Báo cáo tổng kết hoạt động của trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2008-2018

Thứ tư - 31/10/2018 09:00 363 0
Thực hiện Công văn số 4630/BGDĐT-GDĐT ngày 08/10/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo tổng kết 10 năm trường phổ thông Dân tộc Nội trú giai đoạn 2008-2018, ngày 30/10/2018 Sở GDĐT ký ban hành Báo cáo số 2664/SGDĐT-GDTrH báo cáo tổng kết 10 năm hoạt động của trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Tây Ninh.

Tiet muc van nghe cua truong PT DTNT tinh.JPG

Hình ảnh một tiết mục văn nghệ tại trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Tây Ninh

Theo báo cáo, nhìn chung cơ sở vật chất của trường phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh  (DTNT) hàng năm đều được bổ sung, nâng cấp, cải tạo, đầu tư thiết bị dạy học. Các điều kiện của trường hiện có đáp ứng cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; chế độ chính sách của tỉnh hỗ trợ cho học sinh trường PTDTNT tạo điều kiện cho công tác giáo dục dân tộc ở địa phương được ổn định và phát triển, bước đầu đã tạo được nguồn cán bộ là người dân tộc để phục vụ cho các địa phương. Chất lượng giáo dục của nhà trường ngày được nâng cao, giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống, văn hóa dân tộc, tổ chức chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và chăm lo sức khỏe cho học sinh được đẩy mạnh. Chương trình và kế hoạch dạy học được thực hiện đầy đủ.

Tỷ lệ người dân tộc thiểu số so với tổng số dân toàn tỉnh thấp, sống rải rác trên địa bàn toàn tỉnh nên tỉnh chỉ có một trường phổ thông DTNT cấp tỉnh và tuyển sinh học sinh cả 2 cấp THCS và THPT. Việc thành lập trường DTNT cấp huyện là không khả thi. Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh với 2 cấp THCS và THPT. Trường được thành lập theo Quyết định số 1452/QĐ-UBND ngày 05/8/2010 của UBND tỉnh. Sau một năm xây dựng, nhà trường đi vào hoạt động từ năm học 2011-2012. Hàng năm thường xuyên có từ 450 đến 550 học sinh thuộc các dân tộc khác nhau học tập và sinh hoạt nội trú tại trường, trong đó học sinh dân tộc Khmer chiếm trên 50% số học sinh toàn trường. Từ năm học 2011-2012 đến nay, 100% học sinh của trường được ở nội trú và được hưởng chế độ theo quy định tại Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29 tháng 5 năm 2009 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học.

Học sinh nhà trường ngoài việc được hưởng chế độ theo quy định tại Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29 tháng 5 năm 2009 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo còn được khuyến khích học tập theo quy định tại Quyết định số 51/2012/QĐ-UBND ngày 06/11/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh. Vì vậy, công tác tuyển sinh hàng năm của nhà trường đều đạt yêu cầu.

Về công tác tuyển sinh, hàng năm trường tuyển sinh đầu vào cấp THCS và THPT theo phương thức xét tuyển học bạ vì hàng năm số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển vào trường DTNT tỉnh không nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh nên việc lựa chọn phương thức xét tuyển học bạ là hợp lý.

Về công tác giáo dục lao động, hướng nghiệp và dạy nghề, trường phổ thông DTNT đã thực hiện tốt các nhiệm vụ cơ bản đó là: Giáo dục nghề nghiệp; tuyên truyền nghề nghiệp; tư vấn nghề nghiệp; tạo điều kiện cho việc tuyển chọn nghề. Vì vậy, hầu hết học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đã chọn cho mình có được nghề ổn định, phù hợp. Hiện nay trường phổ thông DTNT chỉ thực hiện dạy nghề môn tin học cho học sinh lớp 9 và học sinh lớp 11 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chưa tổ chức các hoạt động dạy nghề truyền thống và dạy nghề khác.

Về chất lượng giáo dục và hiệu quả đào tạo của trường PTDTNT, trường bước đầu thực hiện tốt việc phổ cập giáo dục cấp THCS học sinh DTTS để tạo nguồn cho cấp THPT. Tỷ lệ học sinh yếu kém ngày càng giảm. Tỷ kệ học sinh được xét TN THCS đạt 100%; tỷ lệ tốt nghiệp THPT qua các năm: năm 2012 (90,47%); 2013 (93,33%); 2014 (97,7%); 2015 (83,78%); 2016 (88,37%); 2017 và 2018 đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%,

Về hiệu quả đào tạo, học sinh sau khi tốt nghiệp, phần lớn các em lao động phổ thông tại địa phương, các em nữ lập gia đình. Một số ít tham gia dân quân, nghĩa vụ công an tại địa phương; một số em tiếp tục học đại học (Đại học sư phạm, học viện hành chính, TDTT, Công nghệ thực phẩm..); các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trường cao đẳng nghề.

Tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh nội trú, nhà trường tổ chức bếp ăn tập thể cho học sinh thông qua việc trường hợp đồng với công ty chuyên nghiệp về cung cấp suất ăn công nghiệp để tổ chức nấu ăn tại trường 3 buổi/ngày cho học sinh; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc cung cấp lương thực, thực phẩm, ga cho bếp ăn; kiểm soát khâu chế biến, nấu nướng và bảo quản; vận chuyển lương thực, thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định, không để xảy ra bất cứ sự cố nào, dù nhỏ.

Về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường, trường có 68 CBQL, giáo viên và nhân viên, trong đó có 27 giáo viên giảng dạy.

Về mặt thuận lợi, nhà trường được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các ban ngành trong tỉnh, cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong qua trình thành lập và hoạt động của trường PTDTNT. Ưu tiên chọn đội ngũ cán bộ, viên chức tâm huyết với nghề, có tinh thần tự học, tự rèn để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, luôn nhiệt tình, năng nổ, đoàn kết, có tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục dân tộc. Tỉnh chú trọng trang bị, xây dựng cơ sở vật chất đầy đủ để phục vụ cho giảng dạy, học tập và sinh hoạt nội trú của học sinh. Các trang thiết bị, đồ dùng dạy học được trang bị bổ sung đầy đủ, kịp thời; chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo đặc biệt quan tâm môi trường học tập và sinh hoạt trường DTNT đảm bảo xanh, sạch, đẹp tạo điều kiện tốt để xây dựng trường học thân thiện; chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo, lãnh đạo trường DTNT phối hợp với các ban ngành, địa phương có liên quan đảm bảo an ninh, trật tự theo yêu cầu hiện nay. Bên cạnh các chế độ của trung ương, tỉnh tạo điều kiện cho học sinh trường DTNT bằng việc ban hành Quyết định số 51/2012/QĐ-UBND ngày 06/11/2012.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhà trường vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như như học sinh nhà trường gồm nhiều dân tộc khác nhau, mỗi dân tộc có phong tục, tập quán riêng; đa số các em ở vùng sâu, vùng xa, nhận thức của các em còn hạn chế, tâm lý tự ti, nhút nhát. Chế độ học bổng của học sinh còn thấp so với nhu cầu tối thiểu của các em học sinh; khó tạo được súc hút đối với giáo viên giỏi, nhất là các môn khoa học tự nhiên và tiếng Anh.

Ngoài ra, báo cáo còn đề ra một số bài học kinh nghiệm như cấp ủy, chính quyền cần quán triệt và thực hiện tốt hơn nữa chính sách dân tộc, quan tâm tập trung cho mục tiêu phat triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc; phát huy tốt vai trò của các vị chức sắc, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đối với việc học tập, rèn luyện của các em học sinh vì đây là lực lượng tiêu biểu, nòng cốt, luôn  được đồng bào dân tộc thiểu số tín nhiệm; ;thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chế độ chính sách cho học sinh học tập trường phổ thông DTNT tỉnh quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số. Có chính sách cụ thể tạo nguồn đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số thông qua trường phổ thông DTNT tỉnh. Tập trung nguồn lực cho vùng dân tộc thiểu số, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số.

                                           An Nhiên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây