Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021: Đa số các địa phương đều đảm bảo tỷ lệ cơ cấu kết hợp theo quy định

Thứ sáu - 08/04/2016 16:00 38 0
Theo báo cáo của Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2016 - 2021, đến ngày 7/4/2016 công tác triển khai bầu cử ở các địa phương đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về bầu cử, cơ bản đáp ứng yêu cầu về nội dung và tiến độ công việc triển khai bầu cử theo kế hoạch đã đề ra. Kết quả sau hiệp thương lần 2 đã lập danh sách sơ bộ những người tham gia ứng cử, phần lớn các địa phương đều đảm bảo tỷ lệ cơ cấu kết hợp theo quy định.

DSC_5880.JPG

Bà Phan Thị Điệp – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban bầu cử cung cấp thông tin về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Bà Phan Thị Điệp – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban bầu cử tỉnh cho biết, qua 2 tháng tổ chức thực hiện các hoạt động của công tác bầu cử, cơ bản đáp ứng yêu cầu về nội dung và tiến độ công việc triển khai bầu cử theo kế hoạch đã đề ra. Đến ngày 2/4, đã hoàn thành việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử theo quy định. UBND các xã, phường, thị trấn và lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh đã quyết định thành lập xong các tổ bầu cử. Tổng số Tổ bầu cử toàn tỉnh là 733 tương ứng với 733 khu vực bỏ phiếu được UBND cấp huyện phê duyệt.

Công tác tuyên truyền về bầu cử được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, cơ bản đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra. Hiện nay, hình thức tuyên tuyền chủ yếu được thực hiện thông qua các Hội nghị triển khai các văn bản quy định, hướng dẫn của Trung ương và địa phương về công tác bầu cử trong nội bộ cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận và Đoàn thể huyện và xã; công tác tuyên truyền ra dân được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Về công tác hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, trên cơ sở dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 do HĐND các cấp chuẩn bị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, huyện, xã đã tổ chức các bước hiệp thương, giới thiệu người ứng cử theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương.

Qua hiệp thương lần 2, Ủy ban MTTQVN các cấp đã thống nhất danh sách sơ bộ ứng cử viên đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã; hầu hết các địa phương đều đảm bảo tỷ lệ nữ, trẻ tuổi, người ngoài Đảng, dân tộc – tôn giáo, đại biểu tái cử...

Việc tiếp nhận và bàn giao hồ sơ của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đảm bảo đúng quy định (nhận hồ sơ ứng cử đến 17g ngày 13/3/2016). Ủy ban bầu cử các cấp đã thực hiện việc bàn giao hồ sơ ứng cử viên gồm Danh sách trích ngang của người ứng cử; bản sao Tiểu sử tóm tắt và Bản kê khai tài sản, thu nhập của những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 đến Ban thường trực UBMTTQVN các cấp.

Việc rà soát, lập danh sách cử tri được Ủy ban bầu cử tỉnh và Ủy ban bầu cử cấp huyện, xã quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Đến nay, các địa phương đã cơ bản thực hiện xong việc tổ chức khảo sát, rà soát, chốt danh sách cử tri. Trên cơ sở kết quả khảo sát, rà soát, các địa phương sẽ tiến hành việc niêm yết danh sách cử tri theo quy định, chậm nhất ngày 12/4/2016. Sơ bộ số cử tri toàn tỉnh đến thời điểm này là 889.056 cử tri.

Về kinh phí phục vụ bầu cử, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 614/QĐ-UBND, ngày 11 tháng 3 năm 2016 về việc ban hành quy định việc lập dự toán, sử dụng, quản lý và quyết toán kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Nội dung, định mức chi được quy định dựa trên nguyên tắc không làm tăng kinh phí so với đợt bầu cử 2011-2016, giảm kinh phí cấp tỉnh, đồng thời tăng kinh phí cho cấp xã.

Trong khi chờ tổng hợp dự toán chính thức, thì UBND tỉnh cũng đã có thông báo tạm ứng kinh phí cho các đầu mối trực tiếp tham gia phục vụ công tác bầu cử, với tổng số tiền là 12 tỷ đồng, trong đó mỗi huyện, thành phố được tạm ứng 01 tỷ đồng.

Bà Phan Thị Điệp cho biết thêm, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có một số mặt chưa được như, một số địa phương số lượng ứng cử viên sau hiệp thương lần hai không đảm bảo so với số lượng phân bổ; số ứng cử viên là nữ ở ở một xã chưa đảm bảo tỷ lệ quy định; ở một số xã, phường, thị trấn tỷ lệ ứng cử viên là người ngoài Đảng quá cao hoặc có nơi thấp hơn tỷ lệ quy định; tỷ lệ ứng cử viên là người trẻ tuổi có xã thấp hơn quy định, nhưng cũng có xã trên 60%. Một số tiểu ban, Uỷ ban bầu cử cấp huyện xây dựng và gửi báo cáo tiến độ, báo cáo định kỳ chưa đảm bảo nội dung và thời gian theo quy định.

Công tác tuyên truyền về bầu cử chưa nhiều, chưa đi vào chiều sâu, chủ yếu mới tập trung tuyên truyền thông qua Hội nghị, qua các phương tiện thông tin đại chúng, hình thức tuyên truyền chưa thật phong phú, chưa đến được với đông đảo người dân. Kinh phí thực hiện cho công tác bầu cử có chậm, đã phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác bầu cử của huyện nói riêng và các xã, thị trấn nói chung. Việc xây dựng và gửi báo cáo tiến độ, báo cáo định kỳ của các Tiểu ban bầu cử tỉnh, Ủy ban bầu cử cấp huyện chưa đảm bảo nội dung và thời gian theo quy định, nên Ủy ban bầu cử tỉnh gặp khó khăn nhất định trong việc tổng hợp báo cáo tiến độ, báo cáo định kỳ cho Trung ương theo quy định. 

Về kế hoạch thực hiện bầu cử đến ngày 22/5/2016, Bà Phan Thị Điệp cho biết, Uỷ ban Bầu cử tỉnh sẽ chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử, nhất là tuyên truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực quan bằng pa-nô, áp phích, các tài liệu hỏi- đáp về bầu cử. Các cơ quan chức năng phối hợp với đoàn thể các cấp tăng cường công tác tuyên truyền tại khu dân cư, ấp, tổ dân cư tự quản. Thực hiện niêm yết danh sách cử tri, thông báo đến cử tri biết, đồng thời  tiếp tục theo dõi cập nhật, điều chỉnh, bổ sung danh sách cử tri theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở ấn định, xác định khu vực bỏ phiếu, Ủy ban bầu cử cấp xã phối hợp cùng cơ quan chức năng tiến hành in danh sách và thẻ cử tri; cấp bổ sung thùng phiếu, con dấu bầu cử các loại theo đề nghị của các huyện, thành phố. Hoàn thành việc tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú đối với ứng cử viên; lấy ý kiến cử tri nơi công tác đối với ứng cử viên tự ứng cử.

Tập trung chỉ đạo, đôn đốc giải quyết và trả lời về các vụ việc khiếu nại, tố cáo đối với người ứng cử (chậm nhất ngày 12/4/2016), cũng như các vụ việc khiếu kiện có liên quan đến công tác bầu cử. Xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử cho các tổ chức phụ trách bầu cử nhất là các Tổ bầu cử.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chuẩn bị đầy đủ các nội dung để tổ chức tốt Hội nghị hiệp thương lần thứ 3, chậm nhất ngày 17/4/2016 và bàn giao danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử cho Ủy ban bầu cử cùng cấp (22/4/2016).

Ủy ban bầu cử các cấp lập và công bố chính thức danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp theo từng đơn vị bầu cử (27/4/2016); biên tập Tiểu sử tóm tắt của ứng cử viên các cấp. Thực hiện việc niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp tại khu vực bỏ phiếu. Tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau ngày bầu cử.

Tố Tuấn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây