An toàn vệ sinh thực phẩm: Trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh

Thứ hai - 08/05/2017 12:00 38 0
Trong Tháng Hành động về an toàn vệ sinh thực phẩm năm nay, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế chủ trì đã tiến hành kiểm tra nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh.

an pham 1.JPG

Kiểm tra ATVSTTP tại một hộ kinh doanh.

Chị Huỳnh Thị Ngọc Phú- chủ một quán cơm ở khu phố 3, phường 3, thành phố Tây Ninh cho biết, chị kinh doanh quán cơm đã 10 năm nay. Chị xác định, khi kinh doanh ngành nghề này phải đáp ứng các quy định của pháp luật. Chị đã trải qua các lớp tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sau mỗi đợt đoàn kiểm tra đến làm việc, quán cơm của chị đều có sự chấn chỉnh, thay đổi theo yêu cầu của đoàn. Chị Phú không ngại bỏ ra những khoản chi phí không nhỏ, lên đến vài chục triệu đồng để đầu tư, nâng cấp cơ sở, mua trang thiết bị đạt yêu cầu vệ sinh để phục vụ kinh doanh. Chị cho rằng việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ cho thực khách chính là trách nhiệm của người kinh doanh như chị.

Cũng tại phường 3, có cơ sở sản xuất chả lụa của anh Trương Quốc Trí. Khi đoàn đến kiểm tra, cơ sở này vẫn còn những thiếu sót về mặt giấy tờ. Anh Trí tiếp thu sự góp ý, nhắc nhở của đoàn và hứa cố gắng khắc phục.

Theo lời anh Trí, cơ sở sản xuất của anh chỉ mới hoạt động được vài tháng. Trước khi bắt tay vào sản xuất, anh cũng có tham khảo trên mạng internet để tìm hiểu về thủ tục, và các loại giấy tờ bắt buộc phải có khi tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm thực hiện cho đúng quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Điều- Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, trong các đợt kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm, đoàn kiểm tra chỉ nhắc nhở, chấn chỉnh những hiện tượng còn thiếu sót, sai lệch so với quy định của pháp luật.

Qua đó, chỉ ra hướng đi đúng cho các chủ cơ sở trong việc sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm sao cho bảo đảm vệ sinh, tạo ra sản phẩm an toàn cho xã hội. Đáng mừng là có nhiều hộ sản xuất, kinh doanh có ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có những cơ sở vi phạm về điều kiện vệ sinh, hồ sơ pháp lý, không chứng thực được nguồn gốc nguyên vật liệu và cũng không có sự hợp tác với đoàn kiểm tra, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Điển hình như cơ sở sản xuất muối ớt của bà tại khu phố 2, thị trấn Bến Cầu, huyện Bến Cầu. Cơ sở này đã có hành vi bất hợp tác, không cung cấp giấy tờ cho đoàn kiểm tra. Các thành viên trong đoàn phải đến hai lần mới gặp được chủ cơ sở.

Thực tế kiểm tra cho thấy tại nhà xưởng sản xuất này, hàng chục ký muối ớt thành phẩm được đổ đống trên tấm manh để dưới sàn nhà chờ tiêu thụ. Điều kiện vệ sinh tại đây không bảo đảm theo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trước mắt, đoàn kiểm tra phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành niêm phong nhà xưởng cho đến khi cơ sở này cung cấp đủ thủ tục hồ sơ pháp lý.

Tình trạng chống đối cũng có nhiều biểu hiện khác nhau, có khi đoàn kiểm tra phải nhờ tới chính quyền, lực lượng công an địa phương hỗ trợ để giải quyết. Với vai trò phó trưởng đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Nguyễn Điều cho biết thêm: đối với các cơ sở có sự chống đối, bất hợp tác, đoàn sẽ kiên quyết xử lý đến cùng. Việc xử lý cũng là để cho cơ sở thấy được cái sai của mình để khắc phục sai phạm.

Khi đến hộ sản xuất mì tươi tại phường 2, thành phố Tây Ninh, đoàn kiểm tra phát hiện điều kiện vệ sinh ở cơ sở này không bảo đảm yêu cầu. Biết được chủ cơ sở có hoàn cảnh khó khăn, nguồn kinh tế chính phụ thuộc vào việc sản xuất mì, đoàn đã lập biên bản niêm phong nhưng uỷ quyền cho địa phương quan tâm hỗ trợ, giám sát cơ sở thực hiện các việc khắc phục tình trạng vi phạm như dọn dẹp vệ sinh, hoàn chỉnh hồ sơ để có thể nhanh chóng hoạt động trở lại theo hướng an toàn, đúng quy định.

 Chị Nguyễn Thị Liên, chủ một hộ sản xuất mì tại phường 3, thành phố Tây Ninh sau khi được đoàn kiểm tra đến nhắc nhở, chấn chỉnh những hiện tượng vi phạm đã tiếp thu và hứa cố gắng khắc phục. Chị Liên cho biết, chị hài lòng với kết quả kiểm tra, đoàn đã có sự hướng dẫn cụ thể mà nếu như không có sự hướng dẫn này, chị cũng không biết mình sai chỗ nào, cần phải chấn chỉnh những gì.

Trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh

Trước tình hình vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra khá phức tạp như hiện nay, việc “xử lý nghiêm” luôn được ngành chức năng nhắc đến với hy vọng có thể tạo ra sự chuyển biến tốt.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh trong hội nghị tổng kết công tác này năm 2016 từng có ý kiến: nghiêm khắc không chỉ chú trọng xử phạt nhiều, phạt mạnh tay mà còn phải linh hoạt trong thực tế, tạo điều kiện cho cơ sở thay đổi sản xuất theo hướng ổn định, an toàn hơn. Còn đối với những cơ sở tái diễn vi phạm, dĩ nhiên cũng cần mạnh tay để có sức răn đe.

Theo quy định, đối với người kinh doanh thức ăn đường phố, sản xuất nhỏ lẻ, chỉ cần cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm với UBND xã, phường, thị trấn, có giấy khám sức khoẻ đối với người trực tiếp chế biến, có xác nhận kiến thức do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trung tâm Y tế, phòng Y tế huyện, thành phố cấp là được.

Đây là những yêu cầu không qua khó đối với người kinh doanh, sản xuất thực phẩm. Riêng đối với những cơ sở quy mô hơn thì cần liên hệ cơ quan quản lý cấp huyện, tỉnh để hoàn thành thủ tục. Và việc này cũng không đòi hỏi quá tốn thời gian.

An toàn vệ sinh thực phẩm là một vấn đề đang được sự quan tâm của toàn xã hội. Vì vậy, người sản xuất kinh doanh thực phẩm càng cần phải trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để làm ra những sản phẩm thật sự an toàn, bảo đảm sức khoẻ cho người tiêu dùng. Đó vừa là yêu cầu đòi hỏi của pháp luật, vừa là lương tâm, đạo đức của nhà sản xuất, kinh doanh.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây