40 năm chiến tranh biên giới Tây Nam Đau thương và sức mạnh Kỳ 2: Quyết tử giữ biên cương

Chủ nhật - 24/09/2017 10:00 352 0
Ngay sau ngày bọn diệt chủng Pol Pot vượt qua biên giới, gây chiến tranh phá hoại lãnh thổ nước ta, tàn sát đồng bào, lực lượng vũ trang của ta lập tức phản công mạnh mẽ để cứu đồng bào, bảo vệ biên cương - phên giậu của Tổ quốc Việt Nam.

Đau thương và sức mạnh  Kỳ 2: Quyết tử giữ biên cương

Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang Tây Ninh hành quân chiến đấu chống bọn Pol Pot (ảnh do Bộ Chỉ huy Biên phòng Tây Ninh cung cấp).

Từ cuối năm 1976 đến đầu năm 1977, chính quyền Khmer Đỏ do Pol Pot cầm đầu ráo riết tổ chức các tổ, toán vũ trang xâm nhập vào đất ta, tăng cường các hoạt động trinh sát thu thập tin tức và các hoạt động quân sự, chuẩn bị chiến tranh.

Trước tình hình đó, Tỉnh uỷ ra lệnh sơ tán người già, trẻ em khỏi các khu vực trọng điểm, đồng thời điều động lực lượng tăng cường cho các điểm xung yếu và triển khai thêm 17 chốt chiến đấu.

Tháng 8.1977, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang quyết định chi viện cho Công an vũ trang Tây Ninh 4 đồn biên phòng, trong đó, Công an vũ trang Thanh Hoá đảm nhận 2 đồn, Công an vũ trang Quảng Ninh đảm nhận 2 đồn.

Đến đầu tháng 9.1977, trên toàn tuyến biên giới Tây Ninh, Công an vũ trang tỉnh nhà đã triển khai được 11 đồn biên phòng và một số trạm biên phòng.

Đại tá Nguyễn Hoàng Sa, nay đã 86 tuổi, nguyên Chính uỷ Công an vũ trang nhân dân Tây Ninh- tiền thân của Bộ đội Biên phòng Tây Ninh ngày nay, mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn nhớ rất rõ những diễn biến của cuộc chiến.

Ông kể, khuya 25.9.1977, bọn phản động Khmer Đỏ điều động lực lượng quân sự lớn, có pháo binh yểm trợ, đồng loạt tấn công vào các Đồn Biên phòng Xa Mát, Chàng Riệc, Tân Phú, Long Phước cùng các khu dân cư trong nội địa tỉnh ta.

Chúng chia cắt, ngăn chặn sự chi viện từ tuyến sau và vây ép các đơn vị với ý đồ tiêu diệt các đồn, chốt biên phòng. Đồng thời, chúng đốt phá nhà cửa, trường học, cướp của, tàn sát đồng bào ta rất dã man.

Cán bộ chiến sĩ các đơn vị đã ngoan cường chiến đấu, đẩy lùi nhiều đợt tấn công quy mô của chúng, tiêu diệt hàng trăm tên địch, thu giữ nhiều vũ khí, giữ vững đồn, trạm biên phòng.

Chỉ tính riêng ở Đồn Xa Mát, có 39 đồng chí đã kiên cường chiến đấu ròng rã 5 ngày đêm, đẩy lui 2 lần tấn công của hơn 2 tiểu đoàn địch, tiêu diệt 100 tên, thu 22 súng các loại.

Tại huyện Bến Cầu, ở Đồn Long Phước, địch dùng Trung đoàn 182 và 1 tiểu đoàn lính địa phương có hoả lực yểm trợ chia thành 2 mũi tấn công vào 2 chốt của bộ đội địa phương đóng ở ấp Cây Me, xã Long Khánh, đồng thời áp sát đồn.

Đến 4 giờ 30 cùng ngày, địch chiếm được ấp Cây Me. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Long Phước phối hợp cùng các lực lượng vận động đánh địch ở hướng Tây Nam, ngăn chặn mũi tiến công ở hướng Tây Bắc của chúng, bảo vệ được Đồn Long Phước.

Phấn khởi trước những kết quả giành được, tất cả 11 đồn và 3 đại đội cơ động hăng hái thi đua lập công, thực hiện khẩu hiệu “Một tấc không đi, một ly không rời”.

Các đồn Mộc Bài, Phước Chỉ, Lò Gò, Vàm Trảng Trâu, Kà Tum, Tống Lê Chân đều kiên cường đánh trả địch, đứng vững trên vị trí tiền tiêu. Đồn Lò Gò chịu đựng trên 3.000 quả pháo, cối các loại của địch vẫn không rời bỏ vị trí, chốt vững trận địa, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của giặc Pol Pot.

Có những trận lập công xuất sắc như trận ngày 22.1.1978, Đồn Lò Gò hợp đồng chặt chẽ với các lực lượng đơn vị bạn, diệt gọn một tiểu đoàn địch.

Đại tá Hoàng Sa kể tiếp: “Lúc 0 giờ ngày 17.11.1977, địch dùng 2 trung đoàn đánh vào Đồn Phước Tân và một số điểm các lực lượng của ta đóng chốt.

Chúng vận dụng chiến thuật bao vây, chặn đường chi viện phía sau của ta. Do phát hiện và nắm được chính xác âm mưu của địch nên trước đó một ngày, tôi đã trực tiếp lên chỉ thị cho Đồn Phước Tân chuẩn bị chiến đấu, đồng thời tăng cường bổ sung cho đồn một số đạn dược.

Từ đó, khi tình huống chiến đấu xảy ra, cán bộ chiến sĩ đã chủ động đối phó. Vì vậy ròng rã 7 ngày đêm, cán bộ chiến sĩ của đồn bền bỉ chiến đấu, đánh trả 2 trung đoàn địch có pháo lớn yểm trợ...”.

Tuy nhiên, cuộc chiến diễn ra ác liệt, hầm hào công sự ngập nước, đã có tới 50% quân số của đồn hy sinh. Mặc dù vậy, cán bộ chiến sĩ vẫn hạ quyết tâm chiến đấu đến cùng. Trong 7 ngày đêm, cán bộ chiến sĩ trong đồn đã đẩy lùi 38 đợt tiến công của địch, tiêu diệt 264 tên giặc, riêng chốt Gò Mô tiêu diệt 99 tên.

Là một trong những người trực tiếp chiến đấu, ông Lê Xuân Kinh, lúc bấy giờ là Trung đội trưởng Trung đội trinh sát và vận động quần chúng của Đồn Phước Tân nhớ lại: “Lúc lính Pol Pot bắt đầu tấn công vào đồn, anh em đã triển khai công sự chiến đấu ở vòng ngoài, cán bộ ở trong hầm chỉ huy cũng sẵn sàng chiến đấu với anh em ngoài công sự.

Lúc này đang trong mùa mưa, lúa ngoài đồng khá cao nên khi địch bò vào gần tới nơi ta mới phát hiện và bắt đầu nổ súng. Bản thân tôi cầm khẩu 12,8 ly bắn xối xả về phía địch.

Khi bắn hết một băng đạn, tôi vừa tháo băng ra vừa nhìn xung quanh, thì thấy lửa cháy đỏ rực trời, nhà dân bị đốt cháy hết. Quan sát phía trước công sự, tôi thấy lính Pol Pot bị chết được đồng bọn kéo ra liên tục. Bọn Pol Pot tiếp tục càn tới rất đông, tôi vừa gắn băng đạn thứ hai vào thì địch phát hiện chốt phòng thủ của ta, địch dùng khẩu B41 bắn vào làm gãy nòng súng tôi đang sử dụng.

Tình hình khá căng thẳng nên tôi liền kéo súng xuống bỏ dưới giao thông hào, dùng AK để tiếp tục chống trả. Lúc này, nhiều chiến sĩ ở chốt bị thương, được băng bó xong là tiếp tục cầm súng chiến đấu. Bản thân tôi cũng bị thương ở tay, nhưng vẫn cùng anh em tiếp tục chiến đấu.

Trận chiến diễn ra ác liệt, bọn Pol Pot bị chết khá nhiều nên hoảng sợ rút lui ra hết, chốt Gò Mô chỉ còn 3 chiến sĩ, nhưng chúng tôi vẫn cầm cự tới sáng để chờ chi viện từ Đồn Phước Tân”.

Đau thương và sức mạnh  Kỳ 2: Quyết tử giữ biên cương

Kiên cường chiến đấu đánh đuổi bọn Pol Pot (ảnh do Bộ Chỉ huy Biên phòng Tây Ninh cung cấp).

Đến sáng, khi lực lượng chi viện đến được chốt Gò Mô cũng là lúc bọn giặc bắt đầu tấn công tiếp. Mọi người trong chốt đều nhìn rõ được lực lượng của Pol Pot bao vây xung quanh chốt Gò Mô và Đồn Phước Tân.

Anh em chiến sĩ ta, ai bị thương được đưa xuống hầm chỉ huy, ai còn chiến đấu được thì tiếp tục cầm súng đánh trả. Tất cả cùng quyết tâm bằng mọi giá phải giữ được đồn.

Tỉnh uỷ Tây Ninh ra chủ trương và xác định lập trường quan điểm đấu tranh lúc này là “Nhân dân Campuchia, những người chân chính Campuchia là bạn của ta, nhưng nơi nào, bộ phận nào, cá nhân nào, tổ chức nào có chủ trương khiêu khích, xâm lấn, gây chia rẽ giữa hai dân tộc thì đó là kẻ thù”.

Trong trận chiến 7 ngày đêm này, các chiến sĩ chỉ dùng lương khô, đường, sữa để cầm cự và chiến đấu vì không thể nấu cơm được. Trong trận quyết đấu dằng dai này, có 17 chiến sĩ ta hy sinh.

Trong ba năm chiến tranh biên giới, với sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, Công an vũ trang Tây Ninh đã góp phần đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới do bọn Khmer Đỏ gây ra.

Nhìn lại quá trình hơn 450 ngày đêm bám trụ, vững vàng trên vị trí tiền tiêu, trải qua bao gian khổ, khó khăn, có lúc phải ăn gạo sấy, uống nước mưa, chiến đấu trong công sự, hầm hào ngập nước, nhưng cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang tỉnh nhà vẫn đoàn kết thi đua lập công, chiến đấu và phối hợp chiến đấu 385 trận, diệt 1.285 tên địch, bắt và gọi hàng 26 tên, bắn bị thương nhiều tên khác, thu và phá huỷ 443 vũ khí các loại, 4,5 tấn đạn và nhiều đồ dùng, phương tiện chiến tranh khác.

Tuy nhiên, đã có 125 đồng chí anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây