Ông Bùi Công Sơn- Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Tây Ninh: Phát triển hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và góp phần kéo giảm tai nạn giao thông

Thứ hai - 30/11/2015 10:00 57 0
Để nhìn lại thành quả phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian qua, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Bùi Công Sơn- Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải Tây Ninh.

 

Ông Bùi Công Sơn - Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải Tây Ninh.

Xác định tầm quan trọng của việc đầu tư hạ tầng giao thông, Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ IX đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/ĐH ngày 11.9.2010 và UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu:

“Huy động tối đa nguồn lực đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là đồng bộ cầu, đường; tạo sự chuyển biến tích cực trong đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chủ yếu; đầu tư có trọng điểm, trọng tâm cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh phát tiển hạ tầng giao thông, xác định giao thông là một trong những động lực, khâu đột phá thúc đẩy kinh tế phát triển…”.

Để nhìn lại thành quả phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian qua, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Bùi Công Sơn- Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải Tây Ninh.

*Phóng viên: Xin ông cho biết việc phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian qua đạt kết quả như thế nào?

-Ông Bùi Công Sơn: Ở bất kỳ quốc gia nào, hay địa phương nào, để phát triển kinh tế - xã hội thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông là việc cần phải đi trước. Đối với Tây Ninh- một tỉnh biên giới, thì phát triển hạ tầng giao thông nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh- quốc phòng, làm thay đổi diện mạo nông thôn, đồng thời góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.

Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã đầu tư 45 dự án với tổng vốn đã bố trí 3.275 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từ 2014 đến nay, các địa phương đã đầu tư trên 200km đường huyện và trên 660km đường xã, với tổng vốn 1.275 tỷ đồng.

Trong 5 năm qua, được UBND tỉnh giao, Sở GTVT đã đầu tư hoàn thành nhiều công trình trọng yếu của tỉnh, kết nối với các trục đường chính như: đường Xuyên Á, đường QL22B, đường ĐT 785... Hệ thống hạ tầng giao thông ngoài các khu công nghiệp, khu kinh tế đã được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh, kết nối giao thông giữa các vùng và các tỉnh lân cận.

Các tuyến ĐT 782-784, ĐT 787A, ĐT 786, ĐT 781, ĐT 786, đường Bình Dương… được nâng cấp, mở rộng, đã góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị và kết nối trung tâm các huyện với thành phố Tây Ninh…

Tính đến thời điểm hiện tại, mạng lưới đường bộ toàn tỉnh hiện có tổng chiều dài là hơn 8.180km. Trong đó, đường quốc lộ 2 tuyến, dài hơn 111km bê tông nhựa (BTN) đạt tiêu chuẩn đường cấp II, III; đường tỉnh dài 759km- có 713km đã được nhựa hoá, còn lại 46km là đường cấp phối sỏi đỏ; đường huyện dài 1.070km, trong đó 416km đã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá, còn lại là đường cấp phối sỏi đỏ và đất;

Đường trục chính đô thị dài gần 211km, có 72km đã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá; đường xã dài 2.647km, trong đó có 406km đã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá; đường ấp, xóm, nội đồng có chiều dài 3.386km, chủ yếu là đường đất, một số ít là đường sỏi đỏ.

*Phóng viên: Theo ông, việc phát triển hạ tầng giao thông có góp phần kéo giảm tai nạn giao thông không?

-Ông Bùi Công Sơn: Để kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông thì cần phải có rất nhiều giải pháp tổng hợp, trong đó cơ sở hạ tầng giao thông tốt là một trong những giải pháp để hạn chế tai nạn giao thông.

Qua 5 năm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2011-2015, thực tế cho thấy, tai nạn giao thông năm sau luôn giảm hơn năm trước cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết, số người bị thương.

Cụ thể: năm 2011 toàn tỉnh xảy ra 1.276 vụ, làm chết 236 người, bị thương 1.704 người; năm 2012 xảy ra 517 vụ, làm chết 169 người, bị thương 632 người; năm 2013 xảy ra 405 vụ, làm chết 137 người, bị thương 460 người; năm 2014 chỉ xảy ra 243 vụ, làm chết 115 người, bị thương 222 người.

Riêng 11 tháng năm 2015, toàn tỉnh xảy ra 186 vụ, làm chết 81 người, bị thương 207 người. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 48 vụ, giảm 30 người chết, giảm 9 người bị thương.

*Phóng viên: Người dân cho rằng, hạ tầng giao thông trên địa bàn vẫn còn những hạn chế nhất định. Theo ông thì sao?

-Ông Bùi Công Sơn: Hạ tầng giao thông đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh, vì vậy vẫn còn một số hạn chế. Chẳng hạn như: một số cầu trên một số tuyến đường chưa được đầu tư nâng cấp đạt tải trọng để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hoá;

Nhiều tuyến đường xuống cấp, hư hỏng chưa được đầu tư nâng cấp kịp thời, gây khó khăn cho người tham gia giao thông; hệ thống thoát nước chưa được đầu tư hoặc đầu tư chưa hoàn chỉnh suốt tuyến, vì vậy chưa giải quyết triệt để việc thoát nước vào mùa mưa, còn xảy ra tình trạng ngập cục bộ khi mưa lớn, gây mất an toàn giao thông và hư hỏng công trình đường bộ.

Ngoài ra, hệ thống bảo đảm an toàn giao thông chưa được đầu tư đầy đủ, trong đó đèn chiếu sáng chỉ đầu tư từng đoạn qua các khu đông dân cư, đèn tín hiệu chỉ đầu tư tại các giao lộ lớn. Tình trạng lấn chiếm và tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ chưa được xử lý triệt để, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến công trình đường bộ.

 

 Thi công đường đi bến Cây Dương (xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành). Ảnh: Sông Ninh.

*Phóng viên: Định hướng phát triển của ngành GTVT tỉnh nhà trong thời gian tới tập trung vào những vấn đề trọng tâm nào, thưa ông?

-Ông Bùi Công Sơn: Đối với hoạt động vận tải, ngành tiếp tục siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Trong đó chú trọng điều kiện về kinh doanh vận tải của các tổ chức, cá nhân; kiểm soát được tải trọng phương tiện hàng hoá để góp phần bảo đảm ATGT và giữ gìn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông.

Tiếp tục phát huy các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông của những năm qua. Chú trọng công tác bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông hiện có, bảo đảm tính kịp thời, lâu dài; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông và an toàn giao thông.

Chú trọng đầu tư giao thông vận tải đường thuỷ nội địa, có giải pháp xử lý lục bình hiệu quả để thông thoáng luồng tàu chạy nhằm nâng cao khả năng khai thác vận tải đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh, nhất là sông Vàm Cỏ Đông.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đào tạo sát hạch lái xe để nâng cao chất lượng đào tạo. Hoàn thành việc đổi giấy phép lái xe từ mẫu cũ sang dạng thẻ Pet theo lộ trình của Bộ GTVT.

Bên cạnh đó, ngành xây dựng hoàn thành các dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để dần hoàn thiện mạng lưới đường giao thông của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng. Chú trọng đầu tư các dự án phục vụ phát triển kinh tế biên mậu và giao thông đối ngoại (kết nối với các tỉnh lân cận).

Dự kiến tổng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông giai đoạn 2016-2020 là 8.793 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh là 3.166 tỷ đồng, vốn từ nguồn thu hạ tầng cửa khẩu là 762 tỷ đồng, vốn Trung ương hỗ trợ mục tiêu là 2.925 tỷ đồng, vốn kêu gọi đầu tư PPP (hợp tác công tư) là 1.940 tỷ đồng.

*Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

 

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây