Ban Chỉ đạo Trung ương kiểm tra công tác triển khai thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tại Tây Ninh

Thứ sáu - 25/11/2016 09:00 62 0
Sáng 24.11, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do bà Hồ Thị Kim Thoa- Thứ trưởng Bộ Công thương, Phó Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn đến làm việc tại tỉnh Tây Ninh về thực hiện cuộc vận động trong thời gian qua.

Tham dự buổi làm việc có ông Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Huỳnh Văn Quang - Chủ tịch UB.MTTQVN tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh Tây Ninh.

Sau khi thăm, khảo sát hoạt động của Công ty TNHH xuất nhập khẩu-thương mại-công nghệ-dịch vụ Hùng Duy, đoàn đã làm việc với Ban Chỉ đạo tỉnh.

Bà Hồ Thị Kim Thoa- Thứ trưởng Bộ Công thương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương phát biểu kết luận tại buổi làm việc.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động theo tinh thần Thông báo kết luận số 264-TB/TW ngày 31.7.2009 của Bộ Chính trị (khóa X), trong năm 2016, Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh phối hợp với UBND tỉnh xây dựng Chiến lược hành động quốc gia “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến năm 2020, trọng tâm là các nội dung: Truyền thông, quảng bá hàng hóa thương hiệu Việt; xúc tiến thương mại; hỗ trợ xây dựng thương hiệu Việt; hỗ trợ đổi mới, ứng dụng khoa học-công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn, tham gia bình ổn giá...

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo tỉnh cũng kịp thời tham mưu Tỉnh ủy củng cố thành viên Ban chỉ đạo; sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo; thành lập Tổ giúp việc Ban chỉ đạo, hướng dẫn Ban chỉ đạo các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện cuộc vận động.

Trong công tác tuyên truyền, với vai trò là Thường trực Ban Chỉ đạo, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân được 2.677 cuộc với 48.620 lượt người dự; in, cấp phát 108 băng ron tuyên truyền ở các chợ, nơi công cộng, đưa các nội dung tuyên truyền về người Việt ưu tiên dùng hàng Việt trên Trang thông tin điện tử (website) và Bản tin Công tác Mặt trận của MTTQ tỉnh; các tổ chức chính trị - xã hội cũng tăng cường tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên... qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân và tạo thói quen tiêu dùng hàng Việt.

Các hoạt động thương mại được Sở Công thương, thành viên nòng cốt của Ban chỉ đạo, phối hợp với các ngành liên quan thực hiện đạt kết quả tốt. Trong năm qua, Sở Công thương phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM tổ chức hội nghị với chủ đề “Kết nối cung-cầu sản phẩm thiết yếu giữa doanh nghiệp TP.HCM và các kênh phân phối Tây Ninh” và hội thảo “Giải pháp sản xuất rau an toàn”; phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, lựa chọn các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu như: mãng cầu Bà Đen, báng tráng các loại, muối ớt các loại, trà Hoàn Ngọc 7 Nga, trà Tâm Lan, chao Phúc Bình Dương, nước tương Đông Cô và nước tương AAA.

Người dân xã Phước Minh (huyện Dương Minh Châu) đến mua hàng tại điểm bán hàng lưu động của Co.opmart Tây Ninh- Ảnh minh hoạ

Xây dựng mô hình thí điểm về Điểm bán hàng Việt Nam tại siêu thị và cửa hàng tiện lợi với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các doanh nhân, doanh nghiệp, siêu thị và Ban quản lý các chợ hạng 2 trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện chương trình nhận diện hàng Việt Nam “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2016.

Về đưa hàng Việt về nông thôn, Sở Công Thương đã chủ trì phối hợp Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức 3 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, đặc biệt Công ty Hùng Duy đã có hàng trăm chuyến hàng phục vụ nhân dân nông thôn, với 40 xe chở hàng có in khẩu hiệu cổ động "Người Việt dùng hàng Việt"; hai siêu thị Co.opmart Tây Ninh và Co.opmart Trảng Bàng tổ chức được 23 chuyến bán hàng lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa.

Ngoài ra, Sở Công thương còn phối hợp với các đơn vị thực hiện được 23 lượt bán hàng lưu động tại các địa phương trong tỉnh; vận động các doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn với tổng doanh thu trên 64,6 tỷ đồng. Các hoạt động bình ổn thị trường, đưa hàng Việt về nông thôn đã góp phần điều tiết hiệu quả thị trường hàng hoá, phân phối đến tận tay người tiêu dùng, nhất là người dân tại các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Các ngành chức năng thành viên Ban chỉ đạo cũng đã có nhiều nỗ lực tăng cường công tác quản lý thị trường, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc lưu hành trên thị trường để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo tỉnh, việc thực hiện cuộc vận động trong tỉnh cũng còn nhiều vấn đề cần quan tâm, như doanh nghiệp chưa phát huy vai trò, trách nhiệm trong thực hiện cuộc vận động; chưa sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; chưa liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất, kinh doanh với người tiêu dùng trong tỉnh; việc đưa hàng Việt về nông thôn chưa được thường xuyên do địa bàn của tỉnh rộng, kinh phí ít nên các hoạt động này chưa nhiều.

Phiên chợ "Hàng Việt về nông thôn" ở huyện Tân Biên do Sở Công thương Tây Ninh phối hợp Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (TP.HCM) tổ chức- Ảnh minh hoạ

Phát biểu kết luận, bà Hồ Thị Kim Thoa đánh giá cao những nỗ lực của Tây Ninh trong việc triển khai thực hiện các nội dung cuộc vận động, nhất là trong việc tuyên truyền, bình ổn thị trường và đưa hàng Việt về nông thôn. Qua đó, bà cũng đề nghị Ban chỉ đạo của tỉnh trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa cuộc vận động trong cán bộ, công chức, người lao động, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo phải làm gương trong sử dụng, mua sắm hàng Việt.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, đây là cuộc vận động lớn nên công tác tuyên truyền rất quan trọng, đối với Tây Ninh lại là tỉnh biên giới cần xây dựng chuyên mục tuyên truyền trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh hàng tuần để người dân hiểu rõ hơn về cuộc vận động.

Trong công tác quảng bá hàng Việt, Tây Ninh cần quan tâm hơn nữa việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của Tây Ninh để ngày càng có nhiều sản phẩm Việt Nam không chỉ trên thị trường trong nước mà còn ở quốc tế; hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn nên nâng cao về chất lượng, cần thiết xây dựng đề án "Bán hàng Việt" để các sản phẩm hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng khắp nơi trong tỉnh.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây