh; đào tạo, bồi dưỡng cho Trưởng, Phó trưởng Công an xã và Công an viên vững về nghiệp vụ chuyên môn, pháp luật, lý luận chính trị, đồng thời xây dựng, củng cố lực lượng nòng cốt quản lý địa bàn (mô hình tổ tự quản), góp phần đảm bảo giữ gìn ANTT ở cơ sở, có tính khả thi cao về mọi mặt:

+ Đối với đội ngũ Trưởng, Phó Công an xã và Công an viên: cần nhanh chóng mở lớp đào tạo trình độ Trung cấp nghiệp vụ và Trung cấp chính trị theo kế hoạch của Công an tỉnh, thực hiện theo Quyết định số 1369/QĐ-BCA(X14) của Bộ trưởng Bộ Công an.

+ Đối với đội ngũ Công an viên: hằng năm Công an tỉnh duy trì việc mở lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho tất cả Công an viên các xã, thị trấn trong tỉnh. Đối với số Công an viên mới được tuyển chọn, phải được tập huấn nhiều hơn, nhằm đào tạo, huấn luyện giúp cho lực lượng này nắm vững kiến thức cơ bản về Công an xã và các mặt công tác nghiệp vụ công an.

+ Bố trí Công an chính quy về làm Trưởng hoặc cấp Phó Công an xã, thị trấn, nơi mà những địa phương trọng điểm và phức tạp về ANTT. Tăng cường số lượng Công an viên thường trực tại xã; tuyển chọn cán bộ là người dân tộc làm Công an xã ở những khu vực có đông đồng bào dân tộc cư ngụ theo cộng đồng.

+ Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức quần chúng làm công tác ANTT ở cơ sở (trong đó đặc biệt chú ý củng cố, nâng cao chất lượng của các Tổ tự quản).

KẾT QUẢ ỨNG DỤNG

Đề tài được UBND tỉnh công nhận kết quả nghiệm thu tại Quyết định số 10/QĐ-UBND ngày 15/01/2007. Công an tỉnh Tây Ninh tổ chức triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào công tác quản lý của ngành ở 3 xã: Tân Hưng (huyện Tân Châu), Thạnh Bắc (huyện Tân Biên) và Hảo Đước (huyện Châu Thành). Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, Công an tỉnh đề xuất thực hiện những vấn đề trọng tâm sau:

- Đề xuất Bộ Công an:

+ Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị định 40/NĐ-CP về Công an xã, trên cơ sở đó đề xuất Bộ Công an đề nghị Chính phủ ban hành Pháp lệnh về Công an xã (thay thế cho Nghị định 40/NĐ-CP);

+ Ban hành chế độ công tác của lực lượng Công an phụ trách xã để thống nhất việc điều hành, quản lý hoạt động của lực lượng Công an xã trên toàn quốc;

- Đề xuất UBND tỉnh:

+ Tăng số lượng Công an viên thường trực tại xã theo hướng xã, thị trấn có dân số dưới

9.000 người, thì được bố trí 03 Công an viên thường trực tại xã; nếu xã, thị trấn có số dân trên 9.000 người trở lên thì cứ tăng 3.000 người dân được bố trí thêm 01 Công an viên thường trực .

+ Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 428/QĐ-UB ngày 07/7/1994, trên cơ sở đó đề xuất UBMTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh phối hợp với các ngành chức năng ban hành quy chế mới về hoạt động của Tổ tự quản, đồng thời tính toán điều chỉnh lại quy mô của các Tổ tự quản theo hướng giảm bớt số hộ dân trong mỗi tổ, để thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh.

+ Ban hành văn bản có tính pháp quy, quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và các vấn đề khác về lực lượng TTND.

+ Chỉ đạo các ngành chức năng triển khai việc xây dựng nhà tạm giữ hành chính tại các xã, phường, thị trấn, thực hiện theo Quyết định số 80/2002/QĐ-UB ngày 30/7/2002.

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây