Với tất cả tình cảm và niềm xúc động sâu sắc của những người con từ đất liền lần đầu tiên ra thăm biển đảo, được tận mắt nhìn thấy những gì đã và đang diễn ra tại vùng biển mà cách đây 27 năm, vào ngày 14/3/1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, vì sự toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc. Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2015) xin ghi lại những cảm xúc của mình tại Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại vùng biển đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma.
Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, biển đảo luôn là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt, có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Bằng máu xương, công sức, mồ hôi và nước mắt, các thế hệ người Việt Nam đã liên tục xác lập, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên các vùng biển và hải đảo Việt Nam, trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh từ trái tim, trí tuệ của mỗi người dân Việt Nam. Đầu năm 1988, để ngăn chặn ý đồ của Trung Quốc đánh chiếm một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của ta; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển và quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ quan trọng nhất, khẩn trương nhất và cũng là vinh quang nhất của Quân chủng Hải quân. Cùng với các lực lượng vũ trang, Hải quân nhân dân Việt Nam đã dũng cảm vượt mọi khó khăn, gian khổ; chạy đua cùng thời gian; củng cố, tăng cường thế đứng của ta trên khu vực quần đảo; đã chủ động bình tĩnh, khôn khéo xử lý các tình huống; thực hiện nghiêm đối sách, kiềm chế đến mức tối đa vì nghĩa cử cao đẹp - giữ vững môi trường hòa bình ổn định, hữu nghị trong khu vực Biển Đông.
Song, bất chấp công lý và lẽ phải, biết không khuất phục được ý chí kiên cường, quyết tâm sắt đá của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, ngày 14/3/1988 Trung Quốc đã ngang nhiên và bất ngờ tấn công quân sự, đánh chiếm một số đảo đá ngầm của ta. Trong cuộc chiến đấu không cân sức giữa cán bộ, chiến sĩ các tàu vận tải và lực lượng công binh xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh với lực lượng tàu chiến hùng hậu của Trung Quốc có trang bị vũ khí hiện đại; các anh đã kết thành vòng tròn - một ''Vòng tròn bất tử" lấy thân mình bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, quyết tâm giữ vững và cắm lá cờ Tổ quốc-khẳng định chủ quyền của Việt Nam. 64 cán bộ, chiến sĩ dũng cảm chiến đấu với quân thù đến hơi thở cuối cùng và vĩnh viễn ra đi. Các anh đã không trở về với đất mẹ, với bao uớc vọng của tuổi xuân chưa kịp thực hiện. Trong trận chiến đấu không cân sức đó, đã xuất hiện những tấm gương ngời sáng của cán bộ, thủy thủ các Tàu HQ505, HQ604, HQ605 thuộc Lữ đoàn 125; của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146; Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân. Dẫu biết rằng có thể sẽ hy sinh, nhưng trước sự đe dọa, cũng như những hành động dã man của kẻ địch, các anh không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, chấp nhận hy sinh để bảo vệ biển, đảo đến hơi thở cuối cùng.
Cảm phục tấm gựơng anh dũng hy sinh của Anh hùng liệt sĩ- Trung tá Trần Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đỏàn 146; Anh hùng liệt sĩ- Đại úỵ Vũ Phi Trừ - Thuyền trưởng Tàu HQ604; Anh hùng liệt sĩ - Thiếu uý Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công hung bạo của kẻ thù vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo. Trước lúc hy sinh Trần Văn Phương đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội "Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng", đó là Anh hùng - Thuyền trưởng - Thiếu tá Vũ Huy Lê, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấcr đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy Tàu HQ505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam.
Kể sao hết những hàng động dũng cảm, những tấm gương hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam trong trận chiến đó, các anh đã ra đi trong khí thế sáng ngời niềm tin quyết thắng, làm sáng đẹp thêm phẩm chất cao đẹp "Bộ đội cụ Hồ", tô thắm truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam "Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biến, quyết chiến, quyết thắng".
Xương máu của các anh đã hòa cùng sóng biển quê hương, nhưng tên tuổi và tấm gương dũng cảm, mưu trí bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của các anh là những thiên sử anh hùng, khí phách sáng ngời của các anh đã làm kẻ thù phải khiếp sợ. Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các cấp, các ngành, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã cố gắng làm hết sức mình. Song, biển thì rộng và sâu mà sức người có hạn, hoàn cảnh bất lợi nên đến nay xương cốt nhiều đồng chí vẫn đang nằm lại nơi biển sâu lạnh lẽo, đang hàng ngày, hàng giờ mòn mỏi trong thời gian, quặn đau trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên, bão tố. Mỗi khi các anh còn nằm lại nơi đây, thì điều trăn trở lớn nhất của cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân cả nước, nhất là cán bộ, chiến sĩ Hải quân vẫn chưa yên lòng và tiếp tục có nhiều cố gắng đế tìm mọi cách và mong muốn có ngày đưa các anh về với đất liền, với quê hương, với gia đình, người thân và các đồng đội.
Với lòng thành kính và niềm tiếc thương vô hạn, Đoàn công tác xin kính cẩn nghiêng mình trước hương hồn các anh hùng liệt sĩ - những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam anh hùng đã hiến trọn cuộc đời mình cho Tổ quốc thân yêu.
Quang Dững