Nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của lãnh đạo các cấp theo dõi quá trình giải quyết các công việc liên quan đến thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là nền tảng cho công tác cải cách hành chính, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh trong thời gian tới.
Tính đến thời điểm hiện nay, hệ thống phần mềm một cửa điện tử đã triển khai cho 72% đơn vị cấp tỉnh, 100% UBND cấp huyện, 100% UBND cấp xã để thực hiện tiếp nhận và quản lý tất cả các hồ sơ theo thủ tục hành chính thuộc tất cả các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.
Việc ứng dụng CNTT vào các bộ phận Một cửa điện tử là yêu cầu khách quan, thúc đẩy phát triển CPĐT ở nước ta. Các hệ thống Một cửa điện tử không làm thay đổi bản chất “một cửa, một cửa liên thông” mà còn thúc đẩy cơ chế này hiệu quả hơn trong cải cách thủ tục hành chính.
Vấn đề khó khăn, phức tạp nhất trong cơ chế Một cửa điện tử là phải tạo được mối quan hệ liên thông giữa các cơ quan, đơn vị khi tham gia vào quy trình giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm cho chu trình thực hiện một cách đồng bộ, liên hoàn, tạo thành luồng công việc giữa các cơ quan, các cấp có thẩm quyền; phải gắn và quy được trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan tham gia trong mỗi khâu của chu trình. Để giải quyết các khó khăn trên, cần phải xây dựng được quy trình thực hiện các giao dịch hành chính “sau Một cửa”, nhằm đảm bảo tính thông suốt, đơn giản, gọn nhẹ và có khả năng theo dõi từ khâu đầu đến khâu cuối của chu trình.
Việc ứng dụng CKS vào chu trình này và công đoạn nhận, trả kết quả sẽ nâng cao hiệu quả cho hệ thống Một cửa điện tử, bởi vì trong chu trình giải quyết các công việc “sau Một cửa” sẽ được phân thành các công đoạn và được giao cho từng bộ phận hoặc cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện.
Để phân công và quy trách nhiệm cho mỗi cá nhân, bộ phận tham gia trong công đoạn này (như: bộ phận thực hiện công đoạn, thời điểm bàn giao hồ sơ điện tử giữa các cá nhân/ bộ phận, thời gian thực hiện, tính đầy đủ của hồ sơ điện tử, nội dung đã thực hiện...) thì sử dụng CKS sẽ là phương án hiệu quả hiện nay; Quá trình xử lý hồ sơ điện tử của người dân, doanh nghiệp sẽ có công đoạn cần cấp có thẩm quyền phê duyệt, khi đó phải sử dụng CKS chuyên dùng Chính phủ; Khi hệ thống hành chính công cung cấp dịch vụ cấp độ 3 và 4, việc kê khai thủ tục hành chính và tiếp nhận kết quả của người dân, doanh nghiệp sẽ được thực hiện từ xa. Do đó, cần có phương thức xác thực trên mạng đối với các giao dịch điện tử ngay từ khâu kê khai thủ tục hành chính và khâu trả kết quả.
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được từ việc ứng dụng chữ ký số, nâng cao năng lực, hiệu quả, công khai, minh bạch, độ tin cậy trên các hệ thống thông tin của tỉnh, trong năm 2017, chức năng ký số đã được tích hợp trên hệ thống một cửa điện tử.
Việc ứng dụng hệ thống một cửa điện tử trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ tổ chức, cá nhân của cơ quan nhà nước được xem là giải pháp hiệu quả, tăng cường năng lực phục vụ, hướng đến công khai, minh bạch, đơn giản, rõ ràng và đúng pháp luật.
Theo các văn bản pháp luật hiện nay, CKS đã được công nhận về tính pháp lý trong các giao dịch điện tử. Đây là cơ sở để triển khai các dịch vụ cho CPĐT và thương mại điện tử. Đến nay, việc triển khai, ứng dụng CKS chuyên dùng Chính phủ trong các cơ quan nhà nước đã đầy đủ về tính pháp lý. Bên cạnh đó, Ban Cơ yếu Chính phủ đã đảm bảo đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cũng như đội ngũ cán bộ chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật cho dịch vụ này.
Kiều Oanh