Định hướng phát triển du lịch Tây Ninh đến năm 2020

Thứ bảy - 08/02/2014 00:00 64 0
Tây Ninh là tỉnh có tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch do có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh.

Tây Ninh là tỉnh có tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch do có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh như: di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam - nơi trú đóng của các cơ quan đầu não trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ; hồ Dầu Tiếng - công trình thuỷ lợi lớn nhất Đông Nam Á, được xem là hòn ngọc xanh của Tây Ninh, rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí...  So với những tỉnh khác, Tây Ninh có khá nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được phát huy đúng mức và cần phải tìm hướng đi mới cho du lịch Tây Ninh phát triển.

Theo Nghị quyết số 29/2013/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành ngày 29/8/2013 về quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng năm 2030, tỉnh Tây Ninh có 12 dự án kêu gọi đầu tư với tổng số vốn đầu tư trên 250 triệu USD, trong đó có Dự án phát triển Khu du lịch núi Bà Đen có vốn đầu tư 100 triệu USD.

Ngoài các tiềm năng, thế mạnh của du lịch Tây Ninh như núi Bà Đen là ngọn núi nằm giữa đồng bằng, cao 986m đang và sẽ tiếp tục phát triển du lịch tâm linh, truyền thống, nghỉ dưỡng, mạo hiểm, tỉnh Tây Ninh còn có Toà thánh Cao Đài cùng với nhạc lễ và những lễ hội có giá trị văn hoá cao, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát vừa mang đặc trưng của rừng nguyên sinh Tây Nguyên, Đông Nam bộ vừa có hệ sinh thái đặc trưng của vùng ngập nước ngọt Tây Nam bộ với nhiều loài động, thực vật nằm trong sách đỏ Việt Nam, có khả năng phát triển du lịch khám phá, nghiên cứu khoa học, sinh thái… và rất nhiều đặc sản được mọi người biết đến như: bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng, mãng cầu Bà Đen... Tây Ninh có 240km đường biên giới với 2 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát là cửa ngõ thông thương và phát triển du lịch quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế Tây Ninh vẫn chưa tận dụng, khai thác được hết những thế mạnh của mình để phát triển du lịch một cách tương xứng. Hiện nay, số lượng các khu du lịch, vui chơi, giải trí chủ yếu chỉ khai thác ở dạng tự nhiên; nhiều nhất là Khu di tích văn hoá lịch sử - danh thắng núi Bà Đen đã được đầu tư hai hệ thống cáp treo, một hệ thống máng trượt, hiện chưa có nhiều sản phẩm mới.

Bên cạnh đó, Khu du lịch Long Điền Sơn cũng chỉ mới ở mức đầu tư ban đầu, Ma Thiên Lãnh, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam hầu như còn nguyên sơ và chỉ thu hút khách về nguồn vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn. Đã vậy, hoạt động dịch vụ tại các điểm du lịch còn quá đơn sơ, không có nhà hàng, dịch vụ phụ trợ, nên du khách thường chỉ đến trong ngày rồi quay về. Mặt khác, du lịch Tây Ninh vẫn chưa có sự kết hợp đồng bộ giữa đầu tư cơ sở hạ tầng với xây dựng sản phẩm, cũng chưa được quảng bá, tiếp thị để trở thành điểm đến thật sự thu hút đối với du khách trong và ngoài tỉnh. Công tác đào tạo nhân lực, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư chưa được chú trọng, công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết về du lịch cũng còn bỏ ngỏ.

Để tìm hướng đi mới cho du lịch Tây Ninh phát triển, tại hội thảo xúc tiến du lịch Tây Ninh và các tỉnh Đông Nam bộ, định hướng của Tây Ninh là kêu gọi đầu tư phát triển du lịch ở 3 khu vực trọng điểm, gồm:

Vùng tam giác núi Bà Đen - Toà thánh - hồ Dầu Tiếng (tập trung cho du lịch tâm linh, về nguồn, sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí, mạo hiểm).

Vùng tứ giác phía Bắc tỉnh bao gồm di tích Căn cứ Trung ương Cục - Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát - Tháp Chót Mạt - Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát (tập trung cho du lịch truyền thống, về nguồn, du lịch sinh thái, khám phá, nghiên cứu khoa học và tham quan, mua sắm).

Vùng ngũ giác phía Nam tỉnh: khu tái hiện di tích lịch sử cách mạng miền Nam - cảng du lịch - tháp cổ Bình Thạnh - Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài - Địa đạo An Thới (tập trung cho du lịch truyền thống, du lịch sông nước, về nguồn, khám phá làng nghề, sinh thái, vui chơi giải trí, tham quan mua sắm tại cửa khẩu).

Song song với các điểm du lịch kể trên, Tây Ninh sẽ chú trọng phát triển các tuyến du lịch trọng điểm, kết nối tour du lịch với các tỉnh, thành phố tới các điểm đến trong tỉnh và thông tuyến lữ hành quốc tế sang Campuchia. Cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, thu nhập của người dân ngày càng cao, nhu cầu về du lịch trong nước tăng mạnh là cơ sở để du lịch tỉnh nhà tăng cường xây dựng sản phẩm.

Trước mắt, nỗ lực tạo dựng một số thương hiệu sản phẩm du lịch mang đặc trưng của địa phương theo các hướng chủ đạo: du lịch tâm linh, về nguồn và du lịch sinh thái, quan tâm chất lượng dịch vụ.

Việc phát triển du lịch Tây Ninh gắn với các khu vực cửa khẩu quốc tế, du lịch thương mại cửa khẩu hướng tới đối tượng khách chính là khách du lịch nước ngoài từ thị trường Campuchia và thị trường Thái Lan theo đường bộ sang Việt Nam và đối tượng khách du lịch từ các thị trường nội địa.

Tỉnh sẽ tập trung vào việc phát triển hai trung tâm thương mại dịch vụ du lịch cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và cửa khẩu quốc tế Xa Mát. Phát triển du lịch gắn với các tuyến du lịch quốc tế chủ yếu là kết nối với hoạt động dịch vụ du lịch xuyên Á từ thị trường Campuchia và xa hơn là thị trường Thái Lan, Lào, Malaysia, Singapore.

Tấn Dũng

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây