May gia công trên địa bàn ấp Phước Lộc B, xã Phước Minh (huyện Dương Minh Châu).
Học nghề về áp dụng tại nhà
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, công tác đào tạo nghề cho LĐNT ngày càng khó khăn hơn, bởi người lao động không mặn mà với việc học nghề vì tỷ lệ xin được việc làm sau đào tạo rất thấp; cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp chưa có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ trong đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.
Theo UBND huyện Bến Cầu, giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn huyện đã tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 2.567 học viên. Trong đó, nghề nông nghiệp 54 lớp cho 1.646 học viên; nghề phi nông nghiệp 29 lớp cho 921 học viên.
Nhìn chung, công tác đào tạo nghề LĐNT đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, trình độ học vấn của đa số nông dân còn thấp, phần lớn làm nông nghiệp, lao động lớn tuổi, từ 35 tuổi trở lên. Ngoài ra, người lao động đào tạo nghề vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào việc được bố trí việc làm, chưa chủ động tìm việc, làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
Ông Ngô Thanh Tùng- Phó Chủ tịch UBND xã Long Phước (huyện Bến Cầu) cho biết, những năm qua, địa phương đã triển khai sâu rộng công tác đào tạo nghề cho LĐNT, qua đó giúp nhiều người có nghề, tạo việc làm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, trên địa bàn xã, nhiều học viên được đào tạo nghề nhưng chưa có việc làm. Đa số là do nghề được đào tạo không phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thị trường lao động.
Ông Tùng cho biết thêm, thời gian qua, địa phương đã mở 9 lớp cho 270 người, học các ngành nghề như: chăn nuôi bò, gà, trồng rau sạch… Do thời gian ngắn hạn, nội dung khoá học tập trung chủ yếu vào kỹ thuật nuôi trồng cơ bản, nên sau lớp học người lao động áp dụng kiến thức đã học vào trong chăn nuôi và sản xuất nhỏ lẻ tại nhà.
Một khó khăn nữa là, theo quy định, mỗi người chỉ được học một nghề, làm hạn chế cho người lao động muốn chuyển đổi khi ngành nghề được học không phù hợp với nhu cầu thị trường.
Ông Tùng cho biết, địa phương đã, khảo sát thực tế và nhận thấy, nhiều hộ dân trước đây đăng ký lớp học kỹ thuật chăn nuôi bò, nay muốn đầu tư trồng rau sạch nhưng lại không có kiến thức để áp dụng vào quá trình sản xuất; do quy định, họ không thể đăng ký học thêm ngành nghề thứ hai, dẫn đến việc hạn chế đầu tư chuyển đổi sang mô hình sản xuất khác.
Theo ông Hồ Thành Phong- Phó Chủ tịch UBND xã Long Chữ (huyện Bến Cầu), học viên sau khi học nghề đều được giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thị trường nên việc làm có khi chưa thực sự ổn định. Nhiều học viên sau khi tham gia lớp học chăn nuôi chỉ về chăn nuôi nhỏ lẻ, không dám đầu tư quy mô lớn.
Bên cạnh đó, trên địa bàn xã, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi và trồng trọt nên nhiều hộ muốn được đào tạo cả về kỹ thuật chăn nuôi lẫn trồng trọt, nhưng theo quy định thì mỗi người chỉ được đăng ký học một ngành nghề.
Chị Huỳnh Thị Lệ Hà (ấp Long Giao, xã Long Chữ) cho biết, gia đình chị sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi bò, quy mô nhỏ lẻ, thời gian nhàn rỗi nhiều nên chị muốn đăng ký học thêm lớp đào tạo nghề nấu ăn ở địa phương mà không được. Lý do là trước đây chị đã đăng ký học lớp chăn nuôi bò và được cấp chứng chỉ, nên không được đăng ký học thêm ngành nghề khác.
Ông Lê Văn Phước- Phó Chủ tịch UBND xã Biên Giới (huyện Châu Thành) cho biết, từ năm 2013-2020, xã tổ chức 11 lớp đào tạo nghề LĐNT với 355 học viên tham gia, trong đó, đối tượng hộ nghèo, cận nghèo tham gia ít, chỉ 18 hộ. Các lớp đào tạo nghề được tổ chức trên cơ sở khảo sát nhu cầu của người dân và phù hợp với đặc điểm của một xã nông nghiệp, như: kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, heo, bò, rắn, cạo mủ cao su; kỹ thuật trồng lúa nước, ớt; lớp đào tạo nghề thú y.
Trước đây, xã có mở 2 lớp khai thác mủ cao su nhưng sau đào tạo, học viên không có việc làm. Ông Phước cho biết: “Các chủ vườn cao su trên địa bàn chủ yếu là người dân nơi khác đến nên họ đưa nhân công từ nơi khác đến trông coi, chăm sóc.
Địa phương đã liên hệ với chủ vườn nhằm tạo cơ hội việc làm cho các học viên nhưng họ không nhận các lao động này”. Do đó, theo ông Phước, để có chủ trương tạo điều kiện cho các đối tượng không có việc làm này tiếp tục được tham gia lớp đào tạo nghề phù hợp.
Chứng chỉ nghề chưa phát huy tác dụng
Hiện nay, một bộ phận không nhỏ LĐNT chưa mặn mà đối với việc học nghề. Vì thiếu định hướng nghề nghiệp, một số người đi học theo phong trào, dẫn đến kiến thức thu nhận không chắc chắn, không áp dụng được vào thực tế. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến lao động sau đào tạo khó tìm được việc làm.
Ở xã Tân Phong, huyện Tân Biên, từ năm 2009-2019, xã đã mở 48 lớp đào tạo nghề LĐNT với 1.698 học viên tham gia. Dự kiến năm 2020 mở 3 lớp gồm 1 lớp nấu ăn và 2 lớp cạo mủ cao su.
Đối với lớp cạo mủ cao su, thời gian qua, địa phương đã liên hệ với các trang trại có nhu cầu về nhân công để kết nối cung - cầu lao động. Lãnh đạo địa phương cho biết, ở địa phương, các đối tượng ưu tiên trong đào tạo nghề LĐNT như gia đình chính sách, hộ nghèo, người khuyết tật... tham gia rất ít.
Chẳng hạn, đối tượng hộ nghèo không có thời gian theo học vì phải đi làm kiếm sống; đối tượng người khuyết tật cũng tham gia hạn chế do vấn đề sức khoẻ.
Thời gian tới, địa phương kiến nghị nâng mức hỗ trợ để khuyến khích người dân tham gia học nghề LĐNT; quan tâm đến liên kết tiêu thụ sản phẩm để nông dân tham gia các lớp học nghề về nông nghiệp yên tâm sản xuất.
Ông Hồ Thanh Phong- Phó Chủ tịch UBND xã Long Chữ (huyện Bến Cầu) cho biết, thời gian qua, trên địa bàn xã đã mở được 3 lớp đào tạo nghề nấu ăn cho 105 LĐNT; 19 lớp đào tạo nghề chăn nuôi bò, gà, trồng rau cho 570 LĐNT.
Tuy nhiên, thời gian của các lớp đào tạo nghề thường ngắn nên học viên mới sơ bộ nắm được cách sử dụng công cụ và kiến thức cơ bản, chưa đủ khả năng để xin việc hoặc tự tạo việc làm.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian tới, để công tác đào tạo nghề nông thôn phát huy tác dụng, các địa phương phải chú trọng đào tạo những nghề mà xã hội đang có nhu cầu, học xong là có việc làm ngay.
Ngoài vai trò của các cơ sở đào tạo nghề cho LĐNT, các doanh nghiệp cũng cần chung tay trong việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm, giải quyết việc làm sau đào tạo. Có như vậy, người lao động mới yên tâm tham gia các lớp học nghề để nâng cao tay nghề và kỹ năng, có cơ hội tìm việc với mức lương ổn định hơn.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt (ngụ ấp Long Giao, xã Long Chữ) chia sẻ, sau lớp học nấu ăn ngắn hạn, chị được cấp chứng chỉ nghề. Thế nhưng, đến nay, chị vẫn chưa tìm được việc làm theo đúng nghề mình đã được học.
Bên cạnh đó, ngành nghề đào tạo trước đây không còn phù hợp với thời điểm hiện tại cũng là nguyên nhân khiến người lao động không áp dụng kiến thức đã học vào quá trình sản xuất, dẫn đến chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
Ông Trịnh Hoài Đức, ấp Suối Cao B, xã Phước Đông (huyện Gò Dầu) cho biết, trước đây ông đăng ký học lớp trồng rau sạch để về áp dụng kỹ thuật trong quá trình sản xuất tại gia đình.
Sau gần 1 tháng hoàn thành lớp học ngắn hạn, ông Đức được bổ sung thêm kiến thức cơ bản về cách trồng, chọn giống, cách chăm sóc, chọn thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với cây trồng.
Tuy nhiên, đối với người nông dân, đây là những kiến thức cơ bản chưa thể áp dụng trong sản xuất rau sạch hay áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Người dân cần được đào tạo chuyên sâu về quy trình sản xuất rau VietGAP, tạo ra sản phẩm sạch chất lượng và có cơ hội tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Giai đoạn 2011-2020, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho LĐNT được 44.740/42.800 người, đạt tỷ lệ 104,54% so kế hoạch. Trong đó, đào tạo nghề nông nghiệp 35.574/21.630 người- đạt tỷ lệ 165%; đào tạo nghề phi nông nghiệp 9.166/21.170 người- đạt tỷ lệ 44%.
Theo BTNO