Cử tri cho biết, chương trình 135 giai đoạn 2 đến nay đã kết thúc, các CLB trợ giúp pháp lý nhân hỗ trợ từ chương trình này đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động do không có kinh phí. Cử tri kiến nghị Cục trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đề xuất các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục cấp kinh phí để các CLB này duy trì hoạt động hoặc đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch quy định rõ về kinh phí hoạt động của các CLB trợ giúp pháp lý để có cơ sở địa phương áp dụng.
Hiện nay ở cấp xã đang tồn tại nhiều loại hình CLB như CLB Nông dân với pháp luật; CLB không sinh con thứ ba; CLB phòng chống tội phạm; CLB bốn giảm; CLB trợ giúp pháp lý… nội dung và phương thức sinh hoạt gần như giống nhau. Cử tri đề nghị Cục trợ giúp pháp lý tham mưu Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương thống nhất thành một CLB để nhận sự hỗ trợ của nhiều ngành, và người dân trong cùng một tháng không phải tham gia sinh hoạt nhiều lần.
Bộ Tư pháp trả lời như sau: Khoản 3, Điều 36 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12.01.2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trợ giúp pháp lý và tiết b, điểm 1.4, khoản 1, khoản 3 Mục II Thông tư Liên tịch số 81/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 25.9.2008 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan trợ giúp pháp lý nhà nước đã quy định cụ thể về chi phí sinh hoạt CLB trợ giúp pháp lý từ nguồn ngân sách nhà nước.
Ngoài các quy định trên, đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu và các thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II, Chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi giai đoạn 2006 – 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã hỗ trợ mức 2 triệu đồng/ năm/ xã; 0,5 triệu đồng/ năm/ thôn, bản để tổ chức sinh hoạt CLB trợ giúp pháp lý.
Sau khi Chương trình 135 giai đoạn II kết thúc, ngày 29.4.2011, Bộ Tư pháp đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh quan tâm, chỉ đạo các Sở, ngành tạo điều kiện cấp kinh phí từ ngân sách địa phương để các CLB trợ giúp pháp lý duy trì hoạt động qua kinh phí hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý theo Thông tư liên tịch số 81/2008/TTLT-BTC-BTP.
Thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19.5.2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 – 2020, hiện nay, Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo tại các xã nghèo giai đoạn 2012 – 2020. Trong đó hoạt động hỗ trợ thành lập, củng cố và duy trì sinh hoạt các CLB trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo (trong đó có các xã trước đây thuộc Chương trình 135 giai đoạn II) từ ngân sách Trung ương. Sau khi văn bản này được ban hành cùng với các văn bản đang có hiệu lực pháp luật sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục duy trì hoạt động của các CLB trợ giúp pháp lý đã được thành lập từ Chương trình 135 giai đoạn II.
Về phía địa phương, hằng năm, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cần căn cứ vào quy định của Thông tư liên tịch số 81/2008/TTLT-BTC-BTP để chủ động lập dự toán kinh phí hỗ trợ sinh hoạt CLB trợ giúp pháp lý gởi Sở Tư pháp trình UBND tỉnh xem xét quyết định và tổ chức thực hiện dự toán sau khi được phê duyệt.
Về hoạt động của nhiều loại hình CLB tại địa phương, Bộ Tư pháp cho biết, theo quy định của Hiến pháp, Sắc lệnh số 102/SL/L-004 ngày 20.5.1957 ban hành Luật quy định quyền lập hội; Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21.4.2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và các văn bản hướng dẫn thì công dân có quyền hội họp, lập hội; việc thành lập và duy trì hoạt động của các hội, tham gia các hoạt động hội họp, sinh hoạt CLB, các hoạt động mang tính chất tự quản khác của cộng đồng phải trong khuôn khổ pháp luật về tổ chức, hoạt động và quản lý hội cũng như quy định, nội quy, quy chế của các thiết chế tự quản cộng đồng khác. Do vậy, tại một thời điểm và địa bàn có thể cùng một lúc duy trì nhiều mô hình CLB như cử tri phản ánh. Đây là một hiện tượng bình thường, phản ánh sự phát triển của mạng lưới các thiết chế tự quản ở cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của các hội viên tham gia sinh hoạt tại cộng đồng dân cư. Việc quyết định tham gia sinh hoạt CLB nào là quyền lựa chọn của người dân, dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải và theo nhu cầu cũng như sự quan tâm của người dân mà không mang tính chất bắt buộc phải tham gia.
Riêng CLB trợ giúp pháp lý đã được xác định là một phương thức tư vấn pháp luật trong trợ giúp pháp lý (khoản 1, Điều 38 Luật trợ giúp pháp lý); một hình thức hoạt động trợ giúp pháp lý tại cộng đồng được lập để tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp ký tại địa phương tham gia sinh hoạt, trao đổi những vướng mắc phápm luật của họ với nhau nhằm tăng cường khả năng tự giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những vướng mắc thông qua tyư vấn pháp luật để hỗ trợ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý ở địa phương (Điều 36 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12.01.2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trợ giúp pháp lý). Để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của CLB trợ giúp pháp lý, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của CLB trợ giúp pháp lý (kèm theo Quyết định số 03/2008/QĐ-BTP ngày 28.02.2008). Trên cơ sở đó, các CLB xây dựng Điều lệ về tổ chức và hoạt động trình Chủ tịch UBND cấp xã phê duyệt và triển khai hoạt động theo Điều lệ.
Để bảo đảm phát triển ổn định, bền vững CLB trợ giúp pháp lý, Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước giai đoạn 2008 – 2010, định hướng đến năm 2015 đã xác định tiếp tục đầu tư và phát triển mô hình CLB trợ giúp pháp lý tại cơ sở; nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhà nước có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các CLB trợ giúp pháp lý hoạt động ổn định, hiệu quả. Các CLB hoạt động dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo về nghiệp vụ của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước nhằm phát huy tính tự nguyện, tự quản của những người tham gia sinh hoạt CLB, kịp thời hỗ trợ người được trợ giúp pháp lý trong giải quyết các vụ việc vướng mắc pháp luật. Do vậy, tổ chức và hoạt động của CLB trợ giúp pháp lý không giống với các CLB khác hiện đang tồn tại tại cộng đồng dân cư. Vì vậy, việc thống nhất thành 1 CLB tại địa phương là không phù hợp với sự phát triển của mạng lưới các thiết chế tự quản tại cộng đồng dân cư hiện nay.
Về lâu dài, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể có liên quan nghiên cứu, tổng kết về mô hình hoạt động của các CLB và có giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động của các CLB, nhất là CLB trợ giúp pháp lý để phát huy và đề cao tính tự quản trong cộng đồng dân cư, kết hợp với mô hình cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhà nước.
Theo BTNO
Ý kiến bạn đọc