40 năm điện khí hoá Tây Ninh: Nguồn năng lượng của lòng yêu đất nước, quê hương

Thứ ba - 05/05/2015 16:00 52 0
40 năm qua, ngành Điện Tây Ninh cùng với ngành Thuỷ lợi được đánh giá là các ngành có bước phát triển mạnh mẽ vượt trội “từ không đến có”, đã tạo ra cơ sở hạ tầng kỹ thuật cơ bản để phát triển công nghiệp và nông nghiệp toàn diện của tỉnh. Tất cả là thành tựu của bàn tay, khối óc con người Tây Ninh với lòng yêu đất nước, quê hương nồng nàn, sâu sắc.

dien 1.jpg

Máy phát điện Caterpila của Trung tâm Điện lực Tây Ninh trước 30.4.1975 và các công nhân kỹ thuật thuộc Trung tâm.

40 năm trước, ngày giải phóng Tây Ninh 30.4.1975, hầu như toàn bộ nhân viên các cơ sở sự nghiệp như các nhà máy điện, nước, các bệnh viện đều không rời nhiệm sở, chờ lực lượng cách mạng đến tiếp quản.

Trong đó phải kể đến công nhân, viên chức "Nhà đèn" đã bảo quản máy móc, phương tiện rất chu đáo và bình tĩnh bàn giao cơ sở vật chất, tài liệu kỹ thuật có liên quan cho cách mạng. Đến nay, chỉ duy nhất một người trong trong số những nhân viên Nhà đèn ngày ấy còn sống nhưng sức khoẻ rất kém. Sau 40 năm, "Nhà đèn" ngày xưa không còn nhưng hầu như toàn bộ dân cư Tây Ninh đều đã có điện sử dụng.

Ngày nay, nhiều người lớn tuổi vẫn thường nhắc đến địa danh "Nhà đèn", dù rằng nơi này đã là trụ sở Công ty Điện lực Tây Ninh từ lâu. Công ty hình thành trên cơ sở tiếp quản Trung tâm Điện lực Tây Ninh của chính quyền Sài Gòn với một vài máy phát điện Diesel cỡ nhỏ (tổng công suất thiết kế khi mới lắp đặt là 14.200 kW, thực tế công suất khả dụng thời điểm tiếp thu năm 1975 chỉ khoảng 3.500 kW).

Thời ấy, lưới điện và khách hàng được tiếp quản từ Trung tâm Điện lực chính quyền cũ rất nhỏ bé, gồm khoảng  21km đường dây trung thế 15 kV và 23,10km đường dây hạ thế. Nguồn điện lúc này chỉ phục vụ cho bộ máy hành chính, quân sự tại tỉnh lỵ, một vài quận lỵ của chính quyền Sài Gòn và một số hộ dân tại khu trung tâm tỉnh với 4.039 khách hàng mua điện của Điện lực.

Trong năm đầu mới giải phóng, việc quản lý xã hội được thực hiện bằng hình thức quân quản, ngành Điện lực tỉnh Tây Ninh hoạt động ghép với cơ quan cấp nước với tên gọi là ngành Điện - Nước trực thuộc Uỷ ban Quân quản tỉnh Tây Ninh.

Thời gian này, với sự đóng góp đắc lực, nhiệt tình của đội ngũ công nhân Nhà đèn chế độ cũ, ngành Điện Tây Ninh đã liên tục phát điện phục vụ cho hoạt động của bộ máy chính quyền cách mạng non trẻ và một bộ phận nhỏ dân chúng.

Riêng ở thị xã Tây Ninh, đường dây điện chỉ có ở đoạn phố Gia Long, đường Phan Thanh Giản (CMT8 ngày nay) chạy vào giáp đường Ca Bảo Đạo (Lý Thường Kiệt ngày nay) rẽ xuống nối đường Báo Quốc Từ (Châu Văn Liêm - Hùng Vương ngày nay) tới cửa 1 chợ Long Hoa; nhưng cũng chỉ một số nhà dân cặp hai bên đường có sử dụng điện.

Đến đầu năm 1976, được sự chi viện cán bộ của ngành Điện và Than từ miền Bắc vào và một số cán bộ kỹ thuật, công nhân được đào tạo mới, Sở Quản lý và Phân phối điện Tây Ninh được thành lập, thực hiện chức năng sản xuất, quản lý và phân phối nguồn điện năng theo kế hoạch sản xuất của Nhà nước và phục vụ đời sống cho nhân dân.

Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn đối với ngành Điện tỉnh Tây Ninh do cung cấp điện trong điều kiện máy móc cũ kỹ, phụ tùng thay thế không còn nên chỉ riêng việc duy trì các máy phát điện vận hành liên tục cũng là cố gắng rất lớn của cán bộ, công nhân ngành Điện.

Thời khó khăn này được ông Sáu Thượng (Đặng Văn Thượng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh) ghi lại trong hồi ký "Trên nẻo đường quê hương" câu chuyện ông đi "cầu viện" ở miền Tây Nam bộ, thương lượng với các tỉnh bạn đổi gỗ rừng "Trần Lệ Xuân" lấy lương thực và máy phát điện, và được ông Sáu Hậu, Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang "biếu không" một máy phát điện công suất 500kW.

Năm 1980, lưới điện quốc gia được đưa về tới huyện Trảng Bàng bằng đường dây 66kV Hóc Môn - Trảng Bàng và trạm 66/15kV - 15MVA Trảng Bàng đánh dấu một bước ngoặc cho sự phát triển ngành Điện tỉnh nhà. Đến năm 1982, Sở Quản lý và Phân phối điện tỉnh Tây Ninh được đổi tên thành Sở Điện lực Tây Ninh. Giai đoạn này, Sở Điện lực Tây Ninh thực hiện hai chức năng sản xuất, kinh doanh điện và quản lý Nhà nước về điện trên địa bàn tỉnh.

Năm 1989, trạm biến áp 110/15kV Tây Ninh chính thức tiếp nhận nguồn điện từ lưới điện quốc gia đã góp phần giải toả áp lực thiếu điện tại thị xã Tây Ninh và các huyện phía Bắc. Đến năm 1991, điện lưới đưa đến các huyện Tân Biên và Tân Châu, hoàn thành mục tiêu 100% số huyện trong tỉnh có điện lưới quốc gia.

Năm 1993, Bộ Năng lượng có Quyết định số 528 NL/TCCB-LĐ ngày 30.6.1993 thành lập lại Sở Điện lực Tây Ninh trực thuộc Công ty Điện lực 2. Ngoài chức năng sản xuất và kinh doanh điện năng còn thêm chức năng xây lắp và sửa chữa thiết bị.

Đến năm 1996, Sở Điện lực Tây Ninh đổi tên thành Điện lực Tây Ninh theo Quyết định số 242 ĐVN/TCCB-LĐ ngày 8.3.1996 của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam. Đến đây, Điện lực không còn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước mà chuyển giao chức năng này sang Sở Công nghiệp.

Từ năm 1998, Tây Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện việc tiếp nhận lưới điện nông thôn và tổ chức bán lẻ đến từng khách hàng. Trước khi tiếp nhận, lưới điện nông thôn chủ yếu do các tổ điện và người dân tự đầu tư, do đó không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, mất an toàn, đặc biệt là hao hụt rất lớn, dẫn đến người dân phải mua điện cao gấp 4 - 5 lần giá Chính phủ quy định.

Trước tình hình trên, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và EVN SPC, Điện lực Tây Ninh đã phối hợp với Sở Công nghiệp (nay là Sở Công Thương) tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đề án tiếp nhận lưới điện nông thôn, giao toàn bộ lưới điện nông thôn cho Điện lực Tây Ninh quản lý để bán lẻ đến từng hộ dân.

Giai đoạn 2004 - 2006, Điện lực Tây Ninh tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, gắn điện kế bán lẻ đến các hộ dân trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, từng bước đưa nông thôn tiếp cận đô thị hoá.

Năm 2007, Điện lực Tây Ninh thực hiện hoàn tất việc nâng cấp toàn bộ đường dây trung áp từ 15kV lên 22kV, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Đến năm 2010, Điện lực Tây Ninh được đổi tên thành Công ty Điện lực Tây Ninh, trực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Nam.

Công ty Điện lực Tây Ninh đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1998, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2005, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2010 và nhiều phần thưởng cao quý khác.

5 năm gần đây (2010 - 2014), sản lượng điện thương phẩm của Công ty Điện lực Tây Ninh luôn ở mức cao, nằm trong tốp đầu về tốc độ tăng trưởng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam, bình quân là 16,92%/năm. Cụ thể, nếu như sản lượng điện thương phẩm Công ty năm 2010 là 954,33 triệu kWh thì đến năm 2014 sản lượng điện thương phẩm là 1.775,9 triệu kWh, tăng 186% so với năm 2010 và dự kiến năm 2015 đạt 2065 triệu kWh tăng gấp 216% so với năm 2010.

dien 2.jpg

Lưới điện quốc gia đã phủ khắp các địa phương trong tỉnh Tây Ninh.

Trong các năm qua, Công ty Điện lực Tây Ninh luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu kế hoạch do Tổng Công ty Điện lực miền Nam giao. Năm 2010, 2012 và năm 2013 Công ty đều thực hiện tăng lãi so với kế hoạch đề ra; riêng năm 2011 và năm 2014 Công ty đã thực hiện giảm lỗ với kết quả xuất sắc, nhiều năm liền là đơn vị dẫn đầu trong thực hiện chỉ tiêu của Tổng Công ty giao.

Ứng dụng công nghệ thông tin và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, Công ty Điện lực Tây Ninh đang sử dụng cổng thanh toán tiền điện qua ngân hàng (BIDV, Agribank, Vietinbank, Vietcombank, DongA Bank, LienVietPostBank, ABBank, VIB) với các dịch vụ chính: thanh toán tiền điện bằng chuyển khoản tự động, thu tại quầy giao dịch ngân hàng và qua điện thoại di động giúp cho việc thanh toán của khách hàng tiện lợi, nâng cao hình ảnh của Công ty đối với khách hàng, đa dạng hoá các dịch vụ thanh toán, góp phần giảm chi phí sản xuất kinh doanh.

Năm 2014, Công ty đã triển khai hình thức hoá đơn điện tử đến các khách hàng. Việc sử dụng hoá đơn điện tử đã tiết kiệm được thời gian, chi phí in ấn, vận chuyển, bảo quản, lưu kho, giảm thiểu rủi ro thất lạc hoá đơn trong quá trình giao thu, chấm xoá nợ; chủ động trong các công việc khởi tạo và phát hành hoá đơn. Bên cạnh đó, Công ty cũng đã đưa vào vận hành Phòng Giao dịch khách hàng tại 9/9 huyện, thành phố và chương trình "Nụ cười niềm tin điện lực" vào hoạt động phục vụ khách hàng.

40 năm qua, ngành Điện Tây Ninh cùng với ngành Thuỷ lợi được đánh giá là các ngành có bước phát triển mạnh mẽ vượt trội "từ không đến có", đã tạo ra cơ sở hạ tầng kỹ thuật cơ bản để phát triển công nghiệp và nông nghiệp toàn diện của tỉnh. Tất cả là thành tựu của bàn tay, khối óc con người Tây Ninh với lòng yêu đất nước, quê hương nồng nàn, sâu sắc.

Trong giai đoạn 2010 - 2015, số lượng khách hàng sử dụng điện tăng đáng kể. Năm 2011, số hộ dân có điện là 253.548 hộ (chiếm tỷ lệ 99,32% số hộ dân trên toàn tỉnh).

Đến năm 2014, toàn tỉnh Tây Ninh có 95/95 xã, phường, thị trấn có điện; số hộ có điện là 290.725 hộ, đạt tỷ lệ 99,5%. Trong đó số hộ nông thôn có điện là 237.455 hộ, đạt tỷ lệ 99,39%; số hộ thị trấn, thành phố có điện là 53.270 hộ, đạt tỷ lệ 100%.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây