Ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Phó trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị. |
Dự hội nghị có ông Đoàn Thanh Chung- Chi cục trưởng Chi cục PCTT khu vực miền Nam, ông Mai Hùng Dũng- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương cùng đại diện các sở, ban ngành TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Long An, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh.
Công trình hồ chứa nước Dầu Tiếng là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và là hệ thống thủy nông có quy mô lớn nhất nước. Nhiệm vụ chính của hệ thống công trình là cấp nước phục vụ sản xuất cho nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, chống xâm nhập mặn và cải thiện môi trường cho hạ du sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An và TP.Hồ Chí Minh.
Kết thúc mùa mưa 2016, hồ Dầu Tiếng tích nước đạt đến cao trình 24,67 m, với dung tích nước cao hơn so với thiết kế là 62,64 triệu m3. Năm qua, tình hình mưa lũ và diễn biến xâm nhập mặn ở hạ du hết sức phức tạp, lượng nước về hồ từ ngày 1.10 trở đi luôn vượt quy trình. Để tránh xảy ra sự cố, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà đã phối hợp với Ban chỉ huy PCTT-TKCN TP.Hồ Chí Minh vận hành điều tiết hạ thấp mực nước hồ Dầu Tiếng theo quy trình. Lưu lượng xả tối đa là 300m3/s, không xả lũ vào những thời điểm xảy ra triều cường.
Về công tác PCTT-TKCN, năm 2016, hệ thống công trình đảm bảo an toàn tuyệt đối, tích và cấp đủ nước cho các địa phương.
Tại hội nghị, đại biểu đã phát biểu ý kiến xung quanh công tác bảo vệ hồ, đảm bảo hồ chứa nước an toàn, đủ nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của các tỉnh nói trên.
Cụ thể, đại diện TP.Hồ Chí Minh đề nghị Bộ NN&PTNN cần điều chỉnh, bổ sung quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai theo Quyết định 471 của Thủ tướng Chính phủ; ngành Khí tượng Thủy văn cần có dự báo tương đối chính xác để làm cơ sở vận hành, điều tiết nước cho hợp lý.
Hồ Dầu Tiếng. |
Về công tác bảo vệ an ninh trật tự hồ chứa nước, đại diện Công an Tây Ninh đề nghị cần sớm có quy chế phối hợp giữa công an các địa phương có hồ là huyện Hớn Quản của tỉnh Bình Phước, huyện Dầu Tiếng của Bình Dương và 2 huyện Tân Châu, Dương Minh Châu của Tây Ninh. Việc ký kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi và chủ động hơn trong công tác ngăn chặn tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự cho hồ…
Ngoài ra, yêu cầu trang bị thêm các thiết bị quan trắc cảm ứng cảm biến về lún, thấm… để có cơ sở đề ra kế hoạch ứng phó kịp thời cũng là một trong những nội dung được quan tâm tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến nhấn mạnh, mục tiêu trong năm 2017 vẫn là đảm bảo hồ chứa an toàn, tích đủ nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất của hồ Dầu Tiếng.
Ông Chiến lưu ý, theo dự báo, những cơn bão và áp thấp nhiệt đới vào những tháng cuối năm có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Nam bộ. Do đó, Ban chỉ huy PCTT-TKCN của công trình đề nghị Ban chỉ huy PCTT-TKCN các địa phương trực ban 24/24h, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra; thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà cần khẩn trương xây dựng phương án bảo vệ hồ theo danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, thường xuyên kiểm tra tình hình an toàn của hồ.
Các địa phương phải có phương án và chủ động triển khai kế hoạch sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp. Riêng UBND huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương cần hỗ trợ Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà giải quyết triệt để tình trạng nuôi cá bè trên mặt hồ.
Theo Báo Tây Ninh Online