Đâu rồi Trảng Cồng xưa?

Thứ ba - 21/08/2012 00:00 106 0
“Hò ơi! Em chèo thuyền đi lên rẫy Trảng Cồng. Cắt lúa thay chồng, thay chồng nuôi con...”. Chắc ít có ai không biết đó là ca từ trong nhạc phẩm “Lên ngàn” nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Việt. Bài hát nhắc tới một địa danh gắn liền với cả thời kỳ đấu tranh chống giặc giữ nước đầy gian lao của quân dân ta tại một vùng đất của tỉnh Tây Ninh, thuộc ấp 1, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành ngày nay. Đã 60 năm trôi qua kể từ khi bài hát ấy ra đời, chúng tôi mới có dịp tìm về tận cái nơi mình từng chỉ biết qua câu hát. Trước mắt, những gì chúng tôi nhìn thấy bây giờ là… đâu rồi Trảng Cồng xưa?

 

Đã 60 năm trôi qua kể từ khi bài hát ấy ra đời, chúng tôi mới có dịp tìm về tận cái nơi mình từng chỉ biết qua câu hát.

Trước mắt, những gì chúng tôi nhìn thấy bây giờ là…

Đâu rồi Trảng Cồng xưa?

Một buổi trưa hè đầu tháng, chúng tôi tìm đến ông Đỗ Trọng Vân- Chủ tịch UBND xã Phước Vinh nhờ giới thiệu cho một người biết về Trảng Cồng vào năm 1952, khi nhạc sĩ Hoàng Việt sáng tác bài “Lên ngàn”. Suy ngẫm một lúc, ông Chủ tịch xã mới sực nhớ ra: “Còn một người biết về lịch sử Trảng Cồng”. Rồi ông sốt sắng dẫn chúng tôi đi.

Trong căn nhà ngói cũ, người cựu chiến binh già tên Phùng Văn Quới, 81 tuổi bồi hồi nhớ lại: Vào năm 1951, Uỷ ban Kháng chiến tỉnh Gia Định Ninh (cũ) thành lập căn cứ kháng chiến ở khu vực này và lên Trảng Cồng khai hoang trồng lúa. Năm Nhâm Thìn (1952), một trận lụt lịch sử diễn ra ở nhiều tỉnh Nam bộ, trong đó có  Tây Ninh. Nước lên cao, ngập hết cả cánh đồng lúa đang vào mùa thu hoạch. Nhạc sĩ Hoàng Việt đi theo đoàn dân quân thu hoạch lúa, dạt dào cảm xúc trước quang cảnh lao động gian khổ của quân dân ta, ông đã sáng tác nên bài “Lên ngàn” được nhiều người yêu thích. Theo lời giải thích của ông Quới: Trảng Cồng vốn là một vùng đất thấp, có rất nhiều cây cồng sinh sống. Cây cồng lâu năm kích thước rất to, người lớn ôm cả vòng tay không giáp. Cây có trái mọc thành từng chùm, ăn từa tựa như trái chùm đuông. “Ngày nay, nói Trảng Cồng ít còn ai biết lắm, vì bây giờ ở đó chỉ toàn… cao su”- ông Quới buồn bã nói.

 Do sức đã yếu, lại có bệnh trong người, ông Quới không dám đi cùng chúng tôi vào thăm đất Trảng Cồng xưa nhưng nhiệt tình mách bảo cho chúng tôi hãy gặp ông Đinh Văn Hoà, Bí thư ấp 1. Ông Hoà là người sinh ra và lớn lên ở gần bên Trảng Cồng nên biết rất rành về vùng đất trảng này. Ông hăng hái lấy xe dẫn chúng tôi vào Trảng Cồng. Từ nhà ông Hoà, chúng tôi đi qua một cánh rừng cao su khoảng 300 mét là đến… một rừng cao su khác. Ông Hoà dừng xe lại chỉ: Trảng Cồng đó!

“Trảng Cồng xưa, nay là trảng cao su”

Thấy chúng tôi trố mắt ngạc nhiên. Ông Hoà giải thích: “Mấy mươi năm trước, nơi đây từng là một vùng đất trảng rộng lớn, có nhiều cây cồng. Nhưng 7- 8 năm nay, có người đến mua vùng này rồi ủi đất lấp trảng, nâng cao mặt bằng để trồng cao su. Cây cồng cũng đã bị triệt hạ đến tuyệt chủng. Vì vậy, bây giờ còn rất ít người biết nơi đây là địa danh Trảng Cồng xưa. Bây giờ, chúng tôi chỉ gọi đây là trảng cao su”.

Quả vậy, chúng tôi đã thử đi lùng sục gần hết khu vực Trảng Cồng nhưng không còn tìm thấy một cây cồng nào cả. Càng không tìm thấy dấu tích gì còn lại của một thời kháng chiến gian lao mà anh dũng của quân dân miền Đông Nam bộ. Thay vào đó là vùng đất bằng phẳng với những hàng cao su dài như bất tận.

Ông Chủ tịch UBND xã Phước Vinh cũng tỏ ra rất tiếc về chuyện Trảng Cồng bị xoá nhoà dấu tích nhưng cũng đành bó tay. Ông nói: “Chúng tôi cũng muốn khôi phục, giữ gìn Trảng Cồng để làm nơi sinh hoạt, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ nhưng không làm được gì vì ngoài tầm của chính quyền địa phương. Chúng tôi đề nghị lãnh đạo huyện, tỉnh, ít nhất cũng có quy hoạch đặt bia tưởng niệm ở đây để con cháu sau này còn có cơ hội tìm hiểu lịch sử kháng chiến của cha anh, chứ để xoá mất dấu vết một địa danh nổi tiếng như thế thì thật là đáng tiếc”.

Rời Trảng Cồng, chúng tôi cảm thấy trong lòng có điều gì đó bâng khuâng. Không ai còn thấy hứng thú, luôn miệng huyên thuyên như ở lượt đi. Trong đầu miên man câu hỏi: Trảng Cồng, Trảng Cồng… mãi mãi sau này sẽ chỉ còn trong câu hát ngân nga?

(Theo BTNO)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây