Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm

Thứ năm - 05/01/2017 11:00 49 0
Từ ngày 4-6.1, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 tại Thành phố Tây Ninh và các huyện Hòa Thành, Trảng Bàng, Bến Cầu.

​Ông Huỳnh Thanh Phương- Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn có đại diện HĐND tỉnh, lãnh đạo các Sở NN&PTNT, Y tế, Thông tin và truyền thông, Tài chính, Công thương…

giam sat_1.jpg

Phó trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh, ông Huỳnh Thanh Phương phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Hoà Thành.

Tại huyện Hòa Thành, chiều 4.1, đoàn giám sát thực tế tại Cơ sở sản xuất nước tương Đông cô, Hợp tác xã rau an toàn Long Mỹ; qua đó lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của những người sản xuất thực phẩm.

Tại Trung tâm thương mại Long Hoa, đoàn làm việc với Ban quản lý chợ để tìm hiểu cách quản lý, kiểm soát thực phẩm ở đây.

Sau khi đi thực tế, đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại khi thực hiện việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATTP.

Theo UBND huyện Hòa Thành, trong 6 năm qua, tuyến huyện, xã đã thành lập 54 đoàn liên ngành và 3 đoàn thanh tra, kiểm tra ATTP trên địa bàn. Có 5.083 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể được kiểm tra. Qua đó, phát hiện 196 cơ sở vi phạm và đã tiến hành xử phạt hành chính với số tiền trên 215 triệu đồng.

 Trên địa bàn huyện Hòa Thành hiện nay có 1.144 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể. Khoảng 80% cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, trong đó chủ yếu là sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ theo hộ gia đình.

Huyện có 2 vùng sản xuất rau sạch theo mô hình VietGAP tại xã Long Thành Bắc và Trường Tây; có 2 điểm bán rau sạch tại Trung tâm thương mại Long Hoa. Trên địa bàn huyện có 7 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung (1 cơ sở đủ điều kiện VSATTP và 6 cơ sở đủ điều kiện vệ sinh thú y). Thời gian qua, toàn huyện có 1.080 cơ sở được cấp giấy đủ điều kiện VSATTP, trong đó cơ sở do tuyến huyện cấp là 732. Hiện nay, huyện có 234 cơ sở sản xuất, chế biến thủ công, chủ yếu sản xuất theo hộ gia đình nhỏ lẻ.

giam sat_2.jpg

Đoàn tham quan thực tế tại Cơ sở sản xuất nước tương Đông Cô.

Từ 2011 đến 2016, toàn huyện xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 19 người bị ngộ độc, không có trường hợp tử vong. Khi có các vụ ngộ độc xảy ra, các ngành đã phối hợp chặt chẽ, giải quyết kịp thời.

Báo cáo của huyện cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong kiểm soát, quản lý vấn đề ATTP hiện nay: Thiếu nhân lực thực hiện công tác VSATTP; thiếu kinh phí, dụng cụ thực hiện xét nghiệm các mẫu thực phẩm nghi ngờ; hộ sản xuất còn mang tính thủ công, chưa đảm bảo tiêu chí VSATTP; dư lượng hóa chất trên rau củ quả, hóa chất không rõ nguồn gốc dùng chế biến thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ…

Huyện Hòa Thành kiến nghị Sở NN&PTNT, Sở Công thương cần tổ chức tập huấn cho cán bộ để nâng cao kiến thức chuyên môn, thực hiện công tác tốt hơn.

Kết luận tại buổi làm việc, ông Huỳnh Thanh Phương- trưởng đoàn giám sát đánh giá cao những cố gắng của huyện trong công tác quản lý và đảm bảo VSATTP trên địa bàn. Tuy nhiên, để tiếp tục làm tốt hơn, huyện cần tăng cường công tác truyền thông, giáo dục người kinh doanh, sản xuất và cả người tiêu dùng quan tâm đến đảm bảo ATTP; chú ý tháo gỡ những khó khăn, tồn tại trong phạm vi mình quản lý; phải tập trung nhân lực, nguồn lực đảm bảo ATTP, nhất là trong dịp tết Nguyên đán sắp đến.

Theo BTNO




Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây