Ứng phó với Biến đổi khí hậu: Phải thay đổi từ nhận thức của từng cá nhân trong cộng đồng

Thứ tư - 11/06/2014 00:00 49 0
Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại, sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới.

Theo đó là các hệ lụy đến an ninh toàn cầu trên các mặt như: năng lượng, lương thực, xã hội, việc làm, ngoại giao, văn hóa, kinh tế, thương mại, đời sống, sức khỏe con người...

Ở Việt Nam, những năm gần đây, biến đổi khí hậu càng hiện hữu khi mà tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường.

Theo đánh giá của Đoàn giám sát Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội mới đây cho thấy, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc thực hiện các chính sách về BĐKH chưa đạt kết quả cao là do nhận thức về BĐKH của cộng đồng còn hạn chế và phiến diện, mới chỉ quan tâm nhiều đến các tác động tiêu cực mà BĐKH gây ra mà chưa quan tâm đúng mức tới việc thay đổi lối sống, mẫu hình sản xuất và tiêu thụ theo định hướng cácbon thấp, tăng trưởng xanh.

Để giảm tác động biến đổi khí hậu (BĐKH) và thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng ta cần sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng (điện, xăng dầu, than củi,…) cùng các tài nguyên (nước ngọt, rừng, tài nguyên sinh học, khoáng sản…) trong sản xuất và sinh hoạt.

Ngăn chặn nạn phá rừng, tích cực trồng và chăm sóc rừng là một yếu tố không thể thiếu cho cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.

Chuyển đổi sang các mô hình sản xuất và sinh hoạt thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, sinh thái mới. Sử dụng các giống cây trồng vật nuôi có khả năng chịu mặn cao, các giống ngắn ngày tránh lũ, xây dựng các mô hình nhà tránh lũ, tham gia bảo hiểm sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp trước các thảm họa về biến đổi khí hậu… 

Ngoài ra, các cấp có thẩm quyền cần dành nguồn ngân sách thích đáng để xây dựng các hệ thống thông tin về môi trường và kêu gọi sự tham gia của người dân vào các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Xây dựng chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động của các cơ quan truyền thông đại chúng và các tổ chức xã hội để tận dụng tốt vai trò cầu nối giữa các tổ chức này với các cơ quan nhà nước và cộng đồng trong mọi hoạt động ứng phó với BĐKH.   

MN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây