9 nhóm giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH năm 2013

Thứ bảy - 05/01/2013 00:00 72 0
Trong phiên họp trực tuyến mới đây nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013, UBND tỉnh nhận định rằng, năm 2013 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã đề ra.

 

Nâng cấp đường điện Thị xã – thành phố Tây Ninh trong tương lai

 

Năm 2012, nền kinh tế của tỉnh dần được phục hồi nhờ những thành tựu đầu tư từ các năm trước, đảm bảo thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển sản xuất… song vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Dự báo kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nền kinh tế của tỉnh chỉ có khả năng khôi phục nhẹ, sức cạnh tranh chưa cao, nguồn lực đầu tư không đủ đáp ứng yêu cầu hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới là những vấn đề đang và sẽ tiếp tục gây khó khăn đến thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.

Để hoàn thành 22 chỉ tiêu chủ yếu mà tỉnh đã đề ra, lãnh đạo UBND tỉnh nhấn mạnh, các ngành, các cấp cần phải tập trung triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 9 nhóm giải pháp. Theo đó, cần tăng cường củng cố mục tiêu ổn định nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, tạo đà cho tăng trưởng bền vững những năm sau. Tập trung thực hiện 03 chương trình đột phá và các chương trình trọng điểm của tỉnh.

Tăng cường đầu tư xã hội, bên cạnh đầu tư từ vốn ngân sách cần tập trung huy động mọi nguồn lực khác nhau cho đầu tư. Tái cơ cấu đầu tư công để đảm bảo hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm. Rà soát danh mục dự án cơ sở hạ tầng và mức vốn đầu tư cho từng dự án cụ thể, tránh dàn trải, thất thoát, gây lãng phí.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các cơ chế chính sách, giải pháp liên quan đến lĩnh vực đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư; đồng thời rà soát loại bỏ những quy định cản trở đến việc thu hút các nguồn lực đầu tư. Cần quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất lao động và chất lượng của sản phẩm hàng hoá.

Nâng cao hiệu quả sản xuất các ngành, lĩnh vực. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững. Tập trung thu hút, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh chương trình khuyến công. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; sản phẩm có hàm lượng chất xám, có giá trị tăng cao; góp phần chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và cơ cấu lao động trên địa bàn. Phát triển thương mại nội địa và thương mại biên giới. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh, phúc lợi và công bằng xã hội, tạo những chuyến biến mạnh mẽ. Đảm bảo an sinh xã hội phải gắn liền với giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững. Thực hiện, kiểm soát bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. Cải thiện vấn đề việc làm, thu nhập và đời sống của các tầng lớp dân cư.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đào tạo đối với các cơ sở đào tạo, dạy nghề. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục đào tạo, dạy nghề, khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện của tỉnh, phát huy tiềm năng về trí tuệ và vật chất trong nhân dân.

 

Đẩy mạnh cải cách hành chính và công khai thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền. Tổ chức giải quyết thủ tục hành chính đúng quy định, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức; bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành; khắc phục các hạn chế yếu kém trong quản lý điều hành. Kịp thời xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, hạch sách, gây phiền hà người dân.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác bảo vệ môi trường. Tích cực, chủ động phòng ngừa ô nhiễm môi trường; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn phát sinh các nguồn thải gây ô nhiễm; đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường; giảm tác động gây ô nhiễm môi trường từ các hoạt sản xuất, kinh doanh dịch vụ; cải tạo và phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai; hậu kiểm giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng; chủ động phòng chống cháy rừng.

Tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng chính quyền, là giải pháp mang tính quyết định để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp.

Theo BTNO

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây