Ứng dụng CNTT vẫn "đau đầu" chuyện vốn và nhân lực

Thứ hai - 17/12/2012 00:00 105 0
Việc ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước ở Bình Phước và Tây Ninh đang gặp khó khi thiếu nguồn kinh phí để triển khai dự án, nguồn nhân lực thiếu các cán bộ chuyên trách về CNTT ở cấp huyện và chính sách bồi dưỡng cho cán bộ CNTT vẫn chưa có.

Hệ thống 1 cửa ở huyện Chơn Thành tỉnh Bình Phước đã hoạt động 2 tháng nhưng vẫn chưa được nghiệm thu vì chưa thể giải ngân hết vốn

 

 

Đó là những điều mà lãnh đạo của 2 tỉnh Bình Phước và Tây Ninh phản ánh với Đoàn công tác của ban điều hành triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, do ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT làm trưởng đoàn, khi đến làm việc với các tỉnh này trong 2 ngày 6/12 – 7/12/2012

Thiếu vốn và nguồn nhân lực

Tại cả 2 buổi làm việc Đoàn đã được nghe đại diện Sở TT&TT các tỉnh báo cáo về công tác ứng dụng CNTT trên địa bàn trong thời gian qua và kế hoạch năm 2013 sắp tới. Theo đó, cả Bình Phước và Tây Ninh đều đạt nhiều kết quả đáng khích lệ từ việc ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, như: cơ sở hạ tầng được đầu tư tốt, triển khai thành công các phần mềm cổng thông tin điện tử, một cửa điện tử, công tác trao đổi văn bản điều hành được chú trọng, hệ thống họp trực tuyến được triển khai đến cấp huyện…

Mặc dù đạt nhiều kết quả như cao, nhưng ông Nguyễn Sĩ Thắng, Giám đốc Sở TT&TT, Phó ban chỉ đạo CNTT tỉnh Bình Phước cho biết, việc triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó đặc biệt là nguồn vốn và nguồn nhân lực. Theo đó, hiện nguồn vốn dành cho CNTT tại tỉnh đang được cấp từ nguồn chi cho Khoa học công nghệ (KHCN) hàng năm, chứ không có nguồn chi riêng cho CNTT nên rất khó khăn trong vấn đề triển khai các dự án. Chẳng hạn, hệ thống một cửa tại huyện Chơn Thành của tỉnh mặc dù đã hoạt động 2 tháng nay, nhưng vẫn chưa thể nghiệm thu được do các cơ quan chức năng không thống nhất được việc chi từ nguồn nào dẫn đến giải ngân vốn rất chậm. Về nguồn nhân lực thì chưa có các chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích tạo điều kiện cho họ làm việc tốt hơn khiến đời sống gặp khó khăn, cán bộ chuyên trách CNTT từ cấp huyện chưa có cơ chế, dẫn đến rất thiếu người thực hiện…Vì thế tỉnh mong nhận được sự hỗ trợ từ Trung Ương để giải quyết vấn đề này.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, dùng thử hệ thống một cửa tại huyện Chơn Thành, Bình Phước

Cũng giống như Bình Phước, theo ông Phan Thành Thắm, Giám đốc Sở TT&TT của tỉnh Tây Ninh cho biết, nguồn vốn ngân sách chi cho ứng dụng CNTT vẫn còn là vấn đề tranh cãi, khiến cho việc đầu tư không đồng bộ, dàn trải. Ngân sách chi riêng cho CNTT vẫn chưa có vẫn phải lấy từ nguồn chi cho KHCN, tuy nhiên phía KHCN lại cho rằng đây là nguồn ngân sách của họ, nên chi cho CNTT là không đúng, chỉ khi nào dư mới chi cho CNTT nên xảy ra tình trạng khó khăn trên.

Ngoài ra ông Trần Lưu Quang, Ủy viên dự khuyến Trung Ương Đảng, Phó chủ tịch kiêm Trưởng ban chỉ đạo CNTT của tỉnh Tây Ninh cũng đưa ra 2 vấn đề khó khăn lớn mà tỉnh này đang gặp phải, đó là việc xin hỗ trợ cơ chế về biên chế về cán bộ chuyên trách CNTT ở các huyện hiện vẫn chưa có quy định, hiện cán bộ chuyên trách tại cấp này đa số do cán bộ phòng văn hóa thông tin kiêm nhiệm và trình độ cũng hạn chế, bên cạnh đó chế độ đãi ngộ cho cán bộ chuyên trách về CNTT  ở tỉnh  mặc dù cũng đã xây dựng chính sách, nhưng vẫn chưa thể triển khai được do phải chờ ở Trung Ương.

Sẽ hỗ trợ đắc lực cho các tỉnh

Tại các buổi làm việc, Đoàn công tác cũng đã tiến hành giải đáp các vấn đề thắc mắc mà các tỉnh đặt ra. Riêng vấn đề về nguồn ngân sách chi cho CNTT, bà Đặng Thị Xuân, chuyên viên Vụ kết cấu hạ tầng và đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng giải thích rõ cho các tỉnh. Theo bà Xuân, trong năm 2010 khi ra quyết định 60 về ban hành vốn, đúng là có bất cập khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định vốn CNTT nằm trong vốn vì sự nghiệp KHCN. Tuy nhiên, bất cập đó đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận ra và từ năm 2011 đến 2012, Bộ đã chuyển 200 tỉ từ vốn sự nghiệp KHCN sang vốn ngành TT&TT và năm 2013 Bộ cũng đã quyết định tiếp tục chuyển 380 tỉ từ KHCN sang cho TT&TT. Như vậy, mặc dù quy định 60 chưa sửa đổi, nhưng các dự án CNTT ở cấp TW đều dùng vốn của ngành TT&TT trong 3 năm nay.

Về phía địa phương, mặc dù chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, nhưng bà Đặng Thị Xuân cho biết, lãnh đạo địa phương hoàn toàn có thể chủ động việc chi ngân sách này. Cụ thể, tất cả các dự án CNTT muốn đầu tư phát triển thì làm quy trình như dự án đầu tư phát triển vẫn có phê duyệt, thẩm định với định mức của CNTT, sau đó bố trí vốn, chứ không phải bắt buộc phải sử dụng nguồn vốn sự nghiệp KHCN bằng cách biến các dự án CNTT thành đề tài KHCN để làm, bởi việc này hoàn toàn chủ động được.

Về vấn đề nguồn nhân lực và chính sách hỗ trợ cho cán bộ công chức, viên chức chuyên trách về CNTT, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng cục ứng dụng CNTT, cho biết, tại nghị định 64/2007/NĐ-CP về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước cũng đã có mở đường cho việc này, tỉnh gửi công văn về cục UD CNTT sẽ được hướng dẫn để thực hiện.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Hồng thứ trưởng Bộ TT&TT đã đánh giá cao công tác ứng dụng CNTT tại Bình Phước  và Tây Ninh, ông vui mừng khi công tác này được lãnh đạo tỉnh quan tâm và thúc đẩy phát triển. Bên cạnh đó Thứ trưởng cũng mong địa phương tiếp tục cố gắng triển khai công tác ứng dụng đạt hiệu quả  và đồng bộ hơn. Những khó khăn mà các tỉnh gặp phải và kiến nghị, Bộ TT&TT sẽ cùng cục ứng dụng CNTT nghiên cứu và hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn cho tỉnh thực hiện một cách đắc lực. Bộ TT&TT cùng cục ứng dụng CNTT sẽ tư vấn cho tỉnh những cái nào có thể làm ngay trước mắt, cũng như phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ những vướng mắc lâu dài sau này.

Theo ICTnews

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây