Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: Lấy ý kiến góp ý dự án Luật Quản lý ngoại thương

Thứ tư - 15/03/2017 10:00 75 0
Lấy ý kiến góp ý dự án Luật Quản lý ngoại thương Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương gồm 8 chương, 117 điều quy định về các biện pháp quản lý, phát triển ngoại thương hàng hoá, giải quyết tranh chấp về áp dụng các biện pháp quản lý ngoại thương.

Lấy ý kiến góp ý dự án Luật Quản lý ngoại thương

Ông Phạm Văn Quan- Phó Giám đốc Sở Công Thương phát biểu ý kiến.

Chiều 13.3, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật Quản lý ngoại thương. Ông Huỳnh Thanh Phương- Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì.

Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương gồm 8 chương, 117 điều quy định về các biện pháp quản lý, phát triển ngoại thương hàng hoá, giải quyết tranh chấp về áp dụng các biện pháp quản lý ngoại thương.

Liên quan đến vấn đề chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu, tại Điều 28 về thẩm quyền chỉ định có quy định như sau: “Khoản 1, Chính phủ quy định chi tiết danh mục hàng hoá, điều kiện chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu; quy định các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý hàng hoá theo danh mục. Khoản 2, các bộ, cơ quan ngang bộ quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thuộc thẩm quyền quản lý”.

Theo ý kiến của đại biểu, nội dung của hai quy định trên không rõ ràng, sẽ phát sinh cơ chế xin – cho, dẫn đến hệ luỵ quản lý không hiệu quả trong công tác ngoại thương cũng như dễ phát sinh những vấn đề tiêu cực, tham ô, lãng phí, nhũng nhiễu.

Đại biểu cho rằng cần phải công khai các phương án, tiêu chí trong việc chọn thương nhân. Từ đó, đại biểu kiến nghị bổ sung Khoản 2, Điều 28 như sau “Các bộ, cơ quan ngang bộ quy định tại khoản 1 Điều này công khai tiêu chí, phương án lựa chọn và thực hiện chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thuộc thẩm quyền quản lý”.

Một số đại biểu có ý kiến, dự thảo Luật Quản lý ngoại thương có phạm vi điều chỉnh trùng lắp, chồng chéo với nhiều luật khác như: việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại; quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, hàng quá cảnh, chuyển khẩu… thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Hải quan.

Dự thảo luật cũng chưa nêu rõ quy định về kiểm tra chuyên ngành, nguyên tắc thực hiện và thời gian áp dụng như thế nào, cũng như quy định về điều kiện, căn cứ cấp phép… Trong khi đó, một số luật đã ban hành rất rõ ràng và đã thực hiện có hiệu quả, không phát sinh vướng mắc, ví dụ như việc quản lý cấp giấy chứng nhận xuất xứ đã được quy định rất rõ trong Luật Thương mại.

Đại biểu kiến nghị, những vấn đề liên quan đến ngoại thương đã quy định ổn định ở các văn bản khác thì không đưa vào Luật Quản lý ngoại thương. Ví dụ như việc quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, hàng quá cảnh, chuyển khẩu… thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Hải quan thì vẫn áp dụng theo Luật Hải quan.

Còn tại Điều 29 đến Điều 32 dự thảo Luật Quản lý ngoại thương (thuộc mục 3 về quản lý theo giấy phép, điều kiện) có quy định một số loại giấy phép mới so với các loại giấy phép hiện hành như giấy phép quá cảnh hàng hoá, giấy phép gia công hàng hoá thuộc danh mục hàng cấm xuất nhập khẩu, giấy phép trong hoạt động đại lý mua bán hàng hoá cho thương nhân nước ngoài nếu thanh toán thù lao bằng hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu theo giấy phép…

Theo đại biểu, quy định như thế sẽ làm tăng các thủ tục hành chính, phát sinh chi phí cho doanh nghiệp, không phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, theo các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, ký kết, thương nhân nước ngoài cũng bị hạn chế một số quyền như không được thực hiện hành vi bán lẻ. Nhưng trên thực tế, các thương nhân nước ngoài vẫn lách luật bằng hình thức thông qua đại lý để thực hiện việc phân phối hàng hoá trực tiếp cho khách hàng trong nước. Do đó, đại biểu đề nghị cần có đánh giá cụ thể hơn về những trường hợp này để xây dựng luật sát với thực tế.

Ông Huỳnh Thanh Phương cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ ghi nhận, phân tích những ý kiến các đại biểu đã góp ý để tổng hợp, báo cáo cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây