![]() |
Toàn cảnh buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, Bộ KH&CN đánh giá cao kết quả hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ của tỉnh trong thời gian qua, trong đó có các mặt tiêu biểu như công tác tham mưu của Sở KH&CN về xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy và phát triển tiềm lực KH&CN, hoạt động nghiên cứu KH&CN, an toàn bức xạ, hoạt động sở hữu trí tuệ và sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hoạt động thống kê, công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng, dịch vụ và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Tây Ninh cũng còn một số tồn tại, vướng mắc: Chưa có nhiều đề xuất về các nhiệm vụ KH&CN, chất lượng chưa cao. Các đề tài dự án chỉ mới giải quyết những vấn đề cụ thể, trước mắt của các sở, ngành, thiếu những đề tài dự án mang tính chiến lược, đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc xây dựng danh mục tổ chức, thẩm định các đề tài dự án KH&CN có tiến bộ hơn những năm trước nhưng vẫn còn chậm tiến độ so với hướng dẫn của Bộ KH&CN. Công tác quản lý công nghệ còn nhiều khó khăn. Thị trường công nghệ, việc ứng dụng và đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp chưa nhiều, chưa sôi động. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn chưa có sự quan tâm và đầu tư về kinh phí cho các hoạt động liên quan đến quảng bá sản phẩm, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm ở trong và ngoài nước. Các mô hình hợp tác xã trên địa bàn tỉnh còn ít, hoạt động chưa mang lại hiệu quả, đây là vấn đề trở ngại lớn trong việc triển khai xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề của địa phương. Tiềm lực KH&CN từ trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị đến năng lực đội ngũ cán bộ KH&CN còn hạn chế. Cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật các đơn vị hoạt động KH&CN còn nhiều khó khăn bất cập. Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN thuộc Sở KH&CN tuy có tăng cường trang bị kỹ thuật nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nên doanh thu từ các dịch vụ của 2 đơn vị này tuy đạt và vượt kế hoạch nhưng thực tế lợi nhuận còn thấp. Hoạt động KH&CN cấp huyện còn nhiều khó khăn, biên chế chuyên trách cho KH&CN chưa được phân bố, còn hình thức kiêm nhiệm.
Trong buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh đã đưa ra một số kiến nghị với Bộ KH&CN về một số vấn đề nhằm giúp công tác ứng dụng KH&CN của tỉnh phát triển và giải quyết những tồn tại trên. Một số nội dung cụ thể như: Bộ cần sớm có hướng dẫn việc thực hiện Nghị định 104/2011/NĐ-CP ngày 16.11.2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu; tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 54/2009/NĐ-CP ngày 5.6.2009 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá phù hợp với tình hình thực tế. Hiện nay việc cấp thẻ cho cán bộ quản lý Nhà nước về đo lường đã hết hạn. Trong khi chờ văn bản mới, đề nghị Bộ có văn bản hướng dẫn gởi cho các địa phương để thống nhất thực hiện trong công tác quản lý. Thanh tra Bộ KH&CN cần tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên sâu về đo lường, chất lượng trong lĩnh vực xăng dầu vì đây là lĩnh vực khá phức tạp khi triển khai thực tế tại cơ sở. Bộ cần có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ tương đối cụ thể cho việc xác định hành vi vi phạm và khung xử phạt về thanh tra đo lường trong lĩnh vực xăng dầu, thống nhất áp dụng trong cả nước. Dự án “Đầu tư trại thực nghiệm ứng dụng công nghệ sinh học cho Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN Tây Ninh” đã được phê duyệt triển khai thực hiện năm 2012-2013 với tổng số vốn thực hiện dự án là 34,665 tỷ đồng nhưng hiện chưa được phân bổ nguồn vốn để triển khai…
Thứ trưởng Chu Ngọc Anh sẽ ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của UBND tỉnh Tây Ninh để tham mưu Chính phủ có văn bản hướng dẫn thực hiện. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ, Thứ trưởng Chu Ngọc Anh sẽ tham mưu Bộ trưởng chỉ đạo giải quyết.
Theo BTNO
Ý kiến bạn đọc