Bản sắc văn hoá của tộc người Tà Mun ở Tây Ninh

Thứ năm - 30/07/2015 11:00 201 0
Tà Mun có nguồn gốc từ âm “Khmun”- là tên gọi của một trong những vị thần bảo hộ của họ. Do dân số ít và trải qua nhiều biến động về sinh hoạt, nhất là do lối sống cộng cư nên người Tà Mun dễ hoà nhập với văn hoá các dân tộc láng giềng khác.

Chú rể Tà Mun trong lễ cưới.

Tộc người là một hiện tượng văn hoá đã có rất xa xưa trước khi hình thành văn hóa dân tộc. Nói đến văn hoá tộc người là đề cập đến phạm vi bao gồm toàn bộ các khía cạnh sinh hoạt - đời sống tạo nên một sắc thái riêng của tộc người đó đã và đang tồn tại riêng biệt không hoà lẫn với một tộc người nào khác.

Tộc người Tà Mun ở Tây Ninh có nét văn hoá truyền thống rất đặc sắc và riêng biệt. Cộng đồng tộc người Tà Mun là một nhóm dân tộc có sự hợp giao, cộng cư với hai nhóm dân tộc khác là Stiêng và Châu-Ro ở phía Nam dãy Trường Sơn; đồng thời có ảnh hưởng sâu đậm của tộc người Khmer trong vùng.

Tà Mun có nguồn gốc từ âm “Khmun”- là tên gọi của một trong những vị thần bảo hộ của họ. Do dân số ít và trải qua nhiều biến động về sinh hoạt, nhất là do lối sống cộng cư nên người Tà Mun dễ hoà nhập với văn hoá các dân tộc láng giềng khác.

Tuy nhiên cho đến nay, tộc người Tà Mun ở Tây Ninh vẫn còn lưu giữ được những giá trị văn hoá tinh thần, tín ngưỡng dân gian… truyền thống đặc trưng của dân tộc mình.

Về phương thức sản xuất, người Tà Mun sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Lúa Tơ-rô và lúa Sau-sơ-ra là hai giống lúa rẫy phù hợp với thổ nhưỡng của cư dân Tà Mun.

Loại lúa này có thời gian sinh trưởng từ đầu mùa mưa đến cuối tháng tám âm lịch; khi lúa chín vàng, người Tà Mun kéo nhau ra rẫy thu hoạch, họ đeo gùi trên lưng, dùng tay tuốt từng bông lúa bỏ vào gùi, mang về nhà cho vào củi, bồ.

Người Tà Mun trước đây sống du canh du cư (hiện nay đã tương đối ổn định) nên họ thường đốt rừng làm rẫy trồng lúa và tầm vông. Vào mùa nắng, sông suối khô cạn, người Tà Mun có dịp chứng tỏ mình giỏi đánh bắt cá.

Trong quá trình sản xuất, người Tà Mun đã chế tạo ra nhiều công cụ lao động như: cày, bừa, phảng, cù nèo, vòng hái, cối xay, lưới, chài, xịp, nơm, giỏ, ghế đập lúa… Hiện nay, khi hoà nhập với cuộc sống hiện đại, họ dần thay thế chúng bằng các công cụ lao động khác của người Kinh cho phù hợp với hoạt động sản xuất.

Về nhà ở, trước kia do cuộc sống phần lớn gắn với rừng (hiện nay đa số sống ở vùng nông thôn) nên người Tà Mun thường dựng nhà bằng các vật liệu làm từ cây rừng để thích ứng với điều kiện tự nhiên xung quanh. Nhà ở của họ thường là nhà nền đất ba gian hoặc năm gian.

Qua quá trình cộng cư với các tộc người láng giềng, trong đó có người Kinh, hiện nay người Tà Mun cũng biết xây nhà tường, sử dụng gạch, ngói, tôn, nhiều hộ có nhà cửa rất khang trang.

Về kiến trúc tâm linh, người Tà Mun chưa có công trình nào đặc sắc, chủ yếu là các miếu, am rất nhỏ thường nằm nép mình hai bên đường, dưới gốc cây cổ thụ hoặc một góc chùa để thờ các thần linh.

Về trang phục, hầu hết có nét tương đồng với trang phục các dân tộc ở Nam Trường Sơn, khá giống trang phục của người Khmer. Nam thường mặt áo cổ đứng vận Sarong, nữ mặc áo dài không xẻ (compong) và váy.

Trong các lễ hội hoặc đám cưới, người đi lễ và cô dâu, chú rể mặc những trang phục màu sắc rực rỡ. Hiện nay, rất ít người Tà Mun còn mặc đồ truyền thống; chỉ trừ các già làng, phụ nữ cao tuổi. Đàn ông trước kia đóng khố nay hầu hết mặc quần giống như người Kinh; có khi mặc áo dân tộc khá giống trang phục Khmer.

Về tín ngưỡng, người Tà Mun tin rằng có các thần linh nói chung được gọi UNC- có nghĩa là ông, bà. UNCÔ trong ngôn ngữ phổ thông của người Tà Mun dùng để chỉ những người thuộc thế hệ cha ông của cha mẹ mình và được họ rất tôn kính.

Tuy nhiên, UNCÔ cũng thường được sử dụng một cách ẩn dụ để chỉ các thần linh cao hơn như UNCÔHE là thần đất, UNCÔMIR là thần rẫy, UNCÔPANÂM là thần núi và UNCÔLÊ là thần sông…

Người Tà Mun tin rằng con người và động vật đều có linh hồn, do đó sẽ có một thế giới bên kia cho linh hồn của người chết (hoặc động vật). Linh hồn của người chết trong họ hàng thân tộc là người cao niên- nói chung là thế hệ tổ tiên thì gọi là UNTÀ.

Như vậy, người Tà Mun luôn luôn tôn kính ông bà tổ tiên và các vị thần linh của mình. Chính vì thế người Tà Mun cũng có rất nhiều lễ hội gắn với việc thờ cúng ông bà, tổ tiên của họ; đó là lễ cúng ông bà, lễ cầu mưa, lễ quăkuntà, lễ cúng miễu, lễ rước bông, lễ cưới và Tết cổ truyền Tà Mun.

Người Tà Mun là một cộng đồng dân tộc đã hiện hữu trên mảnh đất Tây Ninh hơn một thế kỷ qua. Họ có mối quan hệ gắn bó mật thiết với các dân tộc khác như: Stiêng, Khmer, Châu-Ro và người Kinh. Chỉ có điều đáng tiếc là cho đến nay “danh phận” của tộc người Tà Mun ở Tây Ninh vẫn chưa được chính thức công nhận.

 

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây