Theo Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh Tây Ninh, tổng số tiền thu các xã, phường, thị trấn chuyển về Quỹ từ năm 2013 đến nay là gần 8,6 tỷ đồng. Trong đó, thu năm 2013 được gần 1,4 tỷ đồng; thu năm 2014 hơn 6,3 tỷ đồng; thu từ 1.1.2015 đến nay hơn 840 triệu đồng.
Theo quy định trước đây, số thu năm 2013, 2014 là hơn 7,7 tỷ đồng, được phân theo tỷ lệ 50% cho tỉnh để bảo trì hệ thống đường tỉnh; 50% cho huyện để bảo trì hệ thống đường huyện, xã. Riêng đối với số thu từ 1.1.2015 đến nay, Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh đã thống nhất để lại ngân sách huyện, thành phố để đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và duy tu, sửa chữa các đường giao thông thuộc địa bàn huyện, thành phố quản lý.
Môtô, xe máy là phương tiện chính của đa số người dân Tây Ninh. Ảnh minh hoạ |
“Việc giao toàn bộ số phí sử dụng đường bộ thu được từ xe môtô để lại cho địa phương đầu tư xây dựng nông thôn mới và duy tu sửa chữa các đường giao thông thuộc địa bàn huyện, thành phố quản lý sẽ khuyến khích các địa phương tăng cường công tác thu phí.
Đồng thời người dân đóng phí sẽ được hưởng lợi ích trực tiếp từ các công trình được đầu tư, bảo trì trên địa bàn”, một cán bộ Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh cho biết.
Thực tế, quá trình thu phí thời gian qua còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trước đây, theo quy định của Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính, không có quy định chế tài xử lý các trường hợp không kê khai, kê khai không đúng hoặc không đóng phí, nên nguồn thu năm 2013 trên địa bàn tỉnh đạt rất thấp.
Hiện nay, Thông tư số 133/2014/TT-BTC ngày 11/9/2014 của Bộ Tài chính (thay thế Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính), có quy định chế tài xử phạt các trường hợp không kê khai, kê khai không đúng hoặc không nộp phí sử dụng đường bộ. Tuy nhiên, việc xử phạt trong thực tế rất khó khăn, vì không có biện pháp cưỡng chế và chưa có địa phương nào thực hiện.
Đến nay, việc thu phí chưa được thực hiện đồng đều ở các địa phương, có nơi thu, nơi chưa thu, vì vậy tạo ra sự so bì nên còn tình trạng không ít người dân không đóng phí. Trong khi đó, việc chỉ đạo tổ chức thu phí sử dụng đường bộ của UBND cấp huyện chưa quyết liệt, nhiều địa phương chưa tích cực trong công tác thu phí sử dụng đường bộ.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông- Vận tải tỉnh Tây Ninh, gần đây, theo dự thảo Luật Phí và lệ phí đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến các địa phương để hoàn chỉnh trình Quốc hội, UBND tỉnh Tây Ninh đã đề nghị bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe môtô và phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.
Đồng thời, tại cuộc họp thường kỳ đánh giá về hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô.
Theo BTNO