Ảnh minh họa |
Mùa nắng từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau và tương phản rất rõ với mùa mưa (từ tháng 5 – tháng 11). Chế độ bức xạ dồi dào, nhiệt độ cao và ổn định. Mặt khác, Tây Ninh nằm sâu trong lục địa, ít chịu ảnh hưởng của bão và những yếu tố bất lợi khác. Nhiệt độ trung bình năm của Tây Ninh là 27,40C, lượng ánh sáng quanh năm dồi dào, mỗi ngày trung bình có đến 6 giờ nắng.
Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.800 – 2.200 mm, độ ẩm trung bình trong năm vào khoảng 70 - 80%, tốc độ gió 1,7m/s và thổi điều hoà trong năm. Tây Ninh chịu ảnh hưởng của 2 loại gió chủ yếu là gió Tây – Tây Nam vào mùa mưa và gió Bắc – Đông Bắc vào mùa khô.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, biến đổi khí hậu đang diễn ra ở quy mô toàn cầu, khu vực và ở Việt Nam. Theo số liệu của Chi cục Bảo vệ Môi trường, biến đổi khí hậu đã tác động lên địa bàn tỉnh.
Trong giai đoạn 1978-2011, nhiệt độ có xu hướng tăng liên tục. Nhiệt độ trung bình năm của giai đoạn 1978-2011 là 27,330C dao động qua các tháng từ 26,020C đến 29,050C. Tháng có nhiệt độ cao nhất trong năm là tháng 4 (390C). Tháng có nhiệt độ thấp nhất trong năm là tháng 01 và tháng 12 (13,90C).
Trong những năm gần đây, lượng mưa có xu hướng thay đổi mạnh, có năm mưa rất nhiều, năm mưa ít. Lượng mưa giảm dần từ phía Tây sang Đông. Tâm mưa lớn nhất xuất hiện tại trung tâm tỉnh Tây Ninh với tổng lượng mưa một năm khoảng 2.000mm.
Tổng lượng nước bốc hơi có xu hướng giảm từ năm 1978 đến nay. Mực nước và lưu lượng dòng chảy có xu hướng tăng trong những năm gần đây và lưu lượng dòng chảy trong mùa lũ tăng cao.
Theo tính toán thì biến đổi khí hậu sẽ tác động gay gắt hơn trong thời gian sắp tới. Về nhiệt độ: Trong tương lai nhiệt độ của Tây Ninh có xu hướng tăng. Cụ thể mức tăng nhiệt độ (0C) trung bình năm so với thời kỳ 1980-1999 theo kịch bản phát thải trung bình (B2) là vào năm 2020 tăng thêm 0,50C, đến năm 2030 tăng thêm 0,70C, đến năm 2050 tăng thêm từ 1,2 đến 1,60C, vào năm 2100 nhiệt độ tăng thêm 2,5 đến 2,80C.
Mức tăng nhiệt độ trung bình năm so với thời kỳ 1980-1999 theo kịch bản phát thải thấp (B1) là năm 2100 nhiệt độ trung bình năm sẽ tăng thêm từ 1,0 đến 1,60C. Mức tăng tăng nhiệt độ trung bình năm so với thời kỳ 1980-1999 theo kịch bản phát thải cao (A2) là vào năm 2100 nhiệt độ trung bình năm sẽ tăng thêm từ 2,5 đến 3,70C.
Vào các tháng mùa mưa trong các thời kỳ sắp tới nhiệt độ sẽ tăng lên so với thời kỳ trước đó. Mức độ tăng trải đều ở tất cả các tháng. Một điều cần lưu ý là trong các thời kỳ trước thì nhiệt độ trong các tháng mùa mưa có xu hướng giảm từ tháng 5 đến tháng 11, tuy nhiên trong tương lai thì điều này sẽ bị thay đổi, cụ thể là nhiệt độ sẽ giảm dần từ tháng 5 đến tháng 9. Sau đó lại tăng lên từ tháng 10 đến tháng 11.
Về lượng mưa: Theo kịch bản phát thải trung bình (B2) thì trong tương lai, nhìn chung mưa tại Tây Ninh có xu hướng tăng chậm qua các năm từ 1978 đến 2030. Cụ thể mức độ thay đổi lượng mưa tổng năm so với thời kỳ 1980-1999 theo kịch bản phát thải trung bình (B2): Vào năm 2020 tăng thêm 0,8%, đến năm 2030 tăng thêm 1,2%, đến năm 2050 lượng mưa tăng thêm từ 1% đến 3%, vào năm 2100 lượng mưa tăng thêm từ 3% đến 5%.
Mức độ thay đổi lượng mưa trung bình năm theo kịch bản phát thải thấp (B1) là vào năm 2050 lượng mưa sẽ tăng thêm khoảng 5% và đến năm 2100 thì lượng mưa trung bình năm sẽ tăng khoảng 6%. Mức độ thay đổi lượng mưa trung bình năm theo kịch bản phát thải cao (A2) là vào năm 2050 lượng mưa sẽ tăng thêm khoảng 1-4% và đến năm 2100 thì lượng mưa trung bình năm sẽ tăng khoảng 2-10%.
Lượng mưa vào mùa khô giảm đều qua các tháng. Tuy nhiên, mùa mưa ngắn lại, cụ thể là, lượng mưa cao nhất tháng sẽ dịch chuyển từ tháng 10 sang tháng 9, trong các tháng mùa mưa thì tháng 11 có lượng mưa giảm. Vì vậy, có thể thấy rằng trong tương lai sự thay đổi lượng mưa trên địa bàn tỉnh khá phức tạp, tổng lượng mưa vào mùa mưa tăng mạnh (các tháng giữa mùa mưa) và mùa mưa rút ngắn lại trước khoảng 01 tháng.
Về lưu lượng dòng chảy trên các con sông: Lưu lượng các tiểu lưu vực hồ Dầu Tiếng (phía sông Sài Gòn) theo kịch bản biến đổi khí hậu vào các tháng mùa kiệt lưu lượng dòng chảy không có sự chênh lệch lớn giữa các giai đoạn tính toán. Nhưng vào những tháng mùa mưa lưu lượng dòng chảy có sự chênh lệch lớn, tăng cao theo các giai đoạn tính toán, góp phần làm tăng các hiện tượng cực đoan trong khu vực như ngập úng, lũ lụt...
Về ngập lụt: Tính theo kịch bản nước biển dâng 09 cm (B1, B2 và A2, năm 2020) cho thấy diện tích ngập lụt vào năm 2020 tại tỉnh Tây Ninh là 37,73 km2 chiếm khoảng 0,93% diện tích tỉnh Tây Ninh. Tính theo kịch bản nước biển dâng 09 cm (B1, B2 và A2, năm 2020) + kết hợp với đỉnh lũ năm 2000 (đỉnh lũ ngày 19/10/2000) cho thấy diện tích ngập lụt tại tỉnh Tây Ninh vào năm 2020 là 235,84 km2 chiếm khoảng 5,84% diện tích tỉnh Tây Ninh.
Tính theo kịch bản nước biển dâng 99 cm (A2, năm 2100) + kết hợp với đỉnh lũ năm 2000 (đỉnh lũ ngày 19/10/2000) cho thấy diện tích ngập lụt vào năm 2100 tại tỉnh là 386,43 km2 chiếm khoảng 9,57% diện tích tỉnh.
Theo các nội dung nêu trên thì vấn đề nước biển dâng, biến đổi khí hậu vẫn đang tác động đến Tây Ninh. Và tỉnh ta cũng đã đề ra kế hoạch chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể chung tay góp phần hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang diễn ra trên địa bàn tỉnh.
Ninh An