Môi trường đã được cải thiện
Phòng TN&MT huyện Hoà Thành cho biết, trước đây, trên địa bàn huyện có 29 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch thủ công hoạt động với công nghệ lạc hậu. Các lò gạch chủ yếu phân bố ven quốc lộ 22B, gần sông Vàm Cỏ Đông thuộc các xã Trường Đông, Trường Tây, Long Thành Nam và Long Thành Trung. Trong một thời gian dài, hoạt động từ các lò gạch này đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường đến mức “khủng khiếp” đối với nhiều hộ dân, khiến dư luận rất bức xúc. Tuy nhiên, hiện nay, môi trường ở khu vực các lò gạch đã được cải thiện đáng kể, là một kết quả rất đáng phấn khởi từ quá trình xử lý kiên quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường của các ngành, các cấp, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
![]() |
Một lò gạch Hoffman |
Ông Lâm Thanh Bình - Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Hoà Thành cho biết, trên toàn huyện hiện có 11 cơ sở sản xuất gạch đang hoạt động sau khi chuyển đổi công nghệ mới. Hiện đã có 18 lò gạch khác ngưng hoạt động do không có khả năng đầu tư công nghệ tiên tiến, mở rộng mặt bằng nhà xưởng…
So với các lò gạch thủ công, lò gạch áp dụng công nghệ mới như các lò Hoffman và Tuynel hiện nay đã hạn chế đáng kể tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Theo một cán bộ Phòng TN&MT huyện Hoà Thành, sở dĩ các lò gạch gây ô nhiễm môi trường là do sử dụng các chất đốt như trấu, vỏ hạt điều, đồng thời khí thải từ các lò gạch xả ra môi trường không được áp dụng các biện pháp xử lý, triệt tiêu. Sau khi áp dụng công nghệ mới, các cơ sở sản xuất gạch công nghệ Hoffman đã sử dụng chất đốt nung gạch là củi, mạt cưa nên đã giảm thiểu khí thải, bụi. Còn lò gạch công nghệ Tuynel thì nung gạch bằng năng lượng điện nên càng “sạch” đối với môi trường. Theo báo cáo giám sát môi trường 6 tháng đầu năm 2012, kết quả phân tích mẫu không khí ở các lò Tuynel chưa phát hiện chất gây ô nhiễm; đồng thời báo cáo giám sát môi trường năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 cho thấy các chỉ tiêu về bụi, khí thải, tiếng ồn đều đạt tiêu chuẩn, chưa phát hiện các chất gây ô nhiễm.
Hiện lò gạch có công suất lớn nhất ở Hoà Thành là khoảng 700.000 viên/ngày, các lò gạch có công suất thấp hơn sản xuất khoảng từ 10 đến 20 triệu viên/năm, lò có công suất thấp nhất khoảng 5 triệu viên/năm. Các cơ sở này tạo việc làm cho khoảng 400 lao động. Theo đánh giá của Phòng TN&MT huyện Hòa Thành, đến nay, thực hiện lộ trình chuyển đổi công nghệ theo chủ trương của Chính phủ và UBND tỉnh, các cơ sở sản xuất gạch trong huyện đã cơ bản chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường, không sử dụng chất cấm để đốt nung gạch.
Tuy nhiên, mới đây, trong quá trình đi thực tế tại một lò nung gạch công nghệ Tuynel (công nghệ hiện đại nhất hiện nay ở Tây Ninh), dù được giới thiệu là “lò nung gạch bằng điện” nhưng chúng tôi lại phát hiện có bãi chứa vỏ hạt điều trong doanh nghiệp này. Khi phóng viên ghi hình và tìm hiểu về bãi “chất đốt cấm” thì được đại diện doanh nghiệp cho biết chỉ dùng vỏ hạt điều để “mồi lửa” chứ không phải sử dụng làm chất đốt chính. Vậy lò gạch này sử dụng năng lượng điện để nung gạch hay chất đốt khác? Trong khi đó, 1 lò gạch Hoffman khác vẫn sử dụng chất đốt là trấu.
Chủ lò gạch không được hỗ trợ theo quy định?
Trong quá trình tìm hiểu về việc chuyển đổi công nghệ ở các lò gạch trên địa bàn huyện Hoà Thành, chúng tôi nhận được phản ánh của một số chủ lò gạch, doanh nghiệp sản xuất gạch. Những người này cho biết, ngày 14.8.2007, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 19/2007/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở sản xuất – kinh doanh trên địa bàn tỉnh đến năm 2010. Đối tượng được áp dụng theo quyết định này là những cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nằm trong danh mục được ban hành kèm theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg năm 2003 và những cơ sở phải xử lý ô nhiễm môi trường theo quyết định của UBND tỉnh.
![]() |
Lao động làm việc ở một lò gạch |
Theo Quyết định số 19, các chủ cơ sở, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ về tín dụng như được vay và hỗ trợ lãi suất theo mức lãi suất của Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển hoặc của tổ chức tín dụng khác. Mức vay tối đa được hỗ trợ lãi suất cụ thể là: Cơ sở, doanh nghiệp xử lý ô nhiễm tại chỗ được vay 800 triệu đồng, được hỗ trợ 6 tháng lãi suất; cơ sở, doanh nghiệp chuyển đổi ngành nghề được vay 500 triệu đồng để đầu tư hệ thống xử lý môi trường trong ngành nghề mới, được hỗ trợ 6 tháng lãi suất; các cơ sở, doanh nghiệp phải di dời được hỗ trợ 1 tỷ đồng, được hỗ trợ 12 tháng lãi suất. Các doanh nghiệp, cơ sở còn được ưu tiên thuê đất, được ngân sách tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ cho lao động nghỉ việc do cơ sở phải di dời hoặc ngừng hoạt động. Các cơ sở chuyển đổi ngành nghề khác còn được xét cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư theo quy định…
Tuy nhiên, theo một cán bộ Phòng TN&MT huyện Hoà Thành, cho đến nay, chưa có cơ sở hoặc doanh nghiệp sản xuất gạch nào (cũng như nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh lĩnh vực khác) được hưởng các chế độ, chính sách theo Quyết định số 19. Đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi công nghệ sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường. Để ứng dụng công nghệ sản xuất gạch tiên tiến, các cơ sở, doanh nghiệp phải đầu tư hàng tỷ đồng, chủ yếu là vốn vay trong điều kiện lãi suất tăng cao trong thời gian qua khiến giá thành sản phẩm gạch cũng tăng cao. “Chúng tôi kiến nghị tỉnh xem xét lại việc triển khai thực hiện Quyết định số 19 và có chính sách hỗ trợ chúng tôi theo quyết định này” - ông Nguyễn Văn Thuận, chủ cơ sở sản xuất gạch Thành Lợi nói.
(Theo BTNO)
Ý kiến bạn đọc