Bảo vệ môi trường - nhiệm vụ và các giải pháp

Thứ tư - 04/06/2014 00:00 78 0
Hiện nay công tác bảo vệ môi trường đang đứng trước nhiều thách thức, thực trạng môi trường đang nảy sinh nhiều hệ lụy phức tạp, việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp không đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật về môi trường, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Hoạt động khai thác khoán sản ở nhiều nơi thiếu sự quản lý chặt chẽ đã làm gia tăng các điểm ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn, chất thải y tế, nước thải sinh hoạt và công nghiệp đúng quy chuẩn Việt Nam còn thấp. Bụi và khí thải phát sinh từ hoạt động giao thông, xây dựng, cơ sở sản xuất,...chưa được kiểm soát chặt chẽ đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chất thải sản xuất từ nông nghiệp, sinh hoạt ở nông thôn không được thu gom, xử lý đúng  quy cách, hợp vệ sinh. Tình trạng sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan làm ô nhiễm môi trường nông thôn ngày càng gia tăng, tình trạng công nghệ lạc hậu, chất thải dưới hình thức phế liệu nhập vào Việt Nam đang  diễn biến phức tạp, đa dạng sinh học bị suy thoái và bị đe dọa nghiêm trọng, các loài, nguồn gen quý hiếm ngày càng giảm sút và thất thoát, số loài có nguy cơ tiệt chủng ngày càng gia tăng. Theo Bộ Tài nguyên Môi trường, nước ta đang  phải đối mặt với nhiều thách  thức lớn do ô nhiễm, suy thoái môi trường đang có xu hướng gia tăng, ngày càng gay gắt, đe dọa trực tiếp tới thành quả phát triển kinh tế- xã hội. Từ thực trạng nêu trên một số nhiệm vụ và giải pháp được đặt ra và cần gấp rút thực hiện như sau:

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ hoạt động theo pháp luật đối với các vi phạm nghiêm trọng, thực hiện công khai thông tin các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Việc xây dựng các nhà máy, dự án trong khu, cụm công nghiệp chỉ được tiến hành sau khi khu, cụm công nghiệp đã hoàn thành nhà máy xử lý nước thải theo quy định, đảm bảo xử lý toàn bộ nước thải phát sinh đạt quy chuẩn môi trường.

Tăng cường kiểm soát việc sử dụng hóa chất nông nghiệp, đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc trừ dịch hại, phân bón, thức ăn chăn nuôi. Có biện pháp cụ thể nhằm tập trung xử lý có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn khu vực nông thôn và hoạt động chăn nuôi tập trung gây ra.

Ưu tiên bố trí quỹ đất thỏa đáng và quan tâm đầu tư xây dựng các công trình xử lý nước thải, rác thải, hạ tầng kỹ thuật về môi trường.

Tập trung thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Kiểm soát có hiệu quả nguồn thải của các phương tiện giao thông vận tải theo tiêu chuẩn đã được ban hành, có chính sách khuyến khích các phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch, không gây ô nhiễm.

Ban hành các quy định cụ thể về bảo vệ môi trường tại các công trình xây dựng và các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, xây dựng cơ chế bồi thường  thiệt hại do ô nhiễm môi trường trong hoạt động xây dựng.

Tổ chức khoanh vùng các khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cảnh báo và hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Thực hiện lồng  ghép có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020.

Cát Tường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây