Thông tin về môi trường đầu tư kinh doanh và danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh

Thứ bảy - 30/07/2022 21:25 292 0

1. Thông tin cơ bản về địa phương:

- Vị trí địa lý:

Tây Ninh là một tỉnh biên giới thuộc vùng Đông Nam Bộ với đường biên giới dài 240 km, phía Đông giáp tỉnh Bình Dương và Bình Phước, phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An, Phía Tây và Bắc giáp ba tỉnh Svay Riêng, Prây Veng và Tbuong Khmum thuộc Vương quốc Campuchia. Tây Ninh có 16 cửa khẩu tiếp giáp với biên giới Campuchia, trong đó có 2 cửa khẩu Quốc tế quan trọng là Xa Mát và Mộc Bài và 03 cửa khẩu chính, 11 cửa khẩu phụ.

- Điều kiện tự nhiên:

Địa hình Tây Ninh nghiêng theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Phía Bắc có độ cao trung bình từ 10-15m. Đặc biệt, cách thành phố Tây Ninh gần 10km có núi Bà Đen cao 986m là ngọn núi duy nhất nằm trong địa bàn của tỉnh. Phía Nam địa hình mang đặc điểm đồng bằng với độ cao trung bình 3-5m. Nhìn chung, Tây Ninh có địa hình tương đối bằng phẳng rất thuận lợi phát triển nông nghiệp, công nghiệp và cơ sở hạ tầng.

Khí hậu ở Tây Ninh tương đối ôn hoà, được chia ra làm hai mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Cùng với chế độ bức xạ dồi dào, nhiệt độ cao và ổn định thuận lợi cho phát triển nông nghiệp đa dạng, đặc biệt là các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mặt khác, Tây Ninh ít chịu ảnh hưởng của bão và những yếu tố bất lợi khác.

Tây Ninh có tiềm năng dồi dào về đất, trên 96% quỹ đất thuận lợi cho phát triển cây trồng các loại, từ cây trồng nước đến cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày, cây ăn quả các loại. Đất đai Tây Ninh có thể chia làm 5 nhóm đất chính với 15 loại đất khác nhau. Trong đó, nhóm đất xám chiếm trên 84%, đồng thời là tài nguyên quan trọng nhất để phát triển nông nghiệp. Ngoài ra, còn có nhóm đất phèn chiếm 6,3%, nhóm đất cỏ vàng chiếm 1,7%, nhóm đất phù sa chiếm 0,44%, nhóm đất than bùn chiếm 0,26% tổng diện tích. Đất lâm nghiệp chiếm hơn 10% diện tích tự nhiên.

Nguồn nước mặt ở Tây Ninh phụ thuộc chủ yếu vào chế độ hoạt động của hai con sông lớn chảy qua là sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông. Cùng với hai con sông chính, Tây Ninh có nhiều suối, kênh rạch, tạo ra một mạng lưới thuỷ văn phân bố tương đối đồng đều trên địa bàn. Tuy nhiên, mật độ sông rạch ở Tây Ninh tương đối thưa, chỉ đạt 0,314km/km2. Nguồn nước ngầm ở Tây Ninh phân bố rộng khắp trên địa bàn, lưu lượng nước lớn, chất lượng tốt. ở các huyện phía Nam của tỉnh có nguồn nước ngầm gần mặt đất hơn ở các huyện phía Bắc. Vào mùa khô, vẫn có thể khai thác nước ngầm, bảo đảm chất lượng cho sản xuất và đời sống của người dân. Ngoài ra, Tây Ninh có hồ Dầu Tiếng giúp cân bằng sinh thái, phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp, cung cấp nước cho nuôi trồng thuỷ sản, sinh hoạt tiêu dùng và sản xuất.

- Diện tích, dân số:

Theo Niên giám thống kê tỉnh Tây Ninh năm 2019, tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 4.041,3 km2, với 9 đơn vị hành chính (trong đó có 6 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố). Dân số trung bình đạt 1.171.683 người, mật độ dân số đạt 289,9 người/km². Trong đó dân số sống tại thành thị đạt 208.300 người, chiếm 17,8%, dân số sống tại nông thôn đạt 963.383 người, chiếm 82,2% dân số. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của toàn tỉnh đạt 706.972 người, chiếm 60,3% dân số). Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đạt 696.467 người, chiếm 98,5% lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 12,48%.

- Các số liệu (giai đoạn 2018-2020) về: chỉ số GRDP; GRDP đầu người; cơ cấu kinh tế theo ngành, lĩnh vực; chỉ số PCI, PAPI, …:

STT Chỉ tiêu ĐVT   Năm 2018 Năm 2019 Ước TH 2020
1 Tốc độ tăng GRDP %   7,9 8,8 3,9
2 Quy mô GRDP theo giá hiện hành Tỷ đồng   72.374 81.799 86.562
3 GRDP bình quân đầu người Triệu đồng/người   62,36 69,81 73,23
4 Cơ cấu kinh tế    
  - Nông, lâm nghiệp, thủy sản %   22,8 21,1 20,3
  - Công nghiệp, xây dựng %   39,6 42,3 44,5
  - Dịch vụ %   32,6 31,5 32,4
  - Thuế, trợ cấp sản phẩm %   5,0 5,0 2,8
5 Thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)     14 15  
6 Thứ hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI)     37 41  

2. Những tiềm năng, thế mạnh của địa phương và định hướng phát triển

Với vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh, kinh tế đối ngoại của đất nước, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp với Thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật của cả nước là lợi thế riêng để tỉnh chủ động kết nối vùng, tạo động lực phát triển. Dư địa phong phú, đa dạng về đất đai, tài nguyên, lao động của tỉnh dồi dào, nhất là tiềm năng về kinh tế cửa khẩu, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch mang tầm quốc gia và khu vực chưa được phát huy đúng mức là điều kiện thuận lợi để định hướng phát triển đồng bộ, toàn diện thu hút đầu tư mở rộng kết nối phát triển Vùng mạnh mẽ hơn. Các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng mang tính kết nối Vùng được triển khai, đặc biệt là dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài mở ra hành lang phát triển công nghiệp, đô thị mang tầm quốc gia và khu vực.

Trong thời gian tới, tỉnh chủ động đẩy mạnh gắn kết phát triển địa phương với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, huy động nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững; giữ vững nhịp độ tăng trưởng cao, gia tăng quy mô, năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông (đường bộ, đường thủy, đường sắt), tập trung triển khai hoàn thành các dự án giao thông kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; hình thành trục hành lang công nghiệp, đô thị mang tầm quốc gia và khu vực dọc tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài. Nghiên cứu đề xuất động lực mới thúc đẩy Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài phát triển mạnh mẽ. Từng bước xây dựng kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.

3. Về xuất nhập khẩu

  • Số liệu về kim ngạch xuất nhập khẩu:
     
STT Chỉ tiêu ĐVT Năm 2018 Năm 2019 Ước TH 2020
1 Kim ngạch xuất khẩu Triệu USD 4.177 3.791 4.057
  Tốc độ tăng hàng năm % 14,5 (9,2) 7,0
2 Kim ngạch nhập khẩu Triệu USD 2.989 3.354 3.588
  Tốc độ tăng hàng năm % 18,0 12,2 7,0
  • Xuất khẩu chủ yếu dựa vào nhóm hàng công nghiệp, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu hàng xuất khẩu, trong đó mặt hàng dệt may chiếm tỷ trọng lớn nhất là 20,3% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Ngoài ra còn có các mặt hàng khác như giày dép các loại, phương tiện vận tải và phụ tùng, vải các loại... Nhóm hàng nông sản chiếm tỷ trọng thấp hơn do tình hình xuất khẩu khó khăn, bị ảnh hưởng vào thời tiết và giá cả thế giới. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, ...
  • Cơ cấu hàng hóa nhập khẩu đa dạng, tập trung chủ yếu vào các nhóm hàng sản xuất phục vụ xuất khẩu như: máy móc thiết bị, phụ tùng. Nhóm hàng cần nhập khẩu chiếm tỷ trọng 90,8%, nhóm hàng cần kiểm soát chiếm tỷ trọng 1,6%, nhóm hàng hóa khác chiếm tỷ trọng 7,6%. Thị trường nhập khẩu chủ yếu từ Châu Á; Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước trong khu vực ASEAN, ...
    4. Về đầu tư

- Tình hình thu hút đầu tư:

Từ năm 2018 đến nay, cấp mới cho 78 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư là 1.666,7 triệu USD. Lũy kế đến nay, Tây Ninh có 350 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 7.777,4 triệu USD. Vốn thực hiện lũy kế trên địa bàn tỉnh ước đến 31/12/2020 đạt khoảng 3.828,8/7.777,4 triệu USD, chiếm 49,2% tổng vốn đăng ký. 

Các dự án đầu tư nước ngoài hoạt động trải đều trên tất cả các huyện, thị xã, thành phố tỉnh Tây Ninh. Trong đó, các dự án tập trung chủ yếu tại thị xã Trảng Bàng 202 dự án (chiếm 57,71% số dự án FDI trên địa bàn tỉnh), huyện Gò Dầu 77 dự án (chiếm 22% số dự án FDI trên địa bàn tỉnh) với các nhà đầu tư lớn từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản..., đầu tư vào các lĩnh vực như dệt may, da giày, sản xuất lốp xe, linh kiện điện tử, cơ khí.... Trong thời gian qua, các dự án FDI trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, các chỉ tiêu: doanh thu, xuất khẩu, nhập khẩu của các dự án tăng dần theo từng năm. Khu vực FDI cũng góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm cho lực lượng lao động của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân tại địa phương. Đóng góp cho nguồn thu ngân sách nhà nước: giai đoạn 2011-2015, nộp ngân sách nhà nước của khu vực FDI chiếm 6,4% tổng thu nội địa. Giai đoạn 2016-2020, nộp ngân sách nhà nước khu vực FDI chiếm 7,4% tổng thu nội địa. Khoản thu này khá ổn định và tăng cao trong những năm gần đây.

- Các lĩnh vực, định hướng thu hút đầu tư:

Sau khi rà soát, theo Quyết định số 631/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ thì tỉnh Tây Ninh đã thực hiện mời gọi đầu tư các dự án sau:

+ Nhà máy sản xuất linh kiện thiết bị năng lượng mới và năng lượng tái tạo (STT26),

+ Xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm, nguyên liệu dược phẩm theo tiêu chuẩn GMP (STT 68),

+ Dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm và chế biến thịt, sữa, thủy sản (STT121).

Tuy nhiên trong thời gian qua, địa bàn tỉnh chỉ thu hút được dự án thuộc nhóm ngành dự án Chăn nuôi gia súc, gia cầm và chế biến thịt, sữa, thủy sản. Trong đó, giai đoạn 2014 – 2020, trên địa bàn tỉnh thu hút 02 dự án của các Công ty: Công ty QL Feedingstuffs SDN.BHD (Quốc gia: Malaysia) và Công ty TNHH MTV TS Farm (Quốc gia: Hàn Quốc).

- Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư (theo phụ lục 1 đính kèm)

- Thông tin về các khu công nghiệp, khu chế xuất:

TT Tên KCN Địa điểm Tên chủ đầu tư Diện tích (ha)
Theo quy hoạch Có thể cho thuê
1 KCN Trảng Bàng Phường An Tịnh,
huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh
Công ty CP Phát triển hạ tầng KCN Tây Ninh 189,57 132,97
2 KCX & CN Linh Trung III Phường An Tịnh,
thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh
Công ty TNHH Sepzone - Linh Trung (Việt Nam) 202,67 132,41
3 KCN Thành Thành Công Phường An Hòa,
Thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh
Công ty CP KCN Thành Thành Công 760 516,55
4 KCN Phước Đông Xã Phước Đông,
 huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh
Công ty CP đầu tư Sài Gòn VRG 2190 1,558
5 KCN Chà Là Xã Chà Là,
huyện Dương Minh Châu
Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế 42,19 33,35
6 KCN TMTC Huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh Công ty CP Phát triển Công nghiệp TMTC 108,11 76,51

5. Về du lịch

- Số lượng khách du lịch:

Năm 2018, khách du lịch đến Tây Ninh đạt 5.428.731 lượt khách (trong đó khách tham quan khu, điểm du lịch 2.733.978 triệu lượt); khách lữ hành đạt 24.465 lượt khách; doanh thu du lịch đạt 932 tỷ đồng.

Năm 2019, khách du lịch đến Tây Ninh đạt 5.990.000 lượt khách (trong đó khách tham quan khu, điểm du lịch 3.010.000 lượt); khách lữ hành đạt 26.500 lượt khách; doanh thu du lịch đạt 1.100 tỷ đồng.

- Các địa điểm tham quan, sản phẩm du lịch chủ đạo, các di sản vật thể, phi vật thể của địa phương:

+ Khu du lịch núi Bà Đen, Toà Thánh Cao Đài Tây Ninh; Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; Hồ Dầu Tiếng; Vườn Di sản ASEAN - vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát; khu du lịch Long Điền Sơn; tháp cổ Chót Mạt, tháp cổ Bình Thạnh.

+ 93 di tích được xếp hạng, trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt; 26 di tích quốc gia; 66 di tích cấp tỉnh. 06 di sản văn hoá phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể của quốc gia: nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ (đã được UNESSCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại); Lễ kỳ yên đình Gia Lộc, nghệ thuật trình diễn múa trống Chhay-Dăm; nghề bánh tráng phơi sương Trảng Bàng; Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu và Lễ hội quan lớn Trà Vong.

+ Ẩm thực đặc sắc như: bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng; muối ớt Tôm; mãng cầu Bà Đen; Bò tơ Tây Ninh; những món chay của tín đồ tôn giáo Cao Đài,…

Với những lợi thế về tài nguyên du lịch kể trên, Tây Ninh có triển vọng để trở thành một trong những cửa ngõ đón khách quốc tế, trung tâm du lịch độc đáo của vùng Đông Nam bộ theo hướng văn minh - bền vững thông qua du lịch truyền thống lịch sử, tâm linh tín ngưỡng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cửa khẩu, mua sắm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây