Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan, UBND các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức thực hiện một số nội dung sau:
Để đảm bảo tính khả thi của hoạt động theo dõi thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm đã được xác định tại Quyết định số 190/QĐ-UBND ngày 25/01/2017, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố lựa chọn các doanh nghiệp được tổ chức, hoạt động trong khoảng thời gian 02 năm (tính từ thời điểm được thành lập) với các ngành nghề sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, thông tin, truyền thông và xây dựng để tổ chức hoạt động, theo dõi, hỗ trợ.
Đặc biệt cần tập trung tổ chức theo dõi đối với doanh nghiệp được thành lập để thực hiện ý tưởng dựa trên công nghệ hoặc mô hình kinh doanh mới, sáng tạo để hoàn thiện sản phẩm mới, có tính rủi ro cao ở giai đoạn trước khi thương mại hóa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường nhưng gặp khó khăn về vốn, đất đai, khoa học kỹ thuật và lao động trong quá trình triển khai thực hiện ý tưởng kinh doanh. Ngoài ra, các sở, ban, ngành, địa phương có thể mở rộng hơn đối tượng doanh nghiệp được hỗ trợ có liên quan hoặc thuộc ngành địa phương mình quản lý khi triển khai theo dõi thi hành pháp luật.
Trên cơ sở lựa chọn doanh nghiệp để tổ chức theo dõi, Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao đẩy mạnh triển khai các hoạt động cụ thể sau đây nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả theo dõi thi hành pháp luật đối với doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh:
Căn cứ các điều kiện lựa chọn doanh nghiệp nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và các sở, ngành có liên quan xác định danh sách các doanh nghiệp thỏa mãn điều kiện theo dõi rà soát và lập danh sách các doanh nghiệp gửi về UBND tỉnh và đề xuất khoảng 10 doanh nghiệp có lĩnh vực hoạt động khác nhau đang gặp khó khăn để tiến hành khảo sát (gửi qua Sở Tư pháp để tổng hợp theo dõi). Thời gian gửi danh sách các doanh nghiệp về Sở Tư pháp chậm nhất đến ngày 15/6/2017.
Tăng cường công tác truyền thông của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng để góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đồng thời qua đó cũng giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương dễ dàng, chủ động liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn bằng các hình thức:
Tổ chức đối thoại giữa đại điện lãnh đạo tỉnh, các cơ quan chức năng với doanh nghiệp (những doanh nghiệp theo lựa chọn) định kỳ để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, thông tin, truyền thông và xây dựng. Đồng thời thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương. Cơ quan chủ trì: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh; Cơ quan phối hợp: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Công Thương, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tây Ninh, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Tây Ninh.
Viết các tin, bài đăng trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh, Trang thông tin “Theo dõi tình hình thi hành pháp luật tỉnh Tây Ninh”, Trang thông tin các sở, ngành, tỉnh; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Tây Ninh.
Các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung vào các hoạt động, các hình thức tổ chức theo dõi thi hành pháp luật theo quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực doanh nghiệp khởi nghiệp (Từ Điều 11 đến Điều 14 của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP). Các hoạt động, các hình thức tổ chức theo dõi thi hành pháp luật sẽ được thực hiện theo kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2017 trên địa bàn tỉnh (ban hành kèm theo Quyết định số 190/QĐ-UBND ngày 25/01/2017).
Trên cơ sở hệ dữ liệu do Bộ Tư pháp ban hành, các sở, ngành : Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tây Ninh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng khẩn trương rà soát, đối chiếu với các quy định trong việc giao ban hành các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền liên quan đến doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, thông tin, truyền thông, xây dựng, lao động thuộc lĩnh vực, ngành cơ quan, đơn vị phụ trách. Qua đó đánh giá việc tổ chức thi hành đối với các văn bản này (kể cả văn bản quy phạm và văn bản cá biệt).
Ủy ban nhân dân tỉnh giao các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị tham mưu UBND tỉnh thực hiện các nội dung nêu trên.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp trong việc thẩm định và cấp kinh phí theo phân cấp hoặc báo cáo đề xuất UBND tỉnh quyết định theo quy định đối với một số hoạt động phát sinh nêu tại Công văn 1482/UBND-NC này mà chưa được cấp kinh phí.
Hoàng Mai