50 năm chiến thắng Junction City

Thứ ba - 21/02/2017 11:00 338 0
Cách đây 50 năm, vào năm 1967 quân và dân ta đã đánh bại cuộc hành quân Junction City (Gianxơn xity) do đế quốc Mỹ tiến hành tấn công vào vùng căn cứ Bắc Tây Ninh. Để ghi lại chiến công oanh liệt của quân dân ta trong cuộc chiến đấu bảo vệ vùng căn cứ, UBND tỉnh Tây Ninh quyết định xây dựng tượng đài chiến thắng Gianxơn xity, tại thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu ngày nay. Lễ khánh thành tượng đài được tổ chức ngày 04/12/2015.

_tuongdai_.JPG

Tượng đài Chiến thắng Junction City. Ảnh: Chí Thành

Từ giữa năm 1965, khi Mỹ chính thức đưa quân viễn chinh Mỹ và chư hầu vào miền Nam trực tiếp chiến đấu gây chiến tranh cục bộ, Bộ Tư lệnh Mỹ đã rất quan tâm đến vùng căn cứ Bắc Tây Ninh. Mỹ không ngớt tuyên truyền gọi vùng chiến khu Bắc Tây Ninh này là "đất thánh của Việt cộng" có "Nhà Trắng" và "Lầu Năm góc" tức là có các cơ quan đầu não của Trung ương Cục, Uỷ ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Quân uỷ và Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhiều nhà lãnh đạo Mỹ nghĩ rằng cơ quan của Bộ Tư lệnh Việt cộng cũng giống như Lầu Năm góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) với cả một bộ máy lãnh đạo chỉ huy cuộc kháng chiến, tóm lại là như một Bộ Quốc phòng thu nhỏ ở giữa rừng già.

Từ cuối năm 1965 và suốt năm 1966, Oétmolen- Thống tướng tư lệnh quân đội Mỹ đã có ý định và kế hoạch cho quân đội Mỹ hành quân vào đây để tiêu diệt đầu não của Việt cộng. Mỹ cũng nghĩ rằng vùng này phải được phòng thủ bảo vệ rất mạnh bằng các sư đoàn chủ lực, nên muốn đánh vào phải sử dụng một lực lượng rất lớn áp đảo với Quân Giải phóng.

Ngày 22/02/1967, ngày mở đầu cuộc hành quân Gianxơn xity, Oétmolen đã làm một việc xưa nay chưa hề làm là đích thân phát ra một bản thông cáo đặc biệt công bố ý định của Bộ Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ mở cuộc hành quân lớn vào địa bàn Bắc Tây Ninh. Ông ta cũng rất tự hào về thắng lợi của cuộc hành quân, nên công bố luôn những mục tiêu mà cũng là những thắng lợi mà chắc chắn ông ta sẽ đạt được: Một là, phá căn cứ chính của kháng chiến, phá cơ sở kho tàng ở vùng Bắc Tây Ninh; Hai là, tiêu diệt cơ quan đầu não của Trung ương Cục, Mặt trận và Quân Giải phóng; Ba là, buộc các đơn vị chủ lực lớn tập trung phòng thủ bảo vệ chiến khu phải nhận giao chiến để rồi bị tiêu diệt. Theo ông ta nói trước tiên và cần thiết là tiêu diệt Sư đoàn 9 Việt cộng mà ông ta biết là đang đứng chân bảo vệ vùng này.

Oétmolen không tin tưởng sao được, khi ông ta tung vào cuộc hành quân này 45.000 quân gồm đủ các đơn vị sư đoàn, lữ đoàn sừng sỏ thiện chiến nhất của Mỹ: Sư đoàn số 1 Anh cả đỏ, Sư đoàn 25 Tia chớp nhiệt đới, Lữ đoàn 173 không vận, Lữ 196 bộ binh và chỉ có vài đơn vị quân Sài Gòn đi theo điếu đóm. Lực lượng chủ công gồm đoàn quân Mỹ, lực lượng cấp quân đoàn với lượng vũ khí to lớn gồm 1.000 xe tăng và xe thiết giáp, 200 đại bác hạng nặng, hàng trăm máy bay các loại.

Ngày 22/02/1967, toàn bộ quân số và vũ khí khí tài khổng lồ này rùng rùng chuyển lên Bắc Tây Ninh. Oétmolen không giấu các nhà báo kế hoạch hành quân của ông ta: rất đơn giản nhưng cũng rất sấm sét và đầy hiệu quả. Đó là dùng các phương tiện xe cơ giới, xe thiết giáp, máy bay trực thăng, máy bay nhảy dù đổ quân bao vây bịt kín biên giới Việt Nam- Campuchia về phía Bắc và dọc sông Vàm Cỏ Đông về phía Tây, rồi tiến quân tạo thành hai gọng kìm theo các lộ 20, lộ 22 và lộ 4 kẹp chặt hai bên, sau đó dùng lực lượng mạnh đánh thẳng vào ruột căn cứ để chia cắt, càn quét, chà xát, triệt hạ hết kho tàng, tiêu diệt hết lực lượng kháng chiến, tiêu diệt các cơ quan đầu não Việt cộng.

Địch mở đầu cuộc hành quân đúng theo kế hoạch đã định. Đối với nửa chiến khu Bắc Tây Ninh ở phía Đông Quốc lộ 22, địch dùng máy bay trực thăng đổ quân của Lữ đoàn 196, Sư đoàn Anh Cả đỏ xuống các điểm Kà Tum, Xóm Mới, Rùm Đuôn và nhiều điểm khác dọc theo biên giới Campuchia. Lữ đoàn 173 không vận cho quân nhảy dù xuống nhiều trảng trống ở rìa rừng và sâu trong căn cứ. Một lữ đoàn hành quân ở Quốc lộ 22 làm gọng kìm phía Tây. Một sư đoàn hành quân ở Tỉnh lộ 4 làm gọng kìm phía Động. Thế là địch đã hình thành thế bao vây ở cả ba mặt Bắc, Đông, Tây. Còn ở phía Nam Oétmolen dùng 2 lữ đoàn của Sư đoàn 25 Tia Chớp nhiệt đới và Trung đoàn thiết giáp số 11 làm mũi tiến công chủ yếu đánh từ phía Nam lên Sóc Ky thọc vào giữa ruột chiến khu.

Đối với nửa chiến khu ở phía Tây Quốc lộ 22, địch dổ quân bằng máy bay trực thăng, xe M113 có xe tăng đi đầu xuống các Trảng Tà Đạt, Tà Nốt và các trảng dọc biên giới Campuchia ở phía Bắc và dọc sông Vàm Cỏ ở Bến Ra- Lò Gò. Xe tăng và xe M113 chạy dọc theo biên giới nối các điểm đổ quân bao vây và cũng chốt lại ở một số chỗ.

Địch đặt trận địa pháo ở Trảng Tà Xia, Bắc lộ 20 là con lộ từ Thiện Ngôn đi Lò Gó. Từ đây nã pháo vào căn cứ, cho xe tăng chạy dọc lộ 20, lộ 22 đánh thọc vào căn cứ.

Như vậy cuộc hành quân lớn nhất của quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam, với tham vọng lớn nhất được Bộ Tư lệnh Mỹ đặt niềm tin vào thắng lợi nhiều nhất, đã được mở màn và triển khai theo kế hoạch một cách hoàn hảo nhất. Thế nhưng cuối cùng quân đội Mỹ lại không đạt được bất cứ mục tiêu nào dù là nhỏ nhất, mà lại bị thiệt hại năng nề nhất. Qua 53 ngày đêm (từ ngày 22/02/1967 đến 15/4/1967) chiến đấu dũng cảm quân, dân vùng căn cứ và quân, dân Tây Ninh đã bẻ gãy hoàn toàn cuộc hành quân lớn nhất của quân đội Mỹ. Lực lượng vũ trang giải phóng đã diệt gọn 2 tiểu đoàn, 11 đại đội bộ binh, tiểu đoàn pháo binh, 9 chi đoàn xe thiết giáp, tiêu hao nặng 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn dù, loại khỏi vòng chiến đấu 14.233 tên Mỹ (1/3 quân số), phá huỷ 992 xe (có 775 xe thiết giáp), 112 trong số 256 khẩu pháo, bắn rơi 160 máy bay, trong đó có 144 trực thăng, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng nhiều đơn vị tinh nhuệ của Mỹ.

Điều gì đã giúp cho Quân Giải phóng bảo toàn được lực lượng, bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam và các kho tàng dự trữ cho cuộc chiến tranh. Điều này chỉ có thể lý giải là Đảng Cộng sản Việt Nam mà trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam đã vận dụng sáng tạo nghệ thuật lãnh đạo chiến tranh nhân dân của Đảng, chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.

Diễn biến của các trận đánh, nguyên nhân ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Gianxơn Xity, 50 năm qua đã được nhắc đến nhiều qua sách báo, các cuộc hội thảo khoa học và tồn tại trong ký ức của các nhân chứng đã từng có mặt ở vùng chiến khu Bắc Tây Ninh trong 53 ngày đêm ác liệt ấy. Giành được thắng lợi to lớn, toàn diện đó, quân dân Tây Ninh đã đóng góp một phần không nhỏ công sức của mình, cùng quân dân miền Đông đánh bại cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai của địch, tạo ra cục diện chiến trường mới có lợi cho cách mạng miền Nam, đặc biệt, những bài học rút ra từ chiến thắng cuộc hành quân Gianxơn xity đã góp phần quan trọng làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Cuộc chiến đã lùi xa vào quá khứ 50 năm, những cánh rừng bạt ngàn vùng căn cứ Bắc Tây Ninh ngày nào khô vàng, trắng xác, cây cối gãy gục do bom pháo, chất độc hoá học. Đất rừng bị bom đạn cày xới, hố bom nối tiếp hố bom thành những miệng phiễu chồng chất lên nhau, giờ đã xanh màu trở thành nơi lưu giữ tài sản thiên nhên quốc gia đó là Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát, rừng Văn hoá lịch sử Chàng Riệc, rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Dầu Tiếng và những cánh rừng cao su, mì, mía bạt ngàn. Để ghi lại dấu ấn quan trọng, chiến thắng oanh liệt của quân dân ta đánh bại cuộc hành quân Gianxơn xity, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, đồng thời thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Bác Hồ kính yêu và các thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã xây dựng tượng đài chiến thắng Gianxơn xity. Lễ khánh thành tượng đài chiến thắng được long trọng tổ chức vào ngày 04/12/2015 tại thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu ngày nay.  Nhắc lại quá khứ để thêm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Quang Dững

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây