Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan thông tin, tuyên truyền, cơ quan báo đài địa phương có kế hoạch tuyên truyền bằng nhiều hình thức thích hợp và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến; mở các chuyên trang, chuyên mục về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, chú trọng tăng thời lượng phát sóng, phát thanh tuyên truyền để mọi cá nhân, tổ chức hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp, từ đó tích cực tham gia đóng góp ý kiến; phản ánh kịp thời các ý kiến đóng góp cũng như đề xuất của nhân dân.
Hiến pháp là một đạo luật cơ bản có giá trị pháp lý tối cao, quy định những vấn đề trọng yếu mang tính pháp lý, chính trị sâu sắc, thể hiện bản chất, đường lối, định hướng và mục tiêu phát triển quốc gia, do vậy việc ban hành sửa đỏi Hiến pháp là việc hệ trọng. Với tinh thần đó, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII đã thông qua Nghị quyết số 38/2012/QH13 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bắt đầu từ ngày 02/01/2013 và kết thúc vào ngày 31/3/2013.
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được Ban chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội xác định là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các ngành, các cấp, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành Hiến pháp, pháp luật và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
QD
Ý kiến bạn đọc