Bảo hiểm y tế đối với công chức, viên chức Quốc phòng

Thứ sáu - 27/05/2016 10:00 83 0
Liên Bộ Quốc phòng - Y tế - Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế đối với công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, lao động hợp đồng, học sinh, sinh viên đang công tác, làm việc, học tập trong Bộ Quốc phòng, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu và thân nhân quân nhân tại ngũ, thân nhân cơ yếu.
Ảnh minh họa

Thông tư quy định rõ mức đóng bảo hiểm y tế với các đối tượng thuộc nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng gồm: Công chức, viên chức, công nhân quốc phòng; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương theo ngạch, bậc công chức, viên chức nhà nước; trí thức trẻ tình nguyện theo Quyết định 174/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng với các đối tượng trên bằng 4,5% tiền lương tháng theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, hoặc 4,5% tiền lương tháng ghi trong hợp đồng lao động, trong đó đơn vị sử dụng lao động đóng 2/3, người lao động đóng 1/3.

Trong thời gian người lao động bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì mức đóng hàng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng của người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng BHYT trên số tiền lương được truy lĩnh.

Trong thời gian được cử đi học tập, công tác hoặc đi lao động tại nước ngoài thì không phải đóng BHYT; thời gian đó được tính là thời gian tham gia BHYT cho đến ngày có quyết định trở lại làm việc của cơ quan, tổ chức cử đi; trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhập cảnh về nước nếu tham gia BHYT thì toàn bộ thời gian đi lao động tại nước ngoài và thời gian kể từ khi về nước đến thời điểm tham gia BHYT được tính là thời gian tham gia BHYT liên tục.

Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHYT nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.

Thông tư cũng nêu rõ nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng BHYT bao gồm: Học viên đào tạo cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự cấp xã hệ tập trung theo Quyết định 799/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đang hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách nhà nước, chưa tham gia BHYT; người nước ngoài đang học tập trong các học viện, nhà trường Quân đội được cấp học bổng từ ngân sách nhà nước Việt Nam theo các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; thân nhân của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và hạ sĩ quan, binh sĩ; thân nhân của người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang làm công tác trong Bộ Quốc phòng hoặc tại các Bộ khác, ngành, địa phương và thân nhân của học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ chính sách đối với học viên ở các trường Quân đội gồm bố đẻ, mẹ đẻ, bố đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi…

Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng gồm: Học sinh, sinh viên hệ dân sự trong các học viện, nhà trường quân đội, cơ yếu.

Theo chinhphu.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây