Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 đối với UBND tỉnh.

Thứ ba - 18/04/2017 11:00 41 0
Chiều ngày 17/4/2017, Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016” của Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh do ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí Thư tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh.

​Theo báo cáo của UBND tỉnh, số lượng cơ quan, tổ chức hành chính và số lượng đơn vị sự nghiệp công lập tính đến thời điểm 31/12/2016 là 869, cụ thể như sau: Tổng số cơ quan, tổ chức hành chính là 128, gồm: Cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh là 18 và 02 cơ quan (Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh). Cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện: 108 (mỗi huyện có 12 phòng, ban chuyên môn). Tổng số đơn vị sự nghiệp công lập: 739, trong đó: đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh: 217; đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện: 522.

giamsatdoan.jpg

Quang cảnh buổi làm việc.

Việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong giai đoạn 2011 - 2016 đã đạt được mục đích, yêu cầu mà Đảng, Nhà nước đặt ra. Đã xây dựng được bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hợp lý, hiệu quả, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan đơn vị làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc và khả năng phục vụ người dân.

Về số lượng biên chế công chức, hợp đồng lao động trong cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước. Biên chế công chức: năm 2016 được Trung ương giao 2.010 biên chế, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh phân bổ cho cấp tỉnh: 1.113 biên chế; cấp huyện 892 biên chế và dự phòng 05 biên chế. Tính đến thời điểm 31/12/2016, biên chế công chức hiện có mặt là 1.811 biên chế (trong đó cấp tỉnh: 1.013 biên chế; cấp huyện: 798 biên chế). Số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập: năm 2016 giao 19.241 người (trong đó cấp tỉnh: 6.707 người; cấp huyện: 12.534 người) và dự phòng: 48 người.     Tính đến thời điểm 31/12/2016, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp hiện có mặt là 18.350 người (trong đó cấp tỉnh: 5.984 người; cấp huyện: 12.366 người). Về hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP: năm 2016 UBND tỉnh giao chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ một số công việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cho các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là 288 người, hiện có mặt đến 31/12/2016 là 191 người.

Công tác quản lý sử dụng biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập từ năm 2011 đến nay được thực hiện đúng quy định, trên tinh thần giữ ổn định biên chế và từng bước tinh giản biên chế. Việc tăng, giảm số biên chế theo từng năm đã được thực hiện theo số biên chế được Bộ Nội vụ giao.

Năm 2015 tỉnh đã thực hiện tinh giản 70 trường hợp (khối Quản lý nhà nước: 27 trường hợp; Khối Đảng, đoàn thể: 05 trường hợp; Khối sự nghiệp: 38 trường hợp) và năm 2016 thực hiện tinh giản 95 trường hợp (khối Quản lý nhà nước: 47 trường hợp; Khối Đảng, đoàn thể: 14 trường hợp; Khối sự nghiệp: 33 trường hợp; Doanh nghiệp: 01 trường hợp).

Kết quả xây dựng Đề án xác định vị trí việc làm trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp. Ngày 31/12/2015, Bộ Nội vụ đã có Quyết định số 2017/QĐ-BNV phê duyệt danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở Danh mục vị trí việc làm được Bộ Nội vụ thông qua, tính đến nay, có 23/29 cơ quan hành chính thuộc tỉnh đã hoàn chỉnh xong Đề án vị trí việc làm được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt ban hành (14 cơ quan cấp tỉnh và 09 huyện, thành phố). Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện việc xây dựng Đề án vị trí việc làm của từng đơn vị, đến thời điểm hiện cơ bản các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện xong việc xây dựng Đề án, UBND tỉnh đã báo cáo Bộ Nội vụ, sau khi được Chính phủ phân cấp thực hiện việc phê duyệt Đề án vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp, UBND tỉnh sẽ thực hiện phê duyệt Đề án và triển khai thực hiện theo đúng quy định.

 Tại buổi làm việc, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2004 và Nghị định số 37/2004/NĐ-CP ngày 05/5/2014 theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; tinh gọn, giảm đầu mối, nhất là giảm các chi cục trực thuộc Sở có quy mô nhỏ. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất xem xét lại mô hình hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, việc thực hiện theo mô hình một cấp hiện nay là chưa phù hợp đối với một số địa phương có địa bàn rộng, đi lại khó khăn, cần có cơ chế ủy quyền cho các chi nhánh thực hiện một số nội dung trong việc cấp, chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và Bộ Y tế xem xét sửa đổi, bổ sung quy định các phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (không được sử dụng con dấu và tài khoản riêng) được sử dụng con dấu và tài khoản riêng để thực hiện nhiệm vụ. Các Bộ chuyên ngành của Trung ương cần kịp thời hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy cho các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực, ngành đầy đủ, rõ ràng theo hướng tinh gọn, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, xác định rõ hơn đầu mối làm nhiệm vụ quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực. Đề nghị Bộ Nội vụ xem xét bổ sung đối tượng thực hiện tinh giản biên chế theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 như sau: “Những trường hợp đã có giám định sức khoẻ của Hội đồng Giám định y khoa có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên”; Bộ Nội vụ trình Chính phủ ban hành các văn bản quy định về: Xử lý kỷ luật đối với cán bộ cấp xã; Chế độ hỗ trợ thôi việc đối với cán bộ cấp xã khi nghỉ việc theo nguyện vọng như công chức cấp xã; Tăng mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh của cán bộ công chức cấp xã từ 20% hiện nay lên 50% mức lương, phụ cấp hiện hưởng; Quy định việc cán bộ, công chức kiêm nhiệm chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Quy định việc tổ chức thi tuyển công chức cấp xã giao cho Sở Nội vụ thực hiện.

Kết thúc buổi làm việc, đại diện Đoàn giám sát phát biểu, đánh giá những kết quả đạt được của UBND tỉnh trong thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Các đề xuất, kiến nghị của UBND tỉnh được Đoàn giám sát tiếp nhận, nghiên cứu và sẽ báo cáo với cấp có thẩm quyền theo quy định. Đồng thời, Đoàn giám sát cũng đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, điều hành quyết liệt một số nội dung như: Quán triệt cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức về thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị, tinh giản biên chế gắn liền với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện chính sách tinh giản biên chế; quan tâm công tác đánh giá cán bộ, công chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính nói chung,…

    NC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây