Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa

Thứ hai - 13/10/2014 00:00 68 0
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa Nguyễn Thị Thu Thủy vừa có kết luận Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống lụt bão (PCLB) năm 2013 và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ PCLB năm 2014 hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa.

 

 

Theo đó, năm 2013, Thường trực Ban chỉ huy đã phối hợp tốt với các thành viên Ban chỉ huy và các địa phương thực hiện tốt việc tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ. Năm 2014, Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão công trình thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa yêu cầu Thường trực Ban chỉ huy và Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) các tỉnh, thành, các Sở, ngành của các địa phương liên quan phối hợp nhịp nhàng, khoa học, thực hiện nghiêm việc tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2014.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến bão, lũ phức tạp thường xảy ra bất ngờ nhất là vào ban đêm, để giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản và tính mạng của người dân phía hạ du, vai trò của chính quyền địa phương hết sức quan trọng. Vì vậy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh - Trưởng chỉ huy phòng, chống lụt, bão công trình thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa đề nghị Ban chỉ huy PCLB&TKCN của các địa phương nâng cao tinh thần cảnh giác trực ban 24/24h, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống để giảm thiểu mức thấp nhất do thiên tai, bão lũ gây ra.

Thường trực Ban chỉ huy Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng- Phước Hòa thường xuyên kiểm tra tình trạng an toàn của hồ Dầu Tiếng, hồ Phước Hòa và hệ thống kênh chính Đông, kênh chính Tây, kênh dẫn Phước Hòa. Xử lý ngay các hư hỏng và các nguy cơ gây hư hỏng, kịp thời báo cáo cho Bộ NN&PTNT và các đơn vị liên quan để có biện pháp xử lý kịp thời; phải thường xuyên theo dõi, phối hợp chặt chẽ với các Đài khí tượng thủy văn trong khu vực để nắm chắc diễn biến khí tượng thủy văn trong lưu vực, thực hiện điều tiết hồ theo đúng quy trình vận hành tạm thời, ban hành năm 2000.

Toàn bộ vật tư, trang bị phòng, chống lụt bão của Công ty chuẩn bị phải đúng số lượng, chất lượng và tập kết tại các vị trí đã quy định như trong báo cáo, phải được kiểm tra thường xuyên về số lượng và chất lượng để khi có bất trắc xảy ra là sử dụng được ngay. Thường trực Ban chỉ huy Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa Trực tổ chức trực ban theo quy định.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa giao các đơn vị quân đội gồm Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh, Sư đoàn 9- Quân đoàn 4, Sư đoàn 5, Lữ đoàn công binh 25- Quân khu 7 căn cứ theo nhiệm vụ hợp đồng tác chiến với thường trực Ban chỉ huy PCLB công trình chuẩn bị các phương án huấn luyện, khi công trình có sự cố là huy động được ngay; Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh chủ động làm việc với các đơn vị quân đội có liên quan để đặt các kho chứa vật tư, phương tiện, trang thiết bị PCLB tại Tây Ninh để khi có sự cố đưa ra sử dụng kịp thời.

Đồng thời, Công an tỉnh Tây Ninh phải chủ động các phương án bố trí các lực lượng, phương tiện đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong khu vực hồ nước Dầu Tiếng. Tham gia ứng cứu sự cố công trình và cứu hộ, cứu nạn nhân dân trong vùng ngập lụt. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Dương Minh Châu, huyện Tân Châu tăng cường công tác tuần tra xử lý nghiêm việc đánh bắt thủy sản bằng lưới cào, lưới xanh, lưới vét, chích điện và các ngư cụ cấm nhằm bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản trong lòng hồ Dầu Tiếng.

Sở Giao thông Vận tải Tây Ninh triển khai phương án, kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng phương tiện (phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy), lực lượng đảm bảo giao thông thông suốt, ứng cứu trong mọi tình huống khi công trình xảy ra sự cố. Rà soát lại số phương tiện vận tải có trên địa bàn tỉnh để khi cần là huy động được ngay.

Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước kiểm tra sửa chữa thường xuyên hệ thống truyền, phát sóng đảm bảo thông tin thông suốt 24/24h trong mùa lũ, tăng cường phủ sóng vô tuyến tại khu vực hồ Dầu Tiếng và hồ Phước Hòa để  bảo đảm thông tin chỉ đạo trong công tác PCLB.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính Tây Ninh cân đối, ưu tiên bố trí vốn, đồng thời tham mưu bố trí ngân sách dự phòng để hỗ trợ khi công trình xảy ra sự cố. Và Sở Y tế Tây Ninh có kế hoạch đảm bảo dự trữ và chuẩn bị vật tư, thuốc men, thiết bị y tế; Bác sỹ, y tá, điều dưỡng; nhiên liệu, hàng hóa, lương thực, thực phẩm cần thiết để đảm bảo điều kiện sinh hoạt, đời sống tạm thời cho nhân dân, xử lý vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh khi sự cố công trình xảy ra.

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, Trung tâm khí tượng thủy văn Tây Ninh; Bình Phước phối hợp cung cấp kịp thời các thông tin về mưa lũ, các dự báo sớm, liên tục kịp thời về khí tượng thủy văn trên lưu vực và trong hệ thống cho thường trực Ban chỉ huy PCLB công trình.

Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và Long An kiểm tra phương tiện, vật tư lực lượng xung kích tham gia PCLB, sẵn sàng ứng cứu khi công trình có sự cố. Có kế hoạch hướng dẫn nhân dân trong vùng bị ngập, phòng tránh khi hồ phải xả lũ theo cấp lưu lượng đã được hoạch định trong chỉ giới hành lang thoát lũ hạ du sông Sài Gòn. Chủ động triển khai kế hoạch sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp, các phương án triển khai phù hợp với tình hình tự nhiên, xã hội của địa phương vùng bị ảnh hưởng.

Công ty Điện lực Tây Ninh, Bình Dương kiểm tra, sửa chữa hệ thống đường dây truyền tải điện, đảm bảo hoạt động thông suốt và cung cấp điện 24/24h trong mùa lũ phục vụ công tác vận hành và bảo vệ công trình đầu mối Dầu Tiếng, đầu mối hồ Phước Hòa.

Ban chỉ huy quân sự, Công an huyện Dương Minh Châu và Đồn Công an Bảo vệ hồ nước phải thực hiện nghiêm chế độ tuần tra canh gác bảo vệ tuyệt đối an ninh, trật tự cho công trình. Đối với các kiến nghị của Công an hồ nước, đề nghị Công an hồ nước có văn bản đề xuất cụ thể gửi Công an tỉnh Tây Ninh để xem xét, giải quyết.

UBND các huyện Dương Minh Châu, Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; UBND huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương triển khai ngay kế hoạch PCLB trên địa bàn, kiểm tra phương tiện, vật tư và chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng cứu khi công trình phải xả lũ lớn.

Hồ Dầu Tiếng có quy mô lớn nhất nước ta và đang trong quá trình xét đưa vào danh mục công trình liên quan đến an ninh Quốc gia. Nhiệm vụ chính là cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, phục vụ sinh hoạt, phòng lũ, cải tạo môi trường và chống xâm nhập mặn cho hạ du sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông thuộc các tỉnh Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Long An. Do vậy, công tác PCLB công trình luôn là nhiệm vụ trọng tâm, với mục tiêu đảm bảo công trình tuyệt đối an toàn trong mùa mưa lũ.

Hoàng Mai

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây