Điều trị trẻ nhiễm HIV tại tỉnh nhà

Thứ ba - 11/03/2014 00:00 71 0
Việc trẻ nhiễm HIV trở về điều trị tại tỉnh nhà giúp gia đình các em tiết kiệm được chi phí đi lại và thuận tiện hơn trong việc chăm sóc các em. Tuy nhiên, việc tiếp nhận thêm đối tượng trẻ nhiễm HIV về chăm sóc, điều trị đã làm phát sinh nhiều khó khăn cho các cán bộ, nhân viên y tế làm việc tại phòng khám.

Công việc hằng ngày tại phòng khám ngoại trú.

Bác sĩ Huỳnh Văn Đệ - Phó trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tây Ninh kiêm quản lý phòng khám ngoại trú (PKNT) cho người nhiễm HIV/AIDS tại bệnh viện cho biết: Bắt đầu từ năm nay, PKNT của Bệnh viện tiếp nhận chăm sóc, điều trị cho khoảng 90 trẻ nhiễm HIV ở Tây Ninh.

Trước đây, những trẻ em bị nhiễm HIV ở tỉnh nhà đều được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, vài năm gần đây, số lượng trẻ nhiễm HIV đã trở nên quá tải, do đó cuối năm 2013, các em được phân tán về địa phương.

Từ đầu năm 2014, PKNT ở BVĐK tỉnh Tây Ninh đã tiếp nhận hồ sơ chăm sóc và điều trị cho 9 trẻ nhiễm HIV từ 4 đến 8 tuổi được đưa về từ Bệnh viện Nhi đồng 1, bên cạnh đó vẫn phải tiếp tục chăm sóc, điều trị HIV/AIDS cho đối tượng người lớn.

Số lượng trẻ nhiễm tiếp nhận sẽ tăng dần vào mỗi tháng để đến cuối năm thì hoàn thành việc tiếp nhận tất cả trẻ nhiễm. Mỗi tháng, các em đến PKNT tái khám và nhận thuốc một lần. Đến nay, cả 9 em nói trên đã được tái khám và nhận thuốc 2 lượt trong tháng 1 và tháng 2.

Việc trẻ nhiễm HIV trở về điều trị tại tỉnh nhà giúp gia đình các em tiết kiệm được chi phí đi lại và thuận tiện hơn trong việc chăm sóc các em. Tuy nhiên, việc tiếp nhận thêm đối tượng trẻ nhiễm HIV về chăm sóc, điều trị đã làm phát sinh nhiều khó khăn cho các cán bộ, nhân viên y tế làm việc tại phòng khám. Theo bác sĩ Đệ, PKNT của BVĐ tỉnh khá chật hẹp trong khi lượng người nhiễm đến điều trị ngày một đông làm cho công tác tư vấn, điều trị gặp không ít trở ngại.

PKNT hiện đang quản lý 1.041 ca nhiễm HIV, trong đó có 540 ca đang điều trị bằng thuốc ARV, số còn lại đang theo dõi điều trị, chưa kể số lượt người nghi nhiễm HIV đến tư vấn, xét nghiệm. Mỗi tuần, PKNT mở cửa từ thứ hai đến thứ sáu, trung bình mỗi ngày có hơn 40 lượt người đến để được khám, tư vấn và cấp thuốc. Trong khi đó, tất cả cán bộ phụ trách PKNT đều kiêm nhiệm, vừa làm công việc chính của bệnh viện vừa phụ trách PKNT.

Để chuẩn bị cho việc tiếp nhận điều trị cho trẻ nhiễm HIV, PKNT đã chuẩn bị thêm một số vật dụng, thiết bị khám bệnh dành cho trẻ. Các cán bộ y tế phụ trách cũng được tập huấn kiến thức về cách chăm sóc trẻ nhiễm HIV.

Cô Phạm Thị Kim Dung - nhân viên tư vấn, theo dõi và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại đây cho biết, trẻ em cũng phải được điều trị bằng thuốc ARV như người lớn nhưng cách chăm sóc trẻ đòi hỏi sự tỉ mỉ hơn. Các em được lập phác đồ điều trị, lượng thuốc ARV điều trị tuỳ theo lứa tuổi, cân nặng, chiều cao mỗi tháng. Để phù hợp với lứa tuổi của các em, thuốc cũng có dạng sirô hoặc dạng viên giúp các em dễ uống hơn.

Việc điều trị đòi hỏi sự hợp tác của gia đình các em, vì người thân của các em chính là người giữ thuốc và cho các em uống theo liều lượng chỉ định, tăng cường sinh dưỡng cho các em… Công tác tư vấn, tâm lý cho trẻ nhiễm cũng rất quan trọng. Trẻ không được biết bệnh của mình cho đến khi tới tuổi dậy thì. Khi đến thời điểm cần thiết, người thân và cán bộ y tế sẽ tư vấn, giúp các em chấp nhận bệnh của mình.

Trẻ nhiễm HIV nếu đều trị sớm theo đúng quy tắc, liều lượng có thể kéo dài được sự sống, phát triển như trẻ bình thường và vẫn có thể đến trường học tập. Cũng theo bác sĩ Đệ, khó khăn trước mắt là tìm được nguồn hỗ trợ cho các em về bảo hiểm y tế (trẻ trên 6 tuổi), chi phí đi lại tái khám, chi phí xét nghiệm cơ bản, hỗ trợ dinh dưỡng… vì hầu hết trẻ nhiễm HIV đều có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn; có em mồ côi cha hoặc mẹ, mồ côi cả cha lẫn mẹ, lại có trường hợp cả gia đình cùng nhiễm HIV. Do đó sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội từ thiện, các nhà mạnh thường quân là hết sức cần thiết.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây