Tây Ninh: Kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

Thứ sáu - 18/08/2017 16:00 237 0
Tính đến ngày 30/6/2017, tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực tại Tây Ninh là 267 dự án với tổng vốn đầu tư 4.964,1 triệu USD, bao gồm 11 dự án liên doanh và 256 dự án 100% vốn nước ngoài.

​Trong đó, lĩnh vực công nghiệp có 248 dự án với số vốn đầu tư là 4.782,99 triệu USD, chiếm 96,35 % tổng vốn đầu tư; Lĩnh vực nông nghiệp có 9 dự án với vốn đầu tư 46,25 triệu USD, chiếm 0,93% tổng vốn đầu tư; Lĩnh vực xây dựng có 4 dự án với vốn đầu tư 125,7 triệu USD, chiếm 2,53% tổng vốn đầu tư và lĩnh vực dịch vụ có 6 dự án với vốn đầu tư 9,2 triệu USD, chiếm 0,19% tổng vốn đầu tư.

Về đối tác đầu tư, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về số vốn đăng ký đầu tư vào địa bàn tỉnh, với 47 dự án và 2,270 triệu USD, thứ hai là Hàn Quốc với 55 dự án và 859 triệu USD, thứ ba là Hồng Kong với 25 dự án và 684 triệu USD và thứ tư là Đài Loan với 71 dự án và 593 triệu USD.

Về tình hình triển khai dự án, lũy kế đến 30/6/2017, có 209 dự án đang hoạt động, chiếm 78,3% tổng số dự án với số vốn 3.437,55 triệu USD; 17 dự án đang xây dựng, chiếm 6,4% tổng số dự án với số vốn 761,9 triệu USD; 27 dự án chưa triển khai, chiếm 10,1% tổng số dự án với số vốn 733,77 triệu USD; 14 dự án dừng hoạt động chiếm 5,2% tổng số dự án với số vốn 30,93 triệu USD; Vốn đầu tư thực hiện lũy kế đến nay khoảng 2.672,5 triệu USD, chiếm 53,8% tổng vốn đăng ký. Trong đó, ngoài Khu công nghiệp, khu kinh tế trong tổng số 64 dự án, có 55 dự án đang hoạt động, 05 dự án chưa triển khai, 04 dự án dừng hoạt động; trong Khu công nghiệp trong tổng số 196 dự án, có 150 dự án đang hoạt động, 17 dự án đang xây dựng, 19 dự án chưa triển khai, 10 dự án dừng hoạt động và trong Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài: trong tổng số 07 dự án, có 04 dự án đang hoạt động, 03 dự án chưa triển khai.

Theo đánh giá chung, từ năm 1993 đến nay hoạt động của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Tây Ninh không ngừng tăng lên cả về số dự án đầu tư, vốn đăng ký và vốn thực hiện, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt cao nhất là năm 2014 với tổng vốn đăng ký 892,96 triệu USD.

Bên cạnh đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng chiếm vị trí quan trọng và có tác động lớn tới sự phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần tăng doanh thu, kim ngạch xuất, nhập khẩu, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Ngoài ra, khu vực FDI cũng góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm cho lực lượng lao động của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân tại địa phương. Các dự án FDI góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như may mặc, giày dép. Vốn đầu tư phát triển hàng năm của khu vực này chiếm khoảng 21-31% tổng vốn đầu tư phát triển toàn tỉnh.

Mục tiêu trong thời gian tớn của tỉnh là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc giải phóng mặt bằng, cung cấp dịch vụ hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính. Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài theo hướng cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế. Phấn đấu thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020 đạt 2,9 tỷ USD. Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, đất đai; tập trung thu hút vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức cao, công nghệ thông tin; dịch vụ khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, phát triển kết cấu hạ tầng; thu hút có chọn lọc công nghiệp chế biến, công nghiệp công nghệ cao; ưu tiên phát triển các dự án có sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Hạn chế các dự án đầu tư vào khu vực phi sản xuất, làm gia tăng tình trạng nhập siêu, tiêu tốn năng lượng, khai thác không gắn với chế biến. Không tiếp nhận các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

 

    Vũ Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây